Nếu nói một cái chợ lớn và nổi tiếng nhất Hà Nội thì có lẽ không chợ nào vượt được Đồng Xuân. Ngày thơ bé tôi đã được theo mẹ vào chợ Đồng Xuân, cứ ấn tượng và trầm trồ thán phục mãi vì cái chợ sao mà to và nhiều hàng hóa đến thế.
Nhìn mênh mang tứ phía đâu cũng là quần áo, vải vóc đủ màu sắc và biết bao nhiêu xoong nồi, bát đĩa, giày dép... Cái ấn tượng về sự trù phú của cái chợ nổi tiếng ấy còn theo tôi mãi mỗi khi bước chân vào bất kỳ chợ nào khác... Thời bây giờ, chợ truyền thống không còn giữ vai trò quá quan trọng trong nền thương mại nữa. Nhưng dù các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, các trang bán hàng trên mạng cạnh tranh khốc liệt với chợ truyền thống và mang lại nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng thì những khu chợ truyền thống vẫn đủ sức tồn tại. Đồng Xuân cũng thế, cái chợ nổi tiếng bậc nhất Thủ đô còn lưu giữ được những nét đặc sắc của riêng mình.
Chợ Đồng Xuân luôn đông đúc, nhộn nhịp. |
Ngược về lịch sử, chợ Đồng Xuân có từ thời Nguyễn và chính thức được hình thành dưới thời tổng trấn Nguyễn Văn Thành khi ông cho sửa sang lại thành Thăng Long vào năm 1804. Đến năm 1890 người Pháp xây chợ với 5 vòm cửa và 5 nhà cầu dài. Kiến trúc chợ hiện nay vẫn giữ lại được những đặc trưng xưa: 5 vòm mái ở mặt chính nay còn 3; và những khung cảnh, khu phố bao quanh chợ dù có lúc nhạt nhòa nhưng những nét cơ bản của một trung tâm mua bán nhộn nhịp bậc nhất giữa khu phố cổ vẫn còn rõ. Chợ Đồng Xuân, phía Bắc tiếp giáp với phố Hàng Khoai, nơi có một ngôi miếu thờ đạo giáo nổi tiếng của đất kinh kỳ năm xưa. Ngôi miếu có từ thời Lý, là một trong Thăng Long tứ quán của đạo Lão. Ở phố Hàng Khoai là Huyền Thiên quán và ba quán nữa là: Đế Thích quán, nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên; Chân Vũ quán, tức đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh; Đồng Thiên quán, nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành. Quán Huyền Thiên giờ quen gọi là chùa vì khi đạo Lão suy tàn, nhân dân đưa tượng Phật vào thờ chung, từ đó gọi là chùa quán Huyền Thiên hay đền Huyền Thiên. Tượng chính được thờ trong quán là tượng Huyền Thiên, một sự rất gần gũi với pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ nổi tiếng ở đền Quán Thánh. Mặt sau của chợ Đồng Xuân là phố Nguyễn Thiện Thuật, người anh hùng, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Nguyễn Thiện Thuật là hậu duệ của Nguyễn Trãi, từng nhiều lần kháng lệnh triều đình Huế để quyết đánh Pháp đến cùng. Phố Nguyễn Thiện Thuật bán nhiều hàng khô, các loại thủy sản đã chế biến và các món ăn sẵn như giò chả, thịt quay, dưa muối... Nhìn những hàng giò chả có những cái chả quế to bằng bàn tay, vàng ruộm xếp thành từng chồng trông thật thích mắt và kích thích cái vị giác của người mua hàng. Phía Đông của chợ Đồng Xuân là phố Cầu Đông và phố này cũng có một cái chợ nhỏ: Chợ Cầu Đông. Thú thực khi phát hiện ra chợ Cầu Đông nằm sát chợ Đồng Xuân tôi đã không khỏi ngỡ ngàng, dù chợ Cầu Đông ngày xưa không nằm chính xác như vị trí bây giờ nhưng thử hỏi ai qua thời thơ bé mà không được mẹ ru những câu ca dao thế này: Bà già đi chợ Cầu Đông Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng Thầy bói gieo quẻ nói rằng Lợi thì có lợi nhưng răng không còn… Hoặc: Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương… Một cái chợ chiếm một địa vị quan trọng trong một bài ca dao nổi tiếng lại nằm ngày sát chợ Đồng Xuân, và tự mình, Cầu Đông cũng là một cái chợ có nhiều mặt hàng nhưng về quy mô thì tất nhiên nhỏ hơn Đồng Xuân. Cầu Đông ngày nay có thể không nổi tiếng bằng Đồng Xuân nhưng cũng nức tiếng xa gần vì có một “con ngõ ẩm thực”, nối từ phố Cầu Đông với Hàng Chiếu: Ngõ Đồng Xuân, nó được lưu truyền trong giới sành ăn bằng những món ngon đặc sắc của mình. Ngõ chợ Đồng Xuân, vừa có vẻ hơi tối tăm vì những dãy nhà hai bên che khuất ánh sáng, lại vì những hàng quán chăng bạt để che nắng mưa nhưng mặc thế; chật chội, hơi tối và không có chỗ để xe, nó vẫn được nhiều người biết đến vì những món ăn đặc trưng cho ẩm thực Hà thành. Những món ngon nhất ở cái ngõ chợ này, đầu tiên có thể kể đến món chả kẹp que tre nướng vỉ than. Giờ đây, đâu đâu người ta cũng nướng chả bằng vỉ thép, inox, chỉ còn vài chỗ nướng chả theo kiểu truyền thống, miếng chả ở đây được nướng bằng kẹp tre, được bọc lá lốt bên ngoài ăn cùng với giấm me, giấm sấu nên mùi vị vừa thơm ngon, vừa lạ miệng hơn hẳn những nơi khác. Một món nổi tiếng nữa của ngõ chợ là món bún ốc. Ốc nhồi thì béo, giòn, bún thì trắng, nước dùng thì chua chua vị giấm bỗng, lại cộng thêm một ít rau thơm nữa nên thực khách ai nấy đều muốn hít hà, ăn xong một lần còn muốn quay lại nữa. Nhưng không chỉ có bún chả nướng kẹp tre, bún ốc, cái ngõ chợ chật hẹp này còn nổi tiếng bởi những món ăn như bánh tôm, bánh rán mặn, chè xuka, nộm bò khô, phở tíu trộn, cháo sườn sụn… Chợ Đồng Xuân cũng là một trong những địa điểm quan trọng trong lịch sử kháng chiến của Hà Nội. Trong trận chiến bảo vệ Hà Nội năm 1947 đã có một trận đánh ác liệt giữa Vệ quốc quân và lính viễn chinh Pháp ở đây. Quân dân Hà Nội đã anh dũng chiến đấu với quân Pháp để bảo vệ từng góc phố, ngôi nhà và có nhiều người đã ngã xuống. Ở góc Tây Bắc của chợ đã được dựng một đài Cảm Tử, tưởng niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến và những chiến sĩ đã hi sinh để bảo vệ Thủ đô. Đi chơi chợ, ngoài cái việc thăm thú các thắng cảnh, ăn những món đặc trưng của phố cổ Hà Nội thì mục đích quan trọng nhất là mua hàng hóa, nhất là nếu chọn mua được những món đồ đẹp, hợp túi tiền. Chợ Đồng Xuân theo thời gian, từ cái chợ bán mọi mặt hàng giờ chủ yếu là một cái chợ bán buôn cho Hà Nội và cả miền Bắc. Hàng hóa trong chợ nhiều và rẻ hơn các nơi khác nhưng chỉ khách mua buôn mới được ưu ái. Hàng hóa phong phú, chất lượng đa dạng, giá cả phải chăng nhưng nếu ai muốn mua lẻ thì nên rủ vài người cùng mua để vừa tiết kiệm vừa được chào đón hơn. Tầng một của chợ bán nhiều mặt hàng tổng hợp như phụ kiện điện thoại, giày dép, đồ điện tử…; tầng hai bán quần áo may sẵn, vải vóc…; tầng ba chủ yếu bán đồ sơ sinh và phía sau chợ có các quầy hàng khô, bán chim, thú cảnh… Cùng với cuộc sống hiện đại, Đồng Xuân cũng chuyển mình để bắt kịp với nhu cầu của xã hội. Ngoài chợ truyền thống họp vào ban ngày, còn có chợ Đồng Xuân ban đêm phục vụ khách du lịch dịp cuối tuần; và ngay cả những ngày thường thì khu vực cổng chợ cũng có nhiều gian hàng mở cửa vào buổi tối phục vụ khách du lịch. Chất lượng của những mặt hàng bán ở chợ đêm ở mức vừa phải nhưng bù lại mẫu mã luôn đa dạng và giá cả phải chăng. Nhưng đi chợ, nhất là ở một cái chợ nổi tiếng và kỹ tính như Đồng Xuân cũng nên để ý. Khách hàng không nên mặc cả nếu người bán hàng không muốn mặc cả hoặc đã treo biển miễn mặc cả, cũng đừng hỏi mua một món đồ nhỏ nếu quầy hàng có đông khách đang mua buôn. Buôn bán trong chợ, từ lâu đời đã tồn tại những quy tắc riêng của nó hoặc từ một sự kỹ càng nào đó mà cũng nên tôn trọng. Một cái chợ nổi tiếng của đất kinh kỳ luôn có những đặc trưng riêng của mình. Biết, hiểu, lắng nghe để hòa mình vào cuộc sống một cách hài hòa, dễ chịu, đi chơi, mua sắm ở chợ cũng thế.
Quận Tây Hồ xây dựng không gian thưởng thức trà sen
Xây dựng không gian thưởng thức trà sen Tây Hồ, tìm hiểu về trà sen, phương thức ướp trà sen và thưởng ngoạn cảnh quan ... |
Có một ngõ Bích Họa giản dị ở Hà Nội
Những bức vẽ tái hiện lại cảnh gia đình ấm cúng, tình làng nghĩa xóm, cảnh người dân nô nức lao động, trẻ em vui ... |
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/871960/nhon-nhip-cho-dong-xuan