Tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư BOT: Những câu hỏi khó

Bộ GTVT đề nghị tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư BOT lên 14% nhưng các chuyên gia kinh tế chưa thật sự đồng tình với lập luận này.

Nâng mức lợi nhuận của nhà đầu tư BOT lên 14%

Trong cuộc trao đổi trên báo Giao thông mới đây, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra đề nghị tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư BOT.

Theo ông Huy, lợi nhuận của các nhà đầu tư trong các hợp đồng BOT giai đoạn 2011-2015 được xây dựng căn cứ theo quy định của Thông tư 166/2011 do Bộ Tài chính ban hành ngày 17/11/2011.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải đưa ra đề nghị tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư BOT lên 14%

Theo đó, trong các hợp đồng BOT, lợi nhuận của các nhà đầu tư được khống chế ở mức 11%-12%/năm đối với phần vốn chủ sở hữu và không được tính lãi trong thời gian xây dựng.

Ông Huy nhận định, lợi nhuận của các nhà đầu tư BOT giao thông trong nước như vậy là thấp so với các lĩnh vực khác. Qua tham vấn các nhà đầu tư nước ngoài, họ đều yêu cầu lợi nhuận kỳ vọng phải đạt 15%-17%/năm.

“Để thu hút được các nhà đầu tư trong nước tiếp tục tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhất là các dự án cao tốc Bắc - Nam, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ cho phép nâng mức lợi nhuận của nhà đầu tư lên 14%”, ông Huy khẳng định với Báo Giao thông.

Chủ đầu tư BOT tay không bắt giặc?

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề đầu tư BOT nhận được sự quan tâm của dư luận cũng như các chuyên gia.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) từng phản đối mạnh mẽ cách các nhà đầu tư tiến hành tham gia các công trình BOT giao thông vừa qua.

Theo ông Long, khảo sát thực tế cho thấy, vốn tự có của nhà đầu tư BOT chỉ chiếm một phần rất nhỏ - mang tính tượng trưng là chính.

Thậm chí có dự án nhà đầu tư tham gia theo kiểu “tay không bắt giặc” khi số vốn tự có chiếm 10% đến 15% trên tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Việc nhà đầu tư phải đi vay vốn để làm dự án đã khiến suất đầu tư cho một km đường tăng cao, kèm theo đó là thời gian thu phí kéo dài.

Báo cáo của Chính phủ trước đó cũng thừa nhận, phần lớn nguồn đầu tư thực hiện dự án BOT là từ ngân hàng, nhà đầu tư chỉ góp 10 - 15%.

4 ngân hàng cho vay BOT lớn nhất được xác định là BIDV, Vietcombank, VietinBank và SHB, chiếm 91% dư nợ, trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao.

Trước đó, trong kết luận mới được công bố, Thanh tra chính phủ cũng chỉ 1 loạt những khuyết điểm, vi phạm liên quan đến các dự án BOT của Bộ GTVT.

Theo đó, hầu hết dự án BT và BOT đều thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn, đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh. Việc này gây khó khăn cho người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác, điển hình là tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình.

Thậm chí Thanh tra Chính phủ còn chỉ rõ, Bộ GTVT khi phê duyệt các dự án đã ghép việc cải tạo với đầu tư xây dựng đường mới thành một dự án rồi đặt hai trạm thu phí tại hai nơi không hợp lý.

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tang-loi-nhuan-cho-nha-dau-tu-bot-nhung-cau-hoi-kho-3343303/)

Vì sao BOT biến chất ?

Những bất hợp lý, sai phạm của các dự án BOT đã được dư luận và cả cơ quan chức năng nêu rõ. Nhưng bản ...

Lái xe trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí: Vì đâu nên nỗi?

Từ đâu năm đến nay, liên tiếp xảy ra tình trạng nhiều lái xe thanh toán bằng tiền lẻ khi qua các trạm thu phí ...

Phó tổng BOT 25 tuổi: Tiết lộ bất ngờ

Trong một dịp tình cờ, Nguyệt nhận lời về làm việc tại BOT Cần Thơ–Phụng Hiệp. Hơn 2 năm sau thì được bổ nhiệm làm ...

/ Theo Hà Hoàng/Báo Đất việt