Saddam Hussein và các tướng lĩnh cấp cao của ông ta đã bị xử tử nhưng lẽ ra các chính khách và quan chức nước ngoài đứng sau việc trừng phạt Iraq cũng phải ra vành móng ngựa
Những mảnh vỡ tan nát đầu tiên trong năm nay của các tàu đánh cá Triều Tiên - còn được biết tới với tên gọi "tàu ma" - bị sóng đánh dạt vào bờ biển phía Bắc Nhật Bản. Trên những con tàu gỗ với động cơ yếu ớt đó, ngư dân Triều Tiên phải dấn thân ra biển cả vào giữa mùa đông với nỗi khát khao đánh bắt được cá.
Thỉnh thoảng giới chức Nhật tìm thấy thi thể các ngư dân chết vì đói và khát khi họ bị trôi dạt trên biển. Một vài trường hợp sống sót kể rằng động cơ của tàu bị hư hoặc họ hết nhiên liệu… Số "tàu ma" không ngừng tăng lên, với kỷ lục 104 chiếc được phát hiện trong năm 2017. Con số thật sự có thể cao hơn bởi nhiều chiếc tàu đã chìm sâu không dấu vết trong vùng biển đầy bất trắc giữa Triều Tiên và Nhật Bản.
Lý do khiến nhiều ngư dân liều mạng là sự thiếu thốn ở Triều Tiên, nơi mà cá là nguồn protein rẻ nhất. Chính phủ Triều Tiên áp đặt hạn ngạch, buộc ngư dân ra tận vùng biển xa. Một phần cá đánh bắt sau đó được bán cho Trung Quốc lấy tiền. Bi kịch của nhiều ngư dân Triều Tiên là bằng chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt quốc tế trong chừng mực nào đó đã thành công: Đất nước này rõ ràng đang gánh chịu sức ép kinh tế khủng khiếp. Người dân nghèo, dĩ nhiên, hứng chịu áp lực lớn nhất.
Tác dụng của trừng phạt kinh tế trong việc thúc đẩy các thay đổi chính trị không mấy khả quan song chúng lại dễ dàng đẩy một đất nước vào nghèo đói và khổ sở. Từ năm 1990 đến 2003, Liên Hiệp Quốc trừng phạt Iraq, với mục đích làm suy yếu Tổng thống Saddam Hussein và chính quyền của ông ta.
Thế nhưng, thực tế lại trái ngược. Các thành viên hàng đầu của Đảng Baath cầm quyền lợi dụng sự khan hiếm nhiều mặt hàng để trở thành nhà cung cấp độc quyền, từ đó làm giàu cho bản thân. Con trai ông Saddam là Uday thu lợi khổng lồ nhờ kiểm soát việc nhập khẩu thuốc lá vào Iraq.
Các quan chức chịu trách nhiệm theo dõi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc luôn cho rằng họ đã ngăn chặn được ông Saddam xây dựng lại quân đội. Nhưng thực tế là đây: Bệnh viện ở Iraq trong những năm 1990 cạn kiệt ôxy dự trữ trong khi xe cứu thương thiếu cả lốp. Khi thấy người nước ngoài đi ngang, nông dân ở tỉnh Diyala chìa ra những tấm phim X-quang bụi bặm của con cái vì tưởng rằng người lạ kia là một bác sĩ từ xa tới.
Cảnh sát Nhật Bản điều tra một chiếc tàu gỗ chứa 5 thi thể - nghi của Triều Tiên - dạt vào đảo Sado, tỉnh Niigata. Ảnh: KYODO
Saddam Hussein và các tướng lĩnh cấp cao của ông ta đã bị xử tử vì tội ác chiến tranh. Nhưng lẽ ra các chính khách và quan chức nước ngoài đứng sau việc trừng phạt Iraq khiến bao nhiêu người tử vong cũng phải lên đứng cạnh họ ở vành móng ngựa. Đã đến lúc xem trừng phạt kinh tế là một tội ác chiến tranh bởi vì chúng làm hàng triệu dân thường vô tội phải chết, ngã bệnh hoặc sống vạ vật nghèo khổ.
Thật ra trừng phạt kinh tế không phải là thứ quá mới mẻ. Nó giống như kiểu bao vây thời trung cổ nhưng được "lọc" qua một cơ chế phức tạp để điều chỉnh phạm vi và biện pháp trừng phạt. Một điểm khác biệt nữa là bao vây được tiến hành để bóp nghẹt một thị trấn hay thành phố, còn ngày nay người ta dùng trừng phạt kinh tế để gây sức ép buộc các nước khác phải khuất phục.
Giới chính trị gia thường cho rằng các hình thức trừng phạt kinh tế nhân đạo hơn hành động quân sự. Người ta cũng hay giả vờ tin là thực phẩm và thiết bị y tế vẫn được đưa vào các nước bị trừng phạt một cách tự do, không hề vấp phải rào cản về tài chính và các quy định khác.
Một ví dụ chứng minh sự khắc nghiệt của trừng phạt là trường hợp Syria - bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt để buộc Tổng thống Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực. Họ thất bại hoàn toàn với mục tiêu này song một bản báo cáo nội bộ của Liên Hiệp Quốc bị rò rỉ năm 2016 lại cho thấy các lệnh cấm vận đã chặn đường các cơ quan viện trợ quốc tế giúp đỡ người dân Syria. Hàng viện trợ không thể nhập khẩu Syria vì các ngân hàng và công ty thương mại sợ bị trừng phạt nên không dám giao dịch gì với Syria.
Nếu có mặt ở cạnh các bệnh viện bị sụp đổ dưới mưa bom hay bị thiêu rụi trong lửa đạn pháo, người ta sẽ rất phẫn nộ trước thực trạng thiếu thốn thiết bị y tế và thuốc men. Tuy nhiên, hình ảnh máy chụp X-quang hay máy thẩm tách thận thiếu phụ tùng thay thế không thể nào sánh bằng thảm cảnh người chết và bị thương ở tiền tuyến. Và những bệnh nhân phải ra đi vì thiết bị y tế bị lệnh trừng phạt vô hiệu hóa cũng khó có cơ hội được nêu lên rộng rãi.
Thông tin liên quan đến cấm vận luôn mờ nhạt trước tình hình chiến sự. Vài lần lực lượng Houthi nã rốc-két vào thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi đều nhanh chóng xuất hiện trên báo đài, dù chẳng ai thiệt mạng. Còn chuyện Yemen đang chìm vào nạn đói do con người gây ra lớn nhất lịch sử - một phần nguyên nhân là bởi lệnh trừng phạt từ Ả Rập Saudi - lại không mấy khi được đả động.
Trừng phạt kinh tế có thể còn giết nhiều người hơn cả bom đạn vì chúng kéo dài năm này qua năm khác, với những hậu quả ngày càng chất chồng. Cái chết của quá nhiều ngư dân Triều Tiên trên những con thuyền gỗ mỏng manh chính là hậu quả của các lệnh trừng phạt - vốn nhắm sai mục tiêu như thường thấy và không tác động được đến ông Kim Jong-un như từng thất bại với ông Saddam Hussein.
Mỹ tuyên bố duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định lệnh cấm vận Nga sẽ không chấm dứt cho tới khi nước này thay đổi hành động với cuộc ... |
Triều Tiên lén xuất than sang Hàn, Nhật dù bị cấm vận
Ba nguồn tin tình báo phương Tây cho biết các chuyến tàu chở than từ Triều Tiên đến Nga năm ngoái trên thực tế đã ... |