"Tôi không cần chúng" là quan điểm của nhiều thanh thiếu niên lớn lên trong thời đại Internet bị kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc.
Wei Dilong, 18 tuổi, sống ở thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Anh thích bóng rổ, nhạc hip-hop và phim về siêu anh hùng của Hollywood. Anh dự định sẽ sang Canada du học để theo đuổi chuyên ngành hóa vào năm 2020.
Wen Shengjian, 14 tuổi, biết nhưng cho rằng mình không cần Google, Facebook
Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác, Wei là điển hình cho lứa thanh niên Trung Quốc tách biệt khỏi dòng chảy của công nghệ thế giới. Anh chưa bao giờ nghe nói về Google hay Twitter, chỉ từng nghe về Facebook. "Nó có giống với Baidu không?" là câu hỏi mà chàng trai này đặt ra về mạng xã hội nổi tiếng toàn cầu. Baidu là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất ở Trung Quốc.
Có một thế hệ người Trung Quốc lớn lên cùng mạng Internet nhưng lại khác biệt so với phần còn lại của thế giới.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã chặn Google, Facebook, Twitter và Instagram, cũng như hàng nghìn trang web nước ngoài khác. Một loạt các trang web và dịch vụ của Trung Quốc đã nổi lên để phục vụ các chức năng tương tự, nhưng dưới một sự kiểm duyệt nặng nề về nội dung từ phía chính quyền.
Bảng so sánh các dịch vụ Internet thịnh hành tại Trung Quốc với thế giới. Nguồn: Statista.
Tác động của việc lớn lên cùng với hệ thống Internet khác biệt này đang bắt đầu diễn ra. Nhiều người trẻ ở Trung Quốc ít có khái niệm về những thứ như Google, Twitter hay Facebook. Họ sống cô lập trong một thế giới của riêng mình, quen thuộc với các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến sẵn có, không biết tới những gì ngoài nội dung đã được kiểm duyệt.
Theo The New York Time, chính quyền Bắc Kinh đã thành công trong việc xây dựng một hệ thống giá trị thay thế đủ sức cạnh tranh với nền văn hóa tự do phương Tây. Thậm chí, xu hướng này còn được thiết lập để lây lan. Trung Quốc đang xuất khẩu mô hình Internet bị kiểm duyệt sang một số khu vực khác, như Tanzania hay Ethiopia.
Kết quả này trái ngược với những gì người phương Tây từng dự đoán về sự ảnh hưởng của Internet. Trong bài phát biểu năm 2000, tổng thống Mỹ Bill Clinton đã cho rằng sự phát triển của Internet sẽ làm cho Trung Quốc trở thành một xã hội cởi mở hơn, giống nước Mỹ. "Trong thế kỷ mới, tự do sẽ lan truyền qua điện thoại di động và modem mạng", ông nói.
Đối với những tập đoàn Internet khổng lồ ở Mỹ và các nước phương Tây, hy vọng nhận được một phần nào đó của miếng bánh mang tên "thị trường Trung Quốc" đang ngày càng trở thành một giấc mơ xa vời. Trung Quốc đã chứng minh rõ ràng rằng họ sẽ đi con đường kiểm soát tư tưởng chặt chẽ dưới thời của chủ tịch Tập Cận Bình. Trong nửa đầu năm nay, Cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc đã đóng cửa và thu hồi giấy phép của hơn 3.000 trang web.
"Tôi lớn lên cùng với Baidu, vì vậy tôi đã quen dùng nó" Zhang Yeqiong, 23 tuổi, nói về công cụ tìm kiếm nổi tiếng nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, những "gã khổng lồ Internet" vẫn không ngừng cố gắng. Google đã phát triển một công cụ tìm kiếm chấp nhận việc có thể bị kiểm duyệt nội dung bất cứ khi nào. Tháng trước, Facebook cũng được chấp thuận để mở một công ty con ở tỉnh Chiết Giang. Tuy nhiên chỉ sau một ngày, sự chấp thuận này nhanh chóng bị hủy bỏ.
Trên thực tế, ngay cả khi các ứng dụng và trang web của phương Tây tự biến mình thành sản phẩm Trung Quốc, chúng cũng có thể phải đối mặt với sự thờ ơ từ những người trẻ tuổi.
Hai nhà nghiên cứu kinh tế từ Đại học Bắc Kinh và Đại học Stanford mới đây đã thông báo kết quả của một cuộc khảo sát kéo dài 18 tháng. Nội dung của nó nói rằng sinh viên đại học Trung Quốc thờ ơ với việc tiếp cận các thông tin nhạy cảm, bị kiểm duyệt về mặt chính trị. Họ đã cho gần 1.000 sinh viên tại hai trường đại học Bắc Kinh công cụ miễn phí để bỏ qua hệ thống tường lửa kiểm duyệt. Nhưng kết quả cho thấy gần một nửa đã không sử dụng chúng. Những người đã thực hiện thì hầu như đều không dành thời gian để duyệt các trang web tin tức nước ngoài đã được bỏ chặn.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc kiểm duyệt ở Trung Quốc có hiệu quả không chỉ vì khiến cho việc truy cập thông tin nhạy cảm trở nên khó khăn mà còn bởi nó đã thúc đẩy một môi trường mà ở đó người dân không có nhu cầu tìm hiểu thông tin khác", báo cáo kết luận.
Zhang Yeqiong, 23 tuổi, nhân viên dịch vụ chăm sóc khách hàng tại một công ty thương mại điện tử ở Tân Tập, một thành phố nhỏ cách Bắc Kinh vài giờ lái xe, cho biết: "Tôi lớn lên với Baidu, vì vậy tôi đã quen sử dụng nó".
Hàn Hàn, nhà văn thần tượng từng được coi là "kẻ nổi loạn" nay cũng chăm chú hơn vào việc kinh doanh thay vì chính trị.
Đây cũng là thái độ chung của những người sinh ra ở Trung Quốc trong những năm 1980. Khi thế hệ này lớn lên, một số người mang tư tưởng có đôi chút nổi loạn. Một trong số đó là Hàn Hàn - nhà văn, ca sĩ kiêm blogger - thường xuyên đặt câu hỏi về hệ thống chính trị và các giá trị truyền thống của Trung Quốc. Ông đã bán được hàng triệu cuốn sách và có hơn 40 triệu người theo dõi trên Weibo - một mạng xã hội tương tự Twitter ở Trung Quốc. Những tác phẩm văn học, truyện, phim ngắn của ông thường kể về một thế hệ trẻ Trung Quốc vừa u sầu vừa mạnh mẽ, muốn vượt thoát ra khỏi những hình mẫu già nua của đất nước này trong những năm nền kinh tế bắt đầu chuyển mình.
Nhưng hiện giờ, rất khó kiếm tìm ra được một người Trung Quốc nào giống như Hàn Hàn, ở độ tuổi thiếu niên hoặc vừa trưởng thành. Ngay cả Hàn Hàn, bây giờ đã 35 tuổi, cũng không còn giống trước kia. Giờ ông chủ yếu đăng bài về công việc kinh doanh của mình trên Weibo, bên cạnh các dự án làm phim và sở thích đua xe.
"Các ứng dụng Trung Quốc đã có tất cả mọi thứ"
Nhiều người trẻ ở Trung Quốc giờ đây sử dụng các ứng dụng và dịch vụ như Baidu, mạng xã hội WeChat và nền tảng chuyên về video ngắn Tik Tok. Chúng đại diện cho một xã hội tiêu dùng và chủ nghĩa dân tộc.
Hồi tháng 3, công ty truyền thông của tập đoàn Tencent đã khảo sát hơn 10.000 người dùng sinh năm 2000 hoặc trẻ tuổi hơn. Gần 80% người nói rằng họ nghĩ Trung Quốc đang ở vào thời điểm tốt nhất trong lịch sử hoặc đang trở thành một đất nước tốt hơn mỗi ngày. Gần như 100% số người được hỏi cho biết họ rất lạc quan hoặc khá lạc quan về tương lai của mình.
"Các ứng dụng của Trung Quốc đã có mọi thứ", Shen Yanan, 28 tuổi, một người tự nhận là yêu nước và không quan tâm đến chính trị.
Shen Yanan, 28 tuổi, làm việc cho một trang web bất động sản ở Bảo Định - một thành phố có khoảng ba triệu người khá gần Bắc Kinh, tự mô tả mình là một người yêu nước và lạc quan. Cô tin rằng Trung Quốc là một đất nước tuyệt vời và sẽ cố hết sức để làm cho nó thêm mạnh mẽ.
Mỗi buổi tối, cô dành một đến hai giờ để xem phim bộ Hàn Quốc trên điện thoại cá nhân. Cô không có bất kỳ ứng dụng tin tức nào trên smartphone bởi vì không quan tâm đến chính trị. Yanan đã đi du lịch đến Nhật Bản một vài lần và từng sử dụng Google Maps ở đó, nhưng cũng không thử truy cập vào bất kỳ trang web nước ngoài nào khác.
"Các ứng dụng Trung Quốc đã có tất cả mọi thứ", cô nói.
Bạn của cô, Chu Junqing, cũng 28 tuổi, làm về tuyển dụng nhân sự, cho biết cũng thường dành 2-3 giờ để xem các video ngắn hài hước sau giờ làm việc trên ứng dụng Tik Tok. Đôi khi cô cũng đọc tin tức trên ứng dụng có tên Jinri Toutiao và cho biết đã thấy nhiều quốc gia trên thế giới đang có chiến tranh và bạo loạn. "Ở Trung Quốc tốt hơn rất nhiều", cô nói.
Wen Shengjian thích chơi bóng rổ và muốn trở thành một rapper
Wen Shengjian, 14 tuổi, muốn trở thành một rapper và thần tượng Drake và Kanye West. Gia đình cậu chuyển từ Bắc Kinh đến Đông Dinh, một thị trấn ở phía đông tỉnh Sơn Đông. Wen cho biết mình đã thấy các rapper Mỹ thường hát về những vấn đề xã hội và thậm chí một số người còn chỉ trích tổng thống của họ trong bài nhạc.
"Điều đó sẽ không thể có ở Trung Quốc", cậu nói, "bởi vì đây là một quốc gia đang phát triển và cần sự ổn định xã hội". Đó cũng là điều mà chính quyền Trung Quốc luôn đảm bảo các phương tiện truyền thông nhà nước cũng như sách giáo khoa trong trường học phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Shengjian xem video về nhạc rap trên điện thoại
Shengjian thích chơi bóng rổ. Cậu cho biết mình có nghe về Google, Facebook, Twitter và Instagram. Một người bạn của cha cậu đã nói với cậu rằng các trang web đó bị chặn bởi vì một số nội dung của họ "không phù hợp cho sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc".
"Tôi không cần chúng", Shengjian nói.
Còn những người Trung Quốc trẻ có cơ hội sinh sống ở nước ngoài thì phải làm quen với một hệ sinh thái Internet hoàn toàn mới mẻ. Điều đó đã xảy ra với Perry Fang, 23 tuổi, người hai năm trước đã rời Quảng Châu để sang Sydney (Australia) để theo học chuyên ngành tiếp thị. Ở đây, anh đã được tiếp xúc với một loạt các trang web hoàn toàn mới, bao gồm cả Google, Facebook, YouTube và Snapchat.
Bây giờ mỗi khi trở về Trung Quốc để thăm gia đình của mình trong các dịp lễ, Fang cho biết có cảm giác khó chịu khi không thể sử dụng Google. Anh cũng học được cách để không bàn luận về những tin tức chính trị nhạy cảm trước mặt cha mẹ của mình, bởi đã bị mắng vì làm thế trước đó.
"Các ứng dụng Trung Quốc trở nên vô dụng ngay sau khi bạn ra nước ngoài", anh nói. Nhưng với Google và những thứ khác, "bất kỳ quốc gia nào bạn đến, bạn vẫn có thể sử dụng", anh nói thêm. "Lợi ích mang lại rất cao".
Bị dư luận "ném đá", HLV Park Hang Seo lên tiếng về Facebook giả mạo
Sau trận thua Hàn Quốc, một tài khoản facebook mang tên Park Hang Seo đã lên tiếng xin lỗi người hâm mộ, đồng thời khẳng ... |
\'Phóng viên chiến trường như tôi sẽ biến mất bởi Google, Facebook\'
Nhà báo Sammy Ketz cho rằng những phóng viên chiến trường như ông đang ngày một ít vì nội dung họ sản xuất ra bị ... |
Việt Nam cần thêm chế tài để quản lý Google, Facebook
Kinh nghiệm cùng mô hình quản lý của các nước Châu Âu, Trung Quốc hay Malaysia là VD đáng tham khảo để những nước có ... |