Ngay từ khóa Quốc hội đầu tiên, ông Dương Trung Quốc đã được "xếp" vào bộ "nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc" bởi những phát biểu đầy sức nặng. Nhưng cũng có ý kiến nói rằng ông thuộc nhóm "tứ đại ngu". Ông Quốc nhìn nhận chuyện này thế nào?...
Là đại biểu thẳng thắn nhưng cũng từng bị các đại biểu Quốc hội khác chỉ trích, thậm chí bị gọi là “tứ đại ngu”. Nhớ về sự việc đó, ông thấy thế nào?
- Chuyện đó xảy ra vào dịp Tết và chỉ khiến tôi ăn Tết mất ngon mà thôi. Xã hội rất vô cùng, quan điểm mỗi người mỗi khác nhất là một người vẫn đương nhiệm như tôi cần tôn trọng điều đó. Tôi nhớ sự việc chỉ xảy ra lúc đó thôi còn trong Quốc hội, tôi vẫn giữ quan hệ bình thường với những đại biểu khác. Tôi nghĩ điều đó thử thách bản lĩnh của mình cần tôn trọng người khác.
Cũng như phát biểu ý kiến, cách nói của tôi luôn để người khác nghe nên hết sức lịch sự và tôn trọng. Bởi vậy, ngôn ngữ của Quốc hội cũng đỏi hỏi phải có chọn lọc, không cần bay bướm phải có sức thuyết phục, khiến người khác muốn chia sẻ với mình, đó đã là một thành công. Quốc hội vốn là nơi thuyết phục lẫn nhau để cùng đi đến quyết định. Có những vấn đề tôi không hiểu nhiều nhưng lắng nghe những người am hiểu và có năng lực truyền đạt, mình bị thuyết phục và bấm nút. Vì thế, ngôn từ và cách nói trong Quốc hội hết sức quan trọng.
Một đại biểu Quốc hội luôn phải có trọng trách với cử tri và nhân dân để nói lên những điều bức xúc của nhân dân, đồng thời chỉ ra những lỗ hổng trong cơ chế chính sách. Những phát biểu của ông trên nghị trường luôn phải thẳng thắn và sắc bén, ông có thấy áp lực?
- Tại nước ngoài, đại biểu Quốc hội còn được gọi là chính khách. Rất tiếc Việt Nam chưa có ý thức về yếu tố chính khách. Chính khách là người có năng lực thể hiện được quan điểm của mình trước một cộng đồng. Tôi gặp các bạn sinh viên nước ta và thấy rất buồn vì hầu hết các bạn đều thụ động, ít phát biểu, ít tranh luận. Điều đó là do cách giáo dục của xã hội nước ta. Bầu đại biểu Quốc hội chúng ta xem lý lịch chỉ thấy được phẩm chất, quá trình công tác, và bằng cấp chứ không thấy được những năng lực cần có. Nhiều người rất giỏi, tốt nhưng không diễn đạt được ý mình.
Vì vậy, cho dù Quốc hội có tập hợp những người ưu tú vẫn chưa chắc đáp ứng được những yêu cầu Quốc hội đưa ra. Từng thành viên trong Quốc hội đều rất quan trọng. Tôi mong muốn ngày càng nhiều chính khách trong Quốc hội. Thực ra Quốc hội nước ta ngay từ cơ cấu, cách tuyển chọn chưa bao giờ quan tâm đến những yếu tố cụ thể mà vẫn chung chung nên dễ dàng lộ ra những yếu kém. Người dân có thể dễ dàng nhận ra những điều này vì họ kỳ vọng nhưng Quốc hội không đáp ứng được.
Từ những ngày đầu tham gia Quốc hội, người dân đã nhắc đến ông bằng câu nói "nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc". Ông cảm thấy sao khi được cử tri cả nước gọi như vậy?
- Bản thân mình có điều gì đó khiến người dân chú ý là điều đáng mừng nhất là mang nghĩa tích cực. Cá tính là thứ rất quan trọng, sẽ rất đáng ngại nếu mình không có cái riêng. Tôi nhớ có một vị tướng người dân tộc thiểu số có phát biểu rất hay về củng cố biên giới. Có những cô gái Tây Nguyên rất trẻ nhưng nói rất thuyết phục.
Tôi cho rằng điều quan trọng là tạo ra cơ chế phát huy được thế mạnh của mọi người vì mỗi đại biểu có hai tư cách, một là Đảng viên, hai là đại biểu của dân. Lý thuyết nói “ý Đảng lòng dân” nhưng không phải lúc nào cũng thế. Tôi thấy mình có một lợi thế hơn số đông vì không phải là Đảng viên nên có thể nói thật những điều suy nghĩ mà không bị ai hạn chế, nhắc nhở, quan trọng là thuyết phục được mọi người hay không. Nếu ai ai cũng theo chủ trương, theo đường lối, theo nghị quyết chung có thể sẽ làm mất đi năng lực của từng người.
Nhiều người dân cho rằng trong hai cuộc họp Quốc hội gần đây, ít xuất hiện những đại biểu dám thẳng thắn nói lên những vấn đề nòng cốt, đáng quan ngại. Ông có nghĩ như vậy?
- Tôi không muốn bình luận về những đại biểu khác nhưng rõ ràng chúng ta có thể thấy những vấn đề liên quan đến các thành viên liên quan đến Quốc hội. Có thể sự giám sát của dân ngày càng chặt chẽ hơn và Quốc hội ngày một dân chủ hơn nhưng ngay từ khâu tuyển chọn đại biểu cũng có vấn đề.
Chủ trương của Quốc hội mong muốn có nhiều thành phần ngoài Đảng, nhưng khi vận hành bộ máy, số lượng ngày càng ít đi. Tôi không đề cao đại biểu Quốc hội ngoài Đảng những rõ ràng những đại biểu đó phản ánh sự dân chủ. Đảng viên chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trên tổng dân số nhưng con số các đại biểu Đảng viên và ngoài Đảng lại không cân xứng. Cá nhân tôi thấy nhiều ứng cử viên rất xứng đáng nhưng lại bị loại, tôi nghĩ cần phải đặt câu hỏi tại sao trong vấn đề này. Điều này đang thể hiện rất rõ việc thiếu dân chủ trong Quốc hội.
Gần đây ông cảm thấy có lỗi với cử tri ở việc gì?
- Đây là một câu chuyện rất đau lòng mà tôi đã đưa lên Quốc hội. Thậm chí đại biểu Quốc hội Hà Nội đã đứng lên nói rằng sẽ xử vụ việc này. Các cháu khi còn trẻ đã có có xung đột với hàng xóm, nhưng 14 năm sau mới mang ra tòa. Vụ việc vẫn không có thêm diễn biến mới và hai anh em trong một gia đình lĩnh án 5 năm tù. Thời còn trẻ cháu bồng bột không xử, bây giờ cháu có vợ con, có gia đình rồi lại bắt đi tù. Tôi rất bức xúc vì những chuyện như vậy vẫn xảy ra hằng ngày mà không biết làm sao để giải quyết được.
Có khi nào ông cảm thấy bất lực khi không giải quyết được những nỗi oan ức cho cử tri?
- Nhiều lần tôi thấy bất lực. Có một điều hay là mỗi khi tôi đặt câu hỏi với cơ quan công quyền, họ đều trả lời tôi một cách nghiêm túc. Đó là điều tôi tôn trọng nhưng để giải quyết vấn đề lại khó vì luật pháp nước ta và những vấn đề đã tồn đọng quá lâu. Ví dụ như ai cũng thấy chủ trương của Nhà nước là đúng, xét xử sai phải chịu trách nhiệm, không những giải oan cho người vô tội mà còn phải tự chịu trách nhiệm. Nhưng chính vì thế không bao giờ có ai nhận sai. Ngày xưa nếu sai chỉ cần nhận sai và sửa sai vẫn có người nhận. Nhưng bây giờ sai phải sửa sai, phải chịu trách nhiệm và đền bù cho cái sai ấy khiến không còn ai dám nhận mình sai. Vì vậy đường lối đúng nhưng vẫn không vận dụng được và gây ra nhiều oan ức.
Với khối lượng công việc lớn ông sắp xếp thời gian như thế nào để nghiên cứu sử học và văn hóa?
- Về đúng lý, đại biểu không chuyên trách như tôi sử dụng một phần ba thời gian làm việc cho công việc này. Nhưng không ai tính được một phần ba là bao nhiêu. Công việc rất nhiều, đơn chất thành núi và không có thư kí hay người hỗ trợ, thậm chí địa điểm làm việc cũng do tôi tự thuê. Tôi là đại biểu Quốc hội Đồng Nai, trụ sở tại Đồng Nai nhưng ở đây tôi biết làm việc ở đâu. Bởi vậy một tay tôi làm mọi việc, thỉnh thoảng có sự giúp đỡ của bạn bè, các cơ quan nhưng vẫn ảnh hưởng nhiều đến thời gian riêng.
Điều tôi trăn trở và xấu hổ nhất chính là với những cử tri, nhất là những cử tri chịu nhiều thiệt thòi, làm đơn khiếu kiện, tất nhiên kiện cáo cũng có cái đúng cái sai nhưng nhìn chung người dân rất khổ nhưng mình không thể giúp họ được nhiều. Đơn chuyển đến lại chuyển đi, qua tay nhiều người nên tỷ lệ đạt hiệu quả cực kỳ thấp. Người dân càng tín nhiệm mình bao nhiêu, mình càng cảm thấy áp lực bấy nhiêu. Mình không giúp được người dân, họ sẽ cảm thấy thất vọng. Tôi hiểu những chuyện người dân khiếu nại đều không hề đơn giản. Ví dụ có những chuyện từ quá lâu, người làm sai đã về hưu hoặc không còn sống, lãnh đạo mới lên thay rất khó để giải quyết. Như vậy người dân lại nghĩ Nhà nước không chăm lo cho dân.
Ông đã sắp xếp thời gian như thế nào cho sinh hoạt cá nhân của mình?
- Không chỉ là đại biểu Quốc hội, tôi còn là Phó chủ tịch hội sử học và là tổng biên tập một tờ báo nhỏ. Hiện nay tôi cũng đang chủ trì một đề tài cấp nhà nước cùng các anh em. Rất nhiều việc nhưng quan trọng tôi vẫn giữ được niềm hăng say, có sức khỏe và nhất là có gia đình, vợ luôn chia sẻ cùng mình. Tôi nhớ khi tôi vào Quốc hội, vợ tôi có nói “Em đã gửi anh vào nhà trẻ vĩ đại rồi”. Bà xã rất thông cảm cho chồng, tôi ít khi ăn cơm nhà, đi công tác, công việc nhiều.
|
Ông có cảm thấy có lỗi với gia đình khi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế này?
- Vợ và các con tôi vẫn luôn tin tưởng và yên tâm về tôi nên tôi nghĩ quan trọng là tôi vẫn luôn có sức khỏe, có sự nhiệt tình để cống hiến cho người dân vẫn giao lưu với thế hệ trẻ được.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phạm Huyền - Sơn Hà - Xuân Quý - Huy Phúc - Đức Yên
Đại biểu Dương Trung Quốc: Đường sắt đang bị bỏ rơi
"Phải chăng đầu tư làm đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn đường sắt nên ngành này không được quan tâm?”, đại biểu Dương ... |
Ông Dương Trung Quốc: Phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ nhóm lợi ích?
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ ... |