3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ: Trong dòng kiều hối...?

3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ có nằm trong nguồn tiền kiều hối kiều bào gửi về rồi lại chảy ngược đi...

Sáng 31/7, tại diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến mong muốn Thủ tướng chia sẻ về con số 3 tỷ USD, thậm chí có thể còn lớn hơn, chảy sang Mỹ để mua nhà.

3 ty usd mua nha tai my trong dong kieu hoi
Việt Nam là quốc gia mua nhà liên tục đứng trong top 10 ở Mỹ nhiều năm qua

Ông Don Lâm, đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital cho biết, con số thực có thể còn lớn hơn mức 3 tỉ USD, điều này cho thấy môi trường đầu tư ở việt Nam còn có nhiều rủi ro khiến giới doanh nhân chưa yên tâm.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông tiết lộ, có nghe được ý kiến lý giải rằng số tiền này nằm trong nguồn tiền kiều hối chuyển về rồi lại chảy ngược đi. Ông Đông cho rằng, cần phải có đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra được con số chính xác.

Chia sẻ với các doanh nhân, Thủ tướng nhìn nhận, điều này cũng một phần cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam là tự do, nhưng ở một khía cạnh khác, rất cần suy nghĩ về câu chuyện này.

"Ví dụ như có chăng vì vấn đề lãi suất USD bằng 0 chẳng hạn. Cho nên, ngành ngân hàng nên quan tâm để có chính sách thu hút nguồn lực trong dân".

Do đó, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, tạo điều kiện để hút dòng tiền vào trong nước.

Ai mua nhà, tiền ở đâu?

Trước đó, tại báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ (NAR) cho biết trong năm tài chính vừa qua (tính từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017), người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ.

Trong đó, số tiền người Việt bỏ ra chiếm 2%, tương đương 3,06 tỷ USD, tương đương hơn 68.000 tỷ đồng.

Và từ năm 2007, Việt Nam đã là một trong những nước đứng đầu mua nhà ở Mỹ, mỗi năm trừ 2009 và 2012 chiếm 1%. Số tiền mua nhà đổ vào ngày càng mạnh, khi năm nay tăng gấp 3 lần so với năm ngoái là 1 tỷ USD (1%).

Chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Hoàng Văn Cường, ĐBQH Hà Nội nhận định đây là một chuyện không bình thường và cần phải xem xét lại.

“Đó là điều rất đáng để suy nghĩ. Nó chứng tỏ một bộ phận người Việt có tiềm lực tài chính rất lớn. Ngoài việc đầu tư các lĩnh vực trong nước họ còn mong muốn đầu tư tại nước ngoài”, ông Cường khẳng định.

Theo ông Cường, việc người Việt đổ tiền mua nhà ở Mỹ ngoài lý do muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, làm ăn cũng cần quan tâm tới nguồn gốc số tiền đang di cư: “Cũng không loại trừ những người này có nguồn tài chính, thu nhập không chính đáng. Họ lo ngại chuyện rủi ro và tìm cách để phân tán tài sản", ông Cường nói.

Ông Nguyễn Bá Sơn, ĐBQH Đà Nẵng thì yêu cầu làm rõ hai vấn đề.

“Ở nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển như Mỹ, việc mua nhà cửa, tài sản không phải đơn giản. Anh có tiền nhưng phải chứng minh được tài sản đó là hợp pháp.

Do đó, công bố của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ dựa trên cơ sở nào? Người Việt Nam đi làm ăn ở nước ngoài có thu nhập và mua nhà bên Mỹ, hay người ta chuyển tiền từ Việt Nam sang?

Trong trường hợp tiền đó không phải phát sinh từ đất nước Hoa Kỳ vậy thì cần trả lời câu hỏi làm sao nó lọt được sang Mỹ để mua tài sản?

Câu chuyện này đứng về mặt pháp lý của một quốc gia thì Hoa Kỳ phải là người trả lời việc này”, ông Sơn khẳng định.

Theo ông Sơn, hiện nay dư luận đang chú ý đến việc Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo tuy nhiên lại có nhiều người, trong đó có những người là quan chức đi qua mua sắm tài sản giá trị lớn.

"Việc này phải xem xét kỹ. Nếu tiền đó là hợp pháp thì bình thường, còn nếu tiền đó có nguồn gốc bất hợp pháp thì lại là câu chuyện khác", ông Sơn lo ngại.

Trong khi đó trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM nhận định số tiền 3 tỷ USD chỉ là một phần trong hoạt động chuyển tiền "ngầm" ra nước ngoài. Trên thực tế số tiền có thể lớn hơn nhiều vì còn sử dụng để chi cho nhiều hoạt động khác như du học, du lịch, mua sắm...

Đa số, người Việt mua nhà ở Mỹ thông thường có con là du học sinh tại đây nên sẽ được phép đứng tên sở hữu. Vì vậy số tiền chuyển đi có thể được thực hiện qua nhiều cách, trong đó một phần qua đường chính thức cho chi phí ăn ở du học và cả thẻ tín dụng. Nhưng phần lớn vẫn chuyển qua các dịch vụ kiều hối với mức phí phổ biến 1%.

/ An An/baodatviet.vn