Thu phí thành thu giá, tụ nước không phải ngập!

Các trạm thu phí đồng loạt đổi thành “trạm thu giá” và những đường bị ngập nặng chỉ là “tụ nước” cho thấy sự “chơi chữ” mức thượng thừa.

thu phi thanh thu gia tu nuoc khong phai ngap

Một chiếc xe ngập gần hết bánh trên con hẻm đường Hồ Học Lãm quận Bình Tân- một trong những tuyến đường “tụ nước”. Ảnh Tuổi trẻ.

“Trạm thu phí” đồng loạt đổi tên thành “trạm thu giá”, đó thực sự là một điều vô cùng khó hiểu đối với người dân. Theo ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT), việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá được thực hiện theo quy định của Luật phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Từ năm 2017, phí đường bộ chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định. Theo đó, Bộ GTVT có thẩm quyền ban hành mức giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, còn UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.

Tức là về bản chất, các trạm thu giá vẫn hoạt động như trước kia, thu tiền lệ phí của người sử dụng hạ tầng giao thông, chỉ có điều không gọi là “trạm thu phí” nữa mà gọi là “trạ thu giá”, giá sẽ do Bộ GTVT điều chỉnh.

Về mặt ngôn ngữ, “thu giá” là hoàn toàn vô nghĩa. Bởi giá được định nghĩa là “biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá, nghĩa là số lượng tiền phải trả cho hàng hoá đó”, nhưng chẳng ai nói “thu giá” mà phải nói là “thu phí”, “thu tiền”, "thu ngân". Sự chuyển đổi này về bản chất không thay đổi, vẫn là chuyện thu tiền của người dân sử dụng dịch vụ hạ tầng giao thông, vậy tại sao lại phải cắc cớ đổi “thu phí” thành “thu giá” làm gì? Vậy liệu đóng học phí thì từ giờ chuyển thành “học giá”, đóng viện phí thì thành “viện giá” luôn hay không?

Một chuyện khác cũng gây xôn xao không kém, đó là việc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh công bố thông tin sau cơn mưa lớn vào tối 19/5 vừa qua, trên địa bàn thành phố chỉ có 10 tuyến đường bị ngập nước, còn lại chỉ là có hiện tượng “tụ nước”.

Theo những hình ảnh báo chí ghi lại, những tuyến đường “tụ nước” cũng bị ngập cỡ nửa bánh xe, người dân đi lại rất khó khăn vì xe chết máy. Ấy thế nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để xếp vào danh sách “đường ngập nước", nó chỉ là đường “tụ nước” mà thôi.

Có nhiều người so sánh với một một khái niệm khác cũng do Sở GTVT đưa ra, đó là không có chuyện nhiều tuyến đường kẹt xe mà chỉ là “ùn ứ”, tức là các phương tiện vẫn nhúc nhích chứ không đứng yên. Thật chẳng khác nhau là mấy. Tức là về bản chất cũng như nhau, tuy nhiên khi ta sáng tạo ra một định nghĩa mới hơn thì cảm giác hậu quả sẽ nhẹ nhàng đi rất nhiều.

Chắc các nhà ngôn ngữ học cũng phải bái phục tài sử dụng ngôn ngữ của các cơ quan chức năng.

Nhưng cũng may, nhờ có các định nghĩa mới sáng tạo này, người dân sẽ cảm thấy nhẹ nhõm đi phần nào, bớt bi quan về cuộc sống. Thay vì tâm sự với nhau: “Hôm qua tôi khốn khổ vì kẹt xe trên con đường ngập nước”, người dân sẽ dùng câu: “Hôm qua tôi bị ùn ứ trên con đường tụ nước”, cảm giác khổ sở 10 phần đã vơi đi 7,8. Đó cũng là một thành tựu đáng mừng cho công cuộc chống ngập nước ở thành phố lớn nhất nước này.

Kinh nghiệm để đối phó với những tình huống có khả năng gây bức xúc như vậy đã có. Nếu người dân bức xúc với các trạm thu phí, ta chuyển thành thu giá. “Đường ngập nước” thì ta gọi là “đường tụ nước”. Thế là cuộc sống vẫn vui, có phải không thưa các quý bạn đọc?

thu phi thanh thu gia tu nuoc khong phai ngap Xài hết 5 tỉ USD, TP HCM sẽ hết ngập?!

Cứ mưa là ngập dù không biết bao nhiêu tiền đổ ra để chống khiến người dân TP HCM hoài nghi về cách chống ngập

thu phi thanh thu gia tu nuoc khong phai ngap Chống ngập kiểu... "bao cấp"

Người dân càng lúc càng ngán ngẩm với những lời giải thích ngập là do thiếu tiền, người dân thiếu ý thức, bởi việc chống ...

/ Đất Việt