Thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đã biến đổi hoàn toàn và có những bước phát triển thần kỳ sau 10 năm thực hiện quy định cấm xe máy.
Từ thành phố được mệnh danh là "vương quốc" xe máy, hiện Quảng Châu đã gần như không còn xuất hiện loại phương tiện này, không còn nạn kẹt xe, đường phố thông thoáng, hiện đại và sạch sẽ hơn.
Kế hoạch dài hơi và áp dụng phương thức mềm dẻo
Từ tháng 1/2007, thành phố Quảng Châu trở thành địa phương đầu tiên của Trung Quốc áp dụng chính sách cấm lưu thông xe máy. Quảng Châu là thành phố lớn thứ ba Trung Quốc, cũng là đô thị lớn nhất Hoa Nam Trung Quốc, là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông.
Quảng Châu là một trong những thành phố phát triển nhất Trung Quốc. Năm 2006, thu nhập bình quân đầu người vượt 10.000 USD, cao gấp 5 lần mức tương ứng của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc về kinh tế đó cũng khiến Quảng Châu trở thành thành phố đắt đỏ nhất và thành phố của ô nhiễm.
Tại Quảng Châu, xe máy bắt đầu phát triển từ đầu những năm 1980. Tính đến năm 2003, số lượng xe máy tại Quảng Châu đã lên đến hơn 790.000 xe, chiếm 20% lưu lượng giao thông trên đường phố, chỉ sau xe bus và trở thành phương tiện kinh doanh của đa phần người dân nhập cư.
Năm 1997, lượng xe máy ở Quảng Châu đạt con số kỷ lục 401.655 chiếc.
Việc xe máy phát triển quá ồ ạt không chỉ làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí và tiếng ồn của thành phố, mà còn là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông. Thêm vào đó, việc tổ chức và điều phối giao thông cũng như hoạt động của loại hình phương tiện này cũng khiến chính quyền thành phố gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do ý thức của các chủ phương tiện.
Chính vì những nguyên nhân trên, chính quyền thành phố Quảng Châu quyết định ban hành lệnh cấm đối với xe máy. Với quyết định này, thành phố hy vọng giảm 24.000 tấn khí thải CO2 và 30 tấn bụi độc hại mỗi năm do xe máy thải ra, cũng như giảm tình trạng giao thông lộn xộn và số vụ tai nạn giao thông.
Trên thực tế, chính quyền thành phố Quảng Châu không áp dụng hình thức cấm mạnh tay và triệt để như Yangon, Myanmar mà thực hiện theo 3 bước, từ giới hạn đăng ký xe đến giới hạn tuyến đường, giờ chạy và cuối cùng là cấm hoàn toàn vào năm 2007.
Chính quyền thành phố Quảng Châu đã áp dụng một biện pháp mềm mỏng thay cho việc thực hiện lệnh cấm ngay lập tức. Thành phố Quảng Châu đã áp dụng chính sách siết chặt quản lý từ từ và đi tới cấm hoàn toàn xe máy. Kể từ năm 1995, chính quyền nơi đây đã từ chối cấp giấy phép lái xe mới cho bất kỳ xe máy nào.
Chính quyền thành phố Quảng Châu thực hiện cấm xe theo lộ trình thời gian và khu vực. Giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 10/1991, chính quyền cấm tất cả xe máy không đăng ký tại thành phố lưu hành trong nội ô từ 7h sáng đến 7h tối.
Các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm đáp ứng được nhu cầu của 15 triệu dân thành phố.
Đến giai đoạn 2, từ năm 1999, xe máy không đăng ký tại Quảng Châu bị cấm lưu hành hoàn toàn tại thành phố. Đến giai đoạn 3, bắt đầu từ năm 2001, chính quyền Quảng Châu tuyên truyền cho người dân về việc cấm tất cả xe máy trên toàn phạm vi thành phố, các xe máy cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải sẽ bị tiêu hủy.
Đến tháng 3/2004, Quảng Châu đã thực hiện cấm xe máy theo lộ trình cụ thể nhằm giới hạn dần dần việc sử dụng loại hình phương tiện này. Từ đầu năm 2006, thành phố Quảng Châu cấm xe máy 24 giờ/ngày trong suốt 7 ngày trong tuần trên một số tuyến phố chính và đến đầu năm 2007 địa phương này cấm hoàn toàn xe máy trong nội thành.
Giải pháp đồng bộ hướng đến giao thông “xanh”
Thực tế quá trình thực hiện lệnh cấm của Quảng Châu cho thấy việc áp dụng một cách có hệ thống và theo từng bước nhất định là cần thiết để đạt hiệu quả cao. Chính quyền thành phố đã không lựa chọn việc thực hiện dứt điểm và đột ngột, mà kéo dài trong suốt 16 năm từ 1991 đến 2007. Quá trình áp dụng được chia ra làm 3 giai đoạn chính giãn cách nhau, tạo điều kiện cho người dân quen dần với tình hình mới.
Để thực hiện lệnh cấm trên, cảnh sát giao thông Quảng Châu đã đưa ra một số biện pháp quản lý sau khi thực hiện lệnh cấm. Theo đó, lực lượng cảnh sát giao thông thiết lập các trạm kiểm tra, tăng cường quản lý xe vi phạm. Họ cũng tiến hành giáo dục cải chính, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Trong 15 ngày đầu sau khi thực hiện lệnh cấm, sẽ lấy tuyên truyền giáo dục là chính.
Chính sách hỗ trợ đi kèm cũng là một yếu tố quan trọng để thực hiện lộ trình trên. Đối với những người dân phải giao nộp xe máy, chính quyền hỗ trợ mức giá trung bình là 180USD (giá trị tại thời điểm giao nộp) mỗi xe. Số tiền thay đổi tùy theo năm sử dụng, nếu quá 13 năm lưu hành thì chủ xe sẽ không được nhận tiền bồi thường.
Ngoài ra, một số hội chợ việc làm đặc biệt cũng được mở ra nhằm giúp đỡ tìm việc làm cho những người từng chạy xe ôm trước đây, hay những người làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến xe máy. Các thể chế áp buộc đặc biệt cũng được thực thi với mục đích thực hiện chính sách đưa ra một cách triệt để và hiệu quả nhất.
Để giải quyết việc đi lại của người dân, chính quyền địa phương đã thực hiện giải pháp tăng cường mạng lưới giao thông công cộng. Theo số liệu của ngành giao thông Quảng Châu, kể từ khi hạn chế xe máy tháng 5 năm 2004 đến cuối năm 2006, trước thời điểm thực hiện lệnh cấm, Quảng Châu đã tăng thêm tổng cộng 37 tuyến đường xe buýt, trong đó có 22 tuyến ban đêm, tăng 300 xe buýt.
Để giải quyết việc đi lại của người dân, chính quyền thành phố Quảng Châu đã thực hiện giải pháp tăng cường mạng lưới giao thông công cộng.
Tính đến thời điểm áp dụng lệnh cấm xe máy, cả thành phố Quảng Châu có tất cả 357 tuyến xe buýt chạy ban ngày và 40 tuyến chạy ban đêm, với 8.356 xe, tính trung bình cứ 10.000 người có 15,9 xe buýt tiêu chuẩn, hơn cả Bắc Kinh (15,2) và Thượng Hải (15,3), có thể đáp ứng tương đối tốt nhu cầu giao thông công cộng tăng mới sau khi thực hiện lệnh cấm xe máy.
Ngoài những xe buýt lớn trên các tuyến phố chính, nhiều xe buýt nhỏ được ưu tiên để bổ sung đến những con phố chật hẹp. Hơn 50 tuyến đường nhỏ và ngắn được bổ sung các xe buýt phù hợp.
Quảng Châu cũng tập trung phát triển giao thông đường sắt như tàu điện ngầm và đến cuối năm 2006 đã khai thông được tuyến tàu điện ngầm số 1,2 và một số đoạn tuyến số 3, 4, 8 với tổng chiều dài là 59 km. Đến năm 2010, với 9 tuyến tàu điện ngầm, có chiều dài khoảng 250 km, lượng vận chuyển hành khách hàng năm của Quảng Châu đạt khoảng 1,2-1,4 tỷ lượt người.
Giao thông Quảng Châu vào giờ cao điểm chiều. (Ảnh: Xinhua)
Nhìn chung, hệ thống giao thông công cộng của Quảng Châu phát triển khá đồng bộ và khoa học. Các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm đáp ứng được nhu cầu của 15 triệu dân thành phố.
Chỉ trong 16 năm thực hiện, từ một thành phố với vài triệu dân, Quảng Châu đã mở rộng thành 7.400km2 và có hơn 15 triệu dân sinh sống, hoạt động kinh doanh nhộn nhịp, sầm uất và thu hút đông đảo du khách thế giới. Thành phố này luôn tấp nập bởi dòng xe cộ qua lại, tuy nhiên khu vực nội thành không thấy bóng dáng xe 2 bánh.
Lệnh cấm xe máy của thành phố Quảng Châu đã có hiệu lực được hơn 10 năm. Quyết định đúng đắn này đãi giúp cải thiện hình ảnh của thành phố và đời sống của nhân dân tại địa phương. Trung tâm Quảng Châu hiện có hệ thống đường tầng hiện đại nhất nhì thế giới với 5 tầng xe, đường chỉ một chiều với tối thiểu 3 làn, có đường riêng cho các loại xe buýt và tàu điện ngầm.
Hà Nội học Bắc Kinh cấm xe máy: Chờ 15 năm nữa!
Hà Nội khác Bắc Kinh và khác tất cả các nước khác vì thế không thể bê cách làm của Bắc Kinh áp dụng vào ... |
Thí điểm cấm xe máy, Hà Nội hứa đảm bảo đi lại
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, khi thực hiện cấm xe máy thì vẫn đảm bảo đi lại, sinh hoạt bình thường của ... |
Toàn cảnh 2 tuyến đường Hà Nội dự định thí điểm cấm xe máy
Đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương đều có mật độ giao thông cao, với rất nhiều phương tiện cá nhân. Trong khi đó, buýt ... |
Lộ trình cấm xe máy ở các nước có gì đặc biệt?
Ở nhiều nước, lộ trình hạn chế xe cá nhân được bắt đầu từ những năm 90 thế kỷ trước. Chính quyền các nước đánh ... |