Trên 10.000 sinh viên, có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm, phải chuyển đổi ngành học, hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo - theo 1 khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI).
Trên 10.000 sinh viên, có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm, phải chuyển đổi ngành học, hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo - theo 1 khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI).
Việc làm là nỗi quan tâm hàng đầu của thanh niên hiện nay, nhưng khi tham gia vào thị trường lao động, thanh niên gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, thậm chí chưa biết cả cách làm hồ sơ xin việc, tham gia phỏng vấn...
Hấp lực của “việc nhẹ lương cao”
Có việc làm và thu nhập ổn định là ước mơ của người lao động, đặc biệt, nếu được làm công việc đúng chuyên môn, sở trường sẽ là điều lý tưởng. Giữa thời đại phát triển bùng nổ của mạng xã hội, cơ hội việc làm và những thách thức kiểu “miếng mồi ngon” với người đi xin việc cũng bùng nổ không kém.
Trong vai một sinh viên ngành kế toán mới ra trường, PV dò la trên mạng và kết nối với số hotline của một “trung tâm giới thiệu việc làm” có đề trụ sở tại phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân - Hà Nội). Liên lạc qua điện thoại, “tư vấn viên” giới thiệu tên Dũng và quảng bá tại trung tâm này “việc gì cũng có, cơ bản việc nhẹ lương cao, nhiều việc không yêu cầu bằng cấp”. Về hình thức giao dịch, người có nhu cầu tìm việc “không cần đến trụ sở trung tâm mà chỉ cần chuyển phí 50.000 đồng sẽ nhận được danh sách 40 đầu việc địa bàn Hà Nội liên quan đến chuyên ngành kế toán”. Khi PV hỏi trung tâm có đảm bảo có việc mới thu phí hay không, người này cho hay phải “chuyển phí trước khi nhận danh sách, vì biết đâu bạn đòi hỏi quá cao so với công việc mà chúng tôi đang có”.
Sau khi khất lần với lý do “suy nghĩ thêm”, PV tìm đến địa chỉ của “trung tâm” thì lại thấy đây là quán photocopy có bề rộng chưa đầy 2m. Hỏi han tại đây, không ai biết “trung tâm giới thiệu việc làm” nào.
Chuyển “vai” qua một lao động phổ thông không có bằng cấp cần tìm việc, PV liên lạc với số điện thoại của “anh Mạnh” và trao đổi cần việc làm tại các công trường xây dựng, nhu cầu bao ăn ở, lương khởi điểm 5 triệu đồng. “Anh Mạnh” yêu cầu PV gửi 1 ảnh chân dung và 1 ảnh toàn thân và chỉ số chiều cao, cân nặng, năm sinh để “sơ tuyển”. PV hẹn 1 ngày đi chụp ảnh để gửi thì được báo nhắn trước các chỉ số hình thể. “Bịa” ra vài con số phù hợp với 1 thanh niên cao to, PV lập tức được “anh Mạnh” hướng dẫn: “Có việc nhẹ hơn, đừng đi làm công trường. Em có làm phục vụ quán hát khu Mỹ Đình không? Lương cơ bản 3 triệu/tháng, bao ăn ở, làm từ 15 giờ đến khoảng 24 giờ. Ở đấy “típ” nhiều, thu nhập cao lắm”…
Thiếu nhiều kỹ năng, va chạm thực tế
Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội (Bộ LĐTBXH) nhận định, thực tế là học sinh, sinh viên đang thiếu hụt nhiều kỹ năng vì đa số các trường tập trung vào các môn học theo quy định. Các kỹ năng như kỹ năng sống, giao tiếp, phỏng vấn… không được đào tạo hoặc đào tạo không bài bản.
“Ngoài ra, người lao động đang bị bủa vây trong thế giới thật giả lẫn lộn, nhiều trường hợp bị các công ty đưa ra mồi chài, giới thiệu nhưng sau đó mất tiền lại không được gì. Thực tế này cũng cho thấy cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ cung cấp các thông tin về việc làm còn hạn chế, chủ yếu người lao động phải thông qua các kênh không chính thức, như bạn bè, người thân,…”, ông Vinh nói.
Chung quan điểm, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) cho rằng: “Dù có đến bốn bằng đại học hay bao nhiêu chứng chỉ kỹ năng đi nữa nhưng không có kỹ năng va chạm thực tế thì sinh viên cũng khó xin việc làm”.
Theo ông Tuấn, vấn đề việc làm là mối quan tâm hàng đầu của thanh niên hiện nay, nhưng khi tham gia vào thị trường lao động, thanh niên gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, thậm chí chưa biết cả cách làm hồ sơ xin việc, tham gia phỏng vấn. Theo một khảo sát của FALMI trên 10.000 sinh viên, có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm, phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo.
Đáng chú ý, trong tổng số sinh viên tìm được việc làm, chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% sinh viên vẫn phải làm việc trái nghề, thu nhập thấp, việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển việc làm khác.
Kết nối việc làm, trông chờ 1 cơ quan thì không xuể!
Theo ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội (Bộ LĐTBXH), thực sự công tác tạo việc làm của chúng ta hạn chế, vì phát triển sản xuất kinh doanh không cần nhiều lao động qua đào tạo. Bên cạnh đó, việc làm thì nhiều nhưng chất lượng việc làm thấp, đối với các em sinh viên mới ra trường đi xin việc làm là rất khó khăn.
“Tôi tiếp xúc với nhiều học sinh, sinh viên thì thấy có sự phân cấp rõ, em nào có ý thức thì ngay năm đầu đã tìm thông tin, đi làm thêm, số khác học để trả bài lấy bằng thì ý thức chuẩn bị hành trang vào đời không có, khi ra xin việc thực sự rất khó khăn”, ông Vinh nói. Việc cải thiện kết nối cung - cầu lao động nếu chỉ một cơ quan là thì không xuể được, một tổ chức thì không thể rải rộng khắp được. Trong khi đó, thời đại 4.0 là điều kiện cực kỳ thuận lợi để các em tìm việc làm. Các em chỉ cần có kỹ năng cơ bản về tin học, chịu khó để kết nối thông tin các kênh để tìm việc làm rất tốt. Ngoài ra, khi tìm việc, người lao động cũng nên đến các trung tâm dịch vụ uy tín, tránh những lời hứa “đường mật” mà mất tiền oan.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI):
Với một sinh viên, học rất tốt thì cũng chỉ đạt 40% số điểm mà thôi. Chúng tôi đưa ra nhiều tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá một sinh viên khi ra trường bên cạnh kiến thức. Những tiêu chuẩn quan trọng lần lượt là năng lực làm việc chủ động, tốc độ làm việc, khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, dịch vụ khách hàng, cam kết với mục tiêu cao, tư duy sáng tạo.
Cả nước đã “phủ” 98 trung tâm dịch vụ việc làm công
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), hiện nay số Trung tâm dịch vụ việc làm công lập của cả nước là 98 trung tâm, trong đó 63 Trung tâm dịch vụ việc làm do UBND tỉnh, thành phố thành lập, giao Sở LĐTBXH quản lý; 35 trung tâm thuộc các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Các trung này đã có những đóng góp không nhỏ cho công tác giải quyết việc làm cho người lao động, là địa chỉ tin cậy cung cấp các dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động; thu thập thông tin về việc làm trống, người tìm việc - việc tìm người; dạy nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp...
Trong giai đoạn 2008 - 2017, 63 Trung tâm thuộc ngành LĐTBXH đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 18.780.000 lượt người, trong đó số lao động nhận được việc làm do Trung tâm giới thiệu và cung ứng là 5.113.455 lượt người, chiếm 27,2% tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Đến nay, toàn quốc có 216 DN đã được cấp phép hoạt động. Các doanh nghiệp này đều đảm bảo các điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, nhân sự, ký quỹ để phòng ngừa rủi ro cho người lao động, được phân bố ở những địa phương có thị trường lao động phát triển, gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, chủ yếu thực hiện kết nối việc làm cho lao động trình độ cao, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động.
QUANG HIẾU
Ngày hội việc làm số sắp diễn ra tại TP HCM
Sinh viên tìm việc làm, tiếp cận nhà tuyển dụng qua hệ thống ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. |
Học thế nào để tăng cơ hội xin việc sau tốt nghiệp?
Để chủ động “lập trình sự nghiệp” và không rơi vào cảnh “treo bằng” sau khi ra trường, các bậc phụ huynh và các sĩ ... |
Làm những điều này sẽ khiến bạn tiếc nuối trong cuộc đời
Cuộc sống không phải lúc nào cũng trọn vẹn và ai trong chúng ta cũng đều có những tiếc nuối khi nhìn lại những chuyện ... |