NTK Công Trí bị bắt: Không thể lấy tài năng để lấp liếm cho hành vi phạm pháp

Từng được xem là nhà thiết kế Việt hiếm hoi vươn tầm quốc tế, Nguyễn Công Trí gây chấn động khi bị bắt vì liên quan đến ma túy.

Ngày 23/7, Công an TP.HCM cho biết triệt phá đường dây mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trong số nghi phạm bị tạm giữ hình sự có nhà thiết kế thời trang Nguyễn Công Trí.

Không thể đánh đồng giữa công và tội

Thời điểm chưa bị phát giác, Nguyễn Công Trí là cái tên nổi đình đám, được gọi là nhà thiết kế của các sao quốc tế. Anh là người sáng lập thương hiệu thời trang cùng tên, từng là thành viên duy nhất đại diện Việt Nam trong Hiệp hội Thời trang châu Á. Nhiều thiết kế của anh được sao quốc tế như Beyoncé, Rihanna, Katy Perry, Zendaya, Camila Cabello… lựa chọn cho các sự kiện lớn.

Với giới thời trang, Công Trí không chỉ là nhà thiết kế, mà còn là biểu tượng vượt khỏi biên giới. Anh được ca ngợi vì tầm nhìn, kỹ thuật và sự tinh tế mang đậm bản sắc Việt.

Không phủ nhận sức ảnh hưởng của Công Trí trong làng thời trang.

Không phủ nhận sức ảnh hưởng của Công Trí trong làng thời trang.

Vì vậy thông tin nhà thiết kế này bị bắt vì tham gia vào đường dây mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gây chấn động showbiz Việt.

Không ít người bày tỏ sự thất vọng trước hành vi đáng lên án của một biểu tượng thời trang; nhưng cũng có luồng ý kiến tìm cách bênh vực "áp lực nghề", "cô đơn nghệ sĩ", "thiếu lối thoát tinh thần"… như hình thức thông cảm quá đà.

Dù ở góc nhìn nào, điều không thể phủ nhận là không ai có quyền lấy tài năng hay danh tiếng để biện minh cho hành vi phạm pháp. Tài năng dù lớn đến đâu cũng không thể đứng trên luật pháp. Việc Nguyễn Công Trí bị tạm giữ vì tham gia đường dây ma túy là dấu chấm hết cho mọi danh xưng nghệ thuật nếu như sự thật được làm rõ.

Trước Nguyễn Công Trí, showbiz Việt không thiếu những cái tên "nhúng chàm liên quan đến ma tuý. Gần đây nhất, đó là người mẫu Andrea Aybar (An Tây) hay ca sĩ Chi Dân cũng bị phát hiện sử dụng ma túy tại một căn hộ ở TP.HCM.

Chi Dân gửi lời xin lỗi khán giả, cho rằng "sự việc lần này nghiêm trọng với sự nghiệp mình và có trách nhiệm lớn vì là người được khán giả tin tưởng". Người mẫu Andrea Aybar cũng gửi lời xin lỗi trong nước mắt: "Ma túy đã hủy hoại cả sự nghiệp, cuộc sống và tương lai của tôi. Tôi nghĩ tôi đã mất hết sự nghiệp, cũng không có cơ hội để làm lại".

Liệu lời xin lỗi này có quá muộn màng không? Khi nhắc đến Chi Dân hay An Tây ở thời điểm hiện tại, lối sống phóng túng có lẽ được bàn tán nhiều hơn là những dấu ấn trước đó.

Điều đáng lo là, mỗi khi một nghệ sĩ dính đến sai phạm, lập tức có một phần công chúng đôi khi là đồng nghiệp đưa ra lập luận kiểu “họ quá tài năng nên cần được cảm thông”, hay “nghệ sĩ dễ tổn thương, dễ sa ngã vì sống trong cảm xúc”, thậm chí “nên bỏ qua vì họ cống hiến nhiều cho nghệ thuật”.

Người mẫu An Tây, ca sĩ Chi Dân xin lỗi khi bị bắt vì ma tuý.

Người mẫu An Tây, ca sĩ Chi Dân xin lỗi khi bị bắt vì ma tuý.

Xã hội văn minh không đánh đổi công lý lấy sự nổi tiếng. Nghệ sĩ cũng như bất kỳ công dân nào, phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình trước pháp luật. Việc khoác lên họ lớp hào quang tài năng để giảm nhẹ hay lấp liếm tội lỗi chỉ góp phần dung dưỡng sai trái.

Nghệ sĩ không phải “vùng trắng” pháp lý

Nghệ sĩ vốn là những người hoạt động nghệ thuật, có sức ảnh hưởng. Sự quan tâm của dư luận đối với họ nhận được cũng đi kèm với trách nhiệm lớn lao, đòi hỏi nghệ sĩ phải hành động một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và xây dựng những giá trị tích cực cho xã hội. Do đó, người nghệ sĩ cần xác định phải có trách nhiệm duy trì hình ảnh cá nhân với lối sống chuẩn mực và lan toả những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Dù ở vai trò người sáng tạo hay biểu tượng văn hóa, nghệ sĩ vẫn là công dân sống trong hệ thống luật pháp. Họ có thể truyền cảm hứng, có thể được yêu mến, nhưng không đồng nghĩa được đứng ngoài chuẩn mực đạo đức và pháp lý.

Ngược lại, vì có sức ảnh hưởng lớn, nghệ sĩ càng phải cẩn trọng. Họ là người định hướng gu thẩm mỹ, quan điểm sống và hệ giá trị cho một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Khi một nghệ sĩ bước sai, hậu quả không chỉ là sự sụp đổ cá nhân mà còn kéo theo tổn hại niềm tin xã hội.

Ở những quốc gia phát triển, nghệ sĩ dính líu đến pháp luật lập tức bị tẩy chay khỏi ngành công nghiệp giải trí, bị cắt hợp đồng, ngừng phát sóng, thậm chí đối diện làn sóng tẩy chay triệt để từ công chúng. Đó không phải sự phũ phàng, mà là quy luật vận hành của một xã hội thượng tôn pháp luật.

Nguyễn Công Trí bị bắt vì liên quan đến ma tuý.

Nguyễn Công Trí bị bắt vì liên quan đến ma tuý.

Sự việc của Nguyễn Công Trí một lần nữa đặt ra câu hỏi về đạo đức và trách nhiệm trong giới nghệ thuật. Tài năng cần đi cùng đạo đức, sự nổi tiếng phải đi kèm trách nhiệm xã hội. Không thể tiếp tục ngợi ca nghệ sĩ chỉ vì họ tài hoa, nếu đời sống cá nhân là chuỗi hành vi lệch chuẩn.

Cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình điều tra vụ việc. Anh sẽ phải đối diện với hậu quả nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật. Đây cũng là hồi chuông thức tỉnh không chỉ cho giới nghệ sĩ mà cả công chúng rằng công lý không có ngoại lệ, dù người đó có tài năng hay nổi tiếng đến đâu.

Với khán giả, đây là lúc cần tỉnh táo hơn trong cách yêu mến và ủng hộ nghệ sĩ. Đừng thần tượng đến mức mù quáng. Tài năng đáng được ghi nhận, nhưng đạo đức mới là nền tảng của sự tôn trọng lâu dài.

Ngọc Thanh / VTC News