Uống sữa từ thiện, trẻ ngộ độc: Đừng nghĩ là bố thí...

Các cơ quan nào tuyên truyền phải rất cảnh giác với động cơ làm từ thiện, tránh để lại hậu họa và tôn trọng người được từ thiện.

Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội với báo Đất Việt sau vụ hàng trăm học sinh nhập viện cấp cứu tại Hậu Giang.

2 khả năng đặt ra

PV:- Ngày 27/10, gần 500 em học sinh của hai Trường Tiểu học Lái Hiếu và Nguyễn Hiền (thị xã Ngã Bảy) sau khi uống sữa Milo miễn phí thuộc chương trình Giáo dục dinh dưỡng học đường, do Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC thực hiện đã có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm được đưa vào Trung tâm Y tế thị xã cấp cứu.

Về phía đại diện công ty Nestlé Việt Nam cũng đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc trên. Là một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm, ông bình luận gì về sự việc xảy ra vừa qua?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh:- Trong sự việc này bản thân người sản xuất chỉ chịu trách nhiệm khi sữa của hãng còn nguyên đai, nguyên kiện, chỉ khi nào hộp sữa vẫn còn hạn sử dụng theo quy định mà xảy ra ngộ độc thì họ mới chịu trách nhiệm.

Còn bản thân công ty nào đó mua về sử dụng, có 2 khả năng: một là, mua sữa quá hạn về xong mang đi làm từ thiên, khả năng này vẫn có thể xảy ra, nhiều công ty làm như vậy để giảm chi phí, họ nghĩ trẻ con nhà quê ngơ ngác, có quá hạn cũng không biết; hai là, mang về pha chế thì thông thường sẽ mua sữa đặc hoặc sữa dạng bột để pha chế.

Và nếu mua sữa pha thì có thể công ty nào đó mua sữa Milo của Nestlé, nếu sữa đó đã là sữa quá hạn, khi đó, rõ ràng công ty đó phải chịu trách nhiệm về việc này, do mua sữa quá hạn.

Hoặc bản thân công ty đó mua sữa về không đảm bảo điều kiện vệ sinh hoàn toàn tốt khi phá sữa, bản thân người pha chế, rất dễ bị nhiễm bẩn. Có thể người trong gia đình uống 1-2 cốc khả năng nhiễm khuẩn rất ít, còn dùng cho tập thể lớn thì thông thường lại vừa nói chuyện vừa pha sữa, sẽ xảy ra hiện tượng nhiễm trùng đi từ cơ thể con người, môi trường vào cốc, đĩa.

uong sua tu thien tre ngo doc dung nghi la bo thi
Rất nhiều học sinh phải nhập viện

Cả hai trường hợp đều có khả năng xảy ra, muốn chứng minh điều đó thì phải có phần sữa Milo mà mua về vẫn giữ nguyên đai, nguyên kiện.

Nói ngay công ty đó mua 100 hộp về pha, để lại 10 hộp ngẫu nhiên, mang lại nguyên đai, nguyên kiện, hạn sử dụng, yêu cầu kiểm tra chất lượng, nếu sữa có phần nào ngẫu nhiên hư hỏng, thì có thể đưa ra kết luận đầu tiên tội phạm là sữa được sản xuất ban đầu.

Nhưng nếu như không còn hộp nào thì không còn bằng chứng, vì đã pha hết, chỉ biết được do pha chế sai, mà khả năng pha chế sai, pha chế hỏng, bẩn nhiều hơn là việc sữa hỏng rồi mới pha.

Vấn đề sữa cho trẻ em là vấn đề rất nhạy cảm, vấn đề đi làm từ thiện cũng rất nhạy cảm, có nhiều người động cơ đi làm từ thiện cũng rất tốt vì người nghèo...Cũng có nhiều nơi không vì động cơ nào, nhưng cũng có những nơi mục đích hướng đến là đánh bóng thương hiệu, quay phim, chụp ảnh, rồi tự đề cao mình vì đã bỏ tiền đi làm từ thiện.

Làm từ thiện là tốt nhưng không có nghĩa là bố thí, mà đã làm từ thiện thì luôn lấy tiêu chí đói cho sạch, rách cho thơm. Các cơ quan tuyên truyền phải rất cảnh giác với động cơ làm từ thiện, tránh để lại hậu họa.

Từ thiện là số đông, chứ còn cho một người cái phong bì thì không nói làm gì, việc đó rất dễ. Cũng như câu chuyện từ thiện ủng hộ cho đồng bào bão lũ lụt miền Trung lại cho cả bikini, quần áo quá hôi thì họ cũng vứt đi, không dùng, chúng ta phải tôn trọng người được từ thiện.

Trong việc này, nếu như hoàn toàn cố tình mà bị thì động cơ vẫn đúng, cách làm thì sai, vấn đề là xem họ có vô tình mua phải sữa quá hạn hay không, còn việc mua về pha chế sai quy định, pha mất vệ sinh thì động cơ không đúng..

Tôi chỉ hỏi vì sao công ty đó phải tự pha, trong khi Milo bán túi lớn, túi bé loại 100ml-200ml-500ml đều có, đem cho trẻ con cứ thế dùng, rất dễ, còn pha thì mất vệ sinh cốc, rõ ràng ở khía cạnh nào đó chúng ta có quyền nghi ngờ động cơ của công ty này.

PV:- Như chúng ta biết, chương trình mang sữa đến học đường đây không phải lần đầu tiên mà đã có một vài hãng sữa trước đó cũng đã từng làm, từng triển khai ở các trường trung tâm thành phố Hà Nội và đã được chỉ ra là cách PR thương hiệu một cách trá hình.

Và giờ đây cách làm trên được đưa về các tỉnh thành nhỏ lẽ, có phải họ đang chuyển dịch từ đô thị lớn về các tỉnh và điều này có được phép hay không, thưa ông? Trên thế giới họ có cho áp dụng cách làm trên vào các trường học?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh:- Chúng ta không nên khẳng định vội vàng, vì có nhiều người rất hảo tâm, nhưng có những người đánh bóng thương hiệu.

Vấn đề là Sở Y tế hoặc Sở GD-ĐT, điều phải điều tra xem bao nhiêu đứa trẻ được uống sữa, vùng nào là vùng nghèo, số lượng trẻ. Thực tế, việc cung cấp sữa cho trẻ con muốn có hiệu quả thì không phải một lần mà cần một thời gian khá dài đủ lượng sữa nhất định, mới có cảm giác được cung cấp dinh dưỡng.

Ở đây nếu người nào có thiện tâm thực sự mới làm tốt được, tôi còn nhớ cách đây vài năm, chương trình sữa học đường của Bộ Nông nghiệp Mỹ được triển khai.

Họ làm theo cách không ra đại diện gì, chỉ đặt vấn đề với Sở Y tế, Sở GD-ĐT tại một số tỉnh, một số trường, thống kê các em có kinh tế khó khăn, cung cấp số lượng một cách dài hạn, 3-6 tháng, trong thời gian đó theo dõi sức khỏe các cháu có sự chuyển biến hay không, bình quân mỗi người chỉ 200ml/ngày, ngày nào cũng có, đúng vào buổi sáng, kể cả cô giáo và học sinh.

Sau 3-6 tháng họ thấy việc uống sữa tốt cho trẻ em, không phải tự nhiên mang sữa đến, mà họ đặt hàng một hãng sữa, đưa tiền cho công ty sản xuất sữa, ký hợp đồng đưa đúng ngày, đúng thời gian, còn không quan tâm, chất lượng sữa, vì vệ sinh ATTP công ty sữa chịu trách nhiệm.

Còn chương trình sữa học đường hiện nay đi đâu tôi cũng chỉ thấy người mẫu mắt xanh mỏ đỏ, đi xe Camry, Lexus, ngồi trên xe chống cằm, đưa vài thùng sữa xuống phát, thực sự, các trường, Sở Y tế, Sở GD-ĐT nên từ chối, không giải quyết vấn đề gì, đôi khi hậu quả ngộ độc nguy hiểm tính mạng.

Trẻ con không phải cứ có sữa là tốt, vì có những đứa trẻ không bao giờ uống nên lượng đường lactose có trong sữa làm cho trẻ không tiêu hóa được, bị đau bụng, ỉa chảy.

Hiện nay có nhiều người làm từ thiện nhưng không vì từ thiện, rõ ràng đánh bóng tên tuổi, tác hại xấu cho xã hội, ấn tượng xấu thành thói quen, theo kiểu được ví von bồ tát chưa chắc đã là bồ tát. Nếu làm thật vì nghĩa lớn thì đừng công bố tên, quay phim, chụp ảnh.

Cứ theo Luật mà xử lý

PV: - Chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao các địa phương lại không hề nghi ngờ về việc làm trên của các doanh nghiệp, thậm chí lại giúp đỡ khá tận tình, liệu có mối liên hệ đặc biệt nào ở đây hay không?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh:- Có những địa phương thực sự khó khăn, phần lớn ngộ nhận đây là những hành động giúp đỡ thật, tuy nhiên cũng có tổ chức làm thật. Hiện nay ở Hà Nội nhiều người đã góp tiền, quyên góp đồ để đi từ thiện, mang tận nơi, trao tận tay còn có ý nghĩa.

Xác định việc hỗ trợ là quý nhưng các trường, các Sở GD-ĐT cần tỉnh táo xem xét người nào có động cơ giúp đỡ thực sự thì tiếp đón, còn nếu không thì nên từ chối, không nên gián tiếp tiếp tay cho các đơn vị quảng cáo trá hình thì rất dở.

Và hiện nay cũng có những người thuận lợi thì dùng tiền mặt đi tác động với quan chức địa phương, nhưng chúng ta không có bằng cớ để nghi ngờ chuyện này.

PV: - Những sự việc xảy ra vừa qua khiến dư luận đặt ra nghi ngờ có những sự bắt tay giữa doanh nghiệp và chính quyền, ông có đồng tình hay không? Theo ông hiện tượng này cần được hạn chế ra sao?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh:- Hoàn toàn những nghi ngờ trên có thể được đặt ra, việc doanh nghiệp bắt tay với chính quyền địa phương để tạo thuận lợi. Các trường nên từ chối các trường hợp vào từ thiện cho uống sữa, vì có uống 1 lần cũng không tẩm bổ được gì cho các em học sinh, trong khi phải đối diện rủi ro.

PV:- Trong trường hợp xảy ra sự cố như vừa qua tại Hậu Giang, việc xin lỗi như vậy đã đủ hay chưa? Cần phải xử lý thế nào?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh:- Việc xin lỗi cũng là một điều tốt, nhưng có điều trong Luật về an toàn thực phẩm xử phạt của Chính phủ cứ chiểu theo Luật mà làm, cung cấp thức ăn cho đối tác tổn hại đến sức khỏe, tùy theo lỗi mà xử phạt, thậm chí mức hình sự, chứ không chỉ xin lỗi.

Đã có Luật ATTP, thì xin lỗi xong nộp tiền phạt, về chữa bệnh cho trẻ, tiền thuốc, tiền vận chuyển, đền bù tâm lý...Các cơ quan chức năng phải vào cuộc, xét xử theo Luật, Nghị định của Chính phủ về xử phạt ATTP.

- Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ với Đất Việt!

uong sua tu thien tre ngo doc dung nghi la bo thi Bốc bim bim tẩm thuốc chuột, hai cháu bé nhập viện

Hai cháu bé ở Hải Phòng đã phải nhập viện do ăn phải bim bim tẩm thuốc độc dùng để bẫy chuột.

uong sua tu thien tre ngo doc dung nghi la bo thi Chất lượng sữa học đường bị thả lỏng?

Hàng trăm học sinh tại tỉnh Hậu Giang ngộ độc sau khi uống sữa pha sẵn phát cho trường học. Câu chuyện chất lượng sữa ...

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/uong-sua-tu-thien-tre-ngo-doc-dung-nghi-la-bo-thi-3346734

/ Châu An / Báo Đất Việt