Việc đổi tên trạm thu phí thành thu giá thể hiện khá rõ những bất cập và lợi ích ngành, rất đáng phải lưu tâm.
LTS:- Sau những ồn ào về việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đổi tên gọi từ trạm thu phí thành trạm thu giá, TS Lê Hồng Sơn cho rằng, không nên thay đổi một phương án đã có từ lâu, được người dân chấp thuận một cách tự nhiên, không hề có phản ứng gì bằng một phương án vừa thiếu minh bạch hơn, không đạt chuẩn về mặt ngữ nghĩa theo khái niệm tiếng Việt, lại thể hiện khá rõ những bất cập và lợi ích ngành.
Để rộng đường dư luận, Báo Đất Việt xin đăng tải bài phân tích thể hiện quan điểm riêng của ông về vấn đề này.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ đổi tên thành Trạm thu giá BOT Cai Lậy?
Tôi chú ý đến các quan điểm mà các chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau bàn luận về việc Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư 35, đổi tên gọi "trạm thu phí" thành "trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ".
Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm mà các chuyên gia đã nêu như, ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ĐBQH Lê Thanh Vân, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.
Rất đáng chú ý, quan điểm của các chuyên gia này đều khẳng định những bất cập từ việc đổi từ trạm thu phí sang trạm thu giá.
Các ý kiến này đều cho rằng, thu giá là một khái niệm vô nghĩa, là một thứ khá tối nghĩa và ngô nghê; trạm thu giá là cách dùng ngôn ngữ dễ gây hiểu lầm, hiểu sai; không nên viện dẫn từ luật, từ nghị định để bảo vệ cho việc đổi tên từ trạm thu phí sang trạm thu giá. Bộ GTVT nên sửa sai...
Đặc biệt, các nhà ngôn ngữ học đều tập trung lý giải ngữ nghĩa của từ "phí" , "giá" từ các góc nhìn khác nhau về ngôn ngữ học cũng như xã hội học. Nói chung, điều tôi cảm nhận được từ các chuyên gia, các học giả là ở chỗ Bộ GTVT không nên tiếp tục lý giải, biện hộ cho việc đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá. Đó là những ý kiến khá xác đáng.
Mặt khác, tôi cũng rất chú ý đến ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể rằng: "BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên doanh nghiệp tự định giá, còn phí thì mang tính chất nhà nước. Phí sẽ do hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định. Giá thì do doanh nghiệp tự ấn định và điều chỉnh. Khi chuyển qua giá thì có thể giảm giá để cân đối phương án tài chính còn nếu là phí thì muốn thay đổi phải thông qua các Bộ nên rất chậm.
Hay khi chuyển qua cơ chế giá thì bản chất là nhà đầu tư vẫn hưởng quyền lợi như cũ nhưng việc điều chỉnh mức giá sẽ thực hiện linh hoạt hơn để đáp ứng điều kiện của từng trạm thu ở từng vị trí, từng khu vực. Có những vị trí có thể giảm rất sâu, vì những nơi đó điều kiện cho phép. Còn để HĐND quyết thì điều chỉnh từng mức rất khó khăn.
Giá do bộ GTVT quyết. Doanh nghiệp được quyền định giá nhưng nhà nước có thể điều tiết theo thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân.
Doanh nghiệp muốn tăng giá phải đăng ký với Bộ Giao thông vận tải. Bộ sẽ xem xét khi nào cảm thấy hài hòa hết các lợi ích, bảo đảm chi phí xã hội thấp nhất thì mới điều chỉnh, nếu không thì không được điều chỉnh".
Đây là ý kiến người đứng đầu cơ quan của Chính phủ quản lý về lĩnh vực GTVT. Tôi thấy trong các quan điểm này, khá nhiều nội dung cần phải được trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng thì mới có được chủ trương và định hướng đúng đắn.
Ví dụ như, doanh nghiệp tự định giá, cơ chế định mức phí khó khăn, phức tạp hơn cơ chế định mức giá, không bảo đảm sự linh hoạt trong việc điều chỉnh phí. Hoặc vấn đề, xác định Bộ GTVT là cơ quan có quyền định giá ở trạm thu giá...
Những vấn đề này ứng vào việc xác định phí ở các trạm thu phí BOT chưa hẳn là những vấn đề hoàn toàn hợp lý về nguyên tắc. Như, giá doanh nghiệp tự ấn định và điều chỉnh đối với một điểm đầu tư BOT trên đường giao thông là một vấn đề cần phải trao đổi, thảo luận kỹ.
Phí hay giá thì đều có thể tăng, giảm theo quy định nhưng không thể để doanh nghiệp tự quyết định. Tôi cho rằng, cơ chế xác định mức phí theo luật phí và lệ phí là phù hợp đối với mức phí tại các dự án BOT giao thông.
Việc xác định cho một bộ tự xem xét, quyết định mức giá thì rất dễ vấp phải hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích ngành mà chúng ta đã gặp phải khá nhiều từ trước tới nay.
Tôi muốn phân tích thêm vấn đề này từ vài góc nhìn khác, đó là góc nhìn xã hội và góc nhìn lợi ích của việc nên thay đổi tên gọi hay không của các trạm này?.
Ngô nghê, khó hiểu
Trước hết từ góc nhìn xã hội và sự chấp thuận của xã hội đối với một định chế đã được hình thành, tồn tại lâu nay, đó là định danh các trạm thu phí BOT trên đường giao thông ở Việt Nam.
Đây là một định chế đã được định hình từ nhiều năm nay đã được người dân và xã hội chấp thuận một cách khá tự nhiên, thuận lợi, không hề có một phản ứng nào về việc định danh trạm thu phí BOT hay là trạm thu gì khác.
Thậm chí, gọi là trạm thu giá thì trong đầu người dân chưa hề có một mảy may suy nghĩ đến. Nói như vậy để hiểu rằng, định danh trạm thu giá là khá xa lạ và khá bất ngờ đối với xã hội, đối với người dân.
Lâu nay, những vấn đề nóng liên quan tới các trạm thu phí BOT này, gốc rễ chính của nó là ở chỗ, việc xác định địa điểm đầu tư, từ đó xác định địa điểm đặt trạm thu phí BOT cũng như xác định mức phí ở một số trạm thu phí BOT có nhiều khuất tất, không rõ ràng minh bạch.
Thậm chí có biểu hiện nhập nhèm, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Đặc biệt là những người điều khiển phương tiện giao thông phải đóng phí khi qua các trạm đó. Điều người dân phản ứng là có lý, bởi vì, việc đặt trạm thu phí kiểu 2 trong 1 như tôi đã nhiều lần nói tới là một sự nhập nhèm không thể chấp nhận được.
Người dân và xã hội rất công minh, đòi hỏi một sự minh bạch, rõ ràng, bình đẳng trong việc xác định điểm đầu tư cũng như đặt trạm thu phí BOT trên đường giao thông.
Mọi biểu hiện nhập nhèm, thiếu công khai, lợi ích nhóm, thì người dân rất nhạy bén, phát hiện nhanh chóng và có phản ứng rất kịp thời.
Trước những biểu hiện, trước những phản ứng "nóng" của công luận, của người dân, lẽ ra Bộ GTVT là cơ quan chủ quản phải có những giải pháp thích hợp, xóa những điểm nóng bằng những giải pháp hợp lý, hợp tình, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân với doanh nghiệp và nhà nước.
Phải định rõ điểm đặt trạm thu phí BOT và mức thu phí BOT một cách minh bạch, công bằng, sòng phẳng thì người dân hoàn toàn đồng ý, không ai phản đối cả.
Người dân chỉ phản đối những hành vi khuất tất, không minh bạch, nhập nhèm mà thôi.
Tôi thấy một vài biểu hiện của cơ quan thẩm quyền trong lĩnh vực này cũng còn mang tính chất đối phó, ăn miếng, trả miếng đối với công luận, đối với người điều khiển phương tiện có hành vi phản ứng "nóng" tại các trạm BOT là điều rất không nên, không được phép đối với cơ quan công quyền.
Quay trở lại, việc đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá, nếu nhìn từ góc độ của người dân và công luận thì người dân và công luận đã chấp nhận một cách rất tự nhiên, rất thuận lợi tên gọi trạm thu phí, hoàn toàn không có gì băn khoăn về tên gọi này.
Về nguyên tắc, nhà nước đặt ra pháp luật phải là sự phản ánh từ nhu cầu của người dân và xã hội, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân và xã hội. Việc đổi tên từ trạm thu phí thành trạm thu giá ngay lập tức đã tạo ra một luồng phản ứng khá nóng, khá giữ dội, thậm chí một số chuyên gia có uy tín cho rằng đây là một sự ngô nghê, một sự đánh tráo khái niệm, không thể chấp nhận được.
Theo tôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải rất lưu ý đến tinh thần, thái độ, sự phản ứng này của dư luận và xã hội để đặt ra các chuẩn định cho phù hợp. Với tinh thần đó, cá nhân tôi cho rằng nên giữ nguyên tên gọi trạm thu phí, không nên thay đổi bằng một phương án mà xã hội cho rằng nó kém hơn, thiếu minh bạch hơn, không đạt chuẩn về mặt ngữ nghĩa theo khái niệm tiếng Việt.
"Thu phí" bỗng dưng thành "thu giá": Chỉ đánh tráo khái niệm |
Lợi ích ngành?
Tiếp theo, nhìn từ góc độ lợi ích, thì việc đổi tên thành trạm thu giá với những nội dung như Bộ GTVT đã phân tích đã thể hiện khá rõ những bất cập và lợi ích ngành ở đây. Đây là điều mà phải rất lưu tâm.
Việc định mức phí hay mức giá ở trạm BOT không thể để doanh nghiệp tự quyết định được mà phải có một cơ chế liên ngành, tính toán một cách công khai, minh bạch, chuẩn xác mức đầu tư của các nhà đầu tư BOT, để từ đó định ra mức thu phí.
Việc định mức thu này không chỉ căn cứ vào suất đầu tư BOT mà còn phải tính toán đến cả điều kiện kinh tế, xã hội, đến sức dân và xác định rõ lộ trình thu một cách hợp lý, ngắn hay dài, nhanh hay chậm thì mới bảo đảm một cách hài hòa quyền và lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp đầu tư BOT.
Nếu không khéo và không có một cơ chế dân chủ, công khai, minh bạch trong việc định mức phí BOT thì việc định mức phí được thu ở các trạm BOT sẽ là "chùm khế ngọt" mà lâu nay dư luận cũng đã nói đến khá nhiều.
TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp
Ôtô lao vào trạm thu rồi lật ngửa, tài xế bất tỉnh
Chiếc xe di chuyển với tốc độ cao, lao vào barie của trạm IC9 (cao tốc Nội Bài - Lào Cai) rồi lật ngược. Tài ... |
Ai là tác giả tên gọi "trạm thu giá"?
Tổng cục Đường bộ có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đổi từ "trạm thu phí" sang "trạm thu giá" trước khi tranh cãi ... |
Chuyển trạm dưới đất quan trọng hơn trên giấy, thưa bộ trưởng
Những tranh luận về thuật ngữ “thu phí” và “thu giá” hai tuần qua đúng sai đã quá đủ rồi, không cần nói gì thêm. |
Thu giá
Tôi vẫn nhớ như in những cuộc tranh luận dai dẳng trong tổ chuyên gia hỗ trợ Ban soạn thảo dự án luật Hành chính ... |
Tiến sĩ ngôn ngữ Hồ Xuân Mai: “Tôi tra 5 cuốn từ điển tiếng Việt, không thấy 2 từ “thu giá”
Xung quanh việc Bộ Giao thông - Vận tải thay đổi “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” tại các dự án BOT giao thông, ... |