Ký ức ga Hàng Cỏ

Chiếc đồng hồ trên cửa vào ga Hàng Cỏ là một trong ba chiếc đồng hồ công cộng còn lại của Hà Nội xưa. 

Mượn quy hoạch ga “nuốt” đất vàng?!
Di dời ga Hà Nội: Ý tưởng “chống” lại… văn hóa?

Chiếc đồng hồ này đặc biệt gắn bó với cuộc đời bà Lê Thị Yến. Bà từng là Tổ trưởng Tổ đồng hồ của Bưu điện Hà Nội, người đã tự tay tham gia thiết kế, lắp ráp chiếc đồng hồ trên nóc Bưu điện Hà Nội và quản lý nó trong suốt gần 30 năm, cho đến khi nghỉ hưu.

Bà Yến kể với tôi, Hà Nội từ thời Pháp có 6 cái đồng hồ công cộng cho dân chúng đạp xe đến xem giờ: đồng hồ gắn trên Bách hóa Tổng hợp (nay là Tràng Tiền Plaza), ga Hàng Cỏ, Nhà thờ Lớn, cột đồng hồ Cửa Nam, cột đồng hồ chân cầu Long Biên, cột đồng hồ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục... Nay chỉ còn ở ga Hàng cỏ và Nhà thờ Lớn.

Đồng hồ Bưu điện, chiếc đồng hồ thân thuộc nhất với dân thủ đô bây giờ, cũng được lấy giờ từ đồng hồ Ga. 12 giờ trưa ngày 2/9/1978 là lần đầu tiên tiếng chuông đồng hồ trên nóc tòa nhà Bưu điện vang lên. Hôm ấy, bà Yến đạp xe từ ngõ chợ Khâm Thiên, xem đồng hồ ga Hàng Cỏ để dò lại chiếc đồng hồ đeo tay của bà. Rồi bà đạp xe lên bưu điện, căn lại giờ ở đồng hồ bưu điện đã chuẩn theo đồng hồ đeo tay chưa.

Thỉnh thoảng bà vẫn đạp xe một vòng qua ga Hàng Cỏ, Nhà thờ Lớn, đồng hồ Bưu Điện rồi lại về ngõ chợ, có khi còn gọi điện cho tổ đồng hồ nhắc chỉnh lại kim hay bật đèn đồng hồ lên cho dân xem.

Với nhiều người, ga Hàng Cỏ là của chung, nơi chị hàng xén, anh bộ đội, cô nhân viên văn phòng ngoài việc vào mua vé tàu còn có thể ngồi uống chén trà, ăn kẹo lạc, hay chỉ để chợt nhớ lại một câu bồi hồi “Sân ga chiều em đi” trong thơ Xuân Quỳnh.

Ga là của mọi người đã đến và đi qua Hà Nội.

Ở Montreal, Canada có khu vực cảng cũ, là một phần của thành phố cổ. Khi cảng mới được mở ra ở nơi khác, chính quyền mở cuộc trưng cầu dân ý để người dân quyết định nơi đây sẽ là cái gì.

Vòng một của trưng cầu dân ý sẽ cho ý kiến về việc họ muốn khu vực có bao nhiêu phần trăm là cây xanh, bao nhiêu phần trăm là bảo tàng, khu thương mại, không gian vui chơi, khu triển lãm, sân trượt băng… Phiếu của chuyên gia, người dân địa phương sẽ có trọng số cao hơn dân nơi khác.

Khi đã biết người dân muốn cảng cũ thành cái gì, các kiến trúc sư sẽ tham gia thiết kế, lượng hóa mô hình ấy. Cuộc bỏ phiếu lần hai là để người dân chấm phương án thiết kế họ muốn nhất.

Không riêng ở Montreal, các dự án công cộng ở nhiều nước phát triển đều được quyết định bởi dân chúng như vậy.

Còn ga Hà Nội thì sao? Tôi thấy “dự án đang được lấy ý kiến các bộ, ngành”. Tôi cũng đang tự hỏi bộ ngành liệu có quan tâm và có can hệ đến ga Hà Nội nhiều như dân không? Đặc biệt đó là những người sinh ra và lớn lên với tiếng còi, hay sinh kế bao đời bám theo những chuyến tàu. Bà Yến bảo: “Ngày xưa Hà Nội vắng lắm, mãi chợ Mơ cũng nghe thấy tiếng còi tàu”.

Hô hào bản sắc trong nhiều trường hợp cũng là chủ quan, đôi khi nó còn thể hiện sự tự ti mặc cảm, gây ngộ nhận và kìm hãm sự phát triển. Hà Nội không nhất thiết cứ phải mãi rêu phong lụp xụp, nơi chuột có thể mở tiệc và người thì khó thở. Nhưng Hà Nội cũng không cần giống Tokyo, mọi thứ phải lao lên càng gần trời xanh càng tốt. Hà Nội tất nhiên có thể giống Paris, các kiến trúc đình chùa thời phong kiến, kiến trúc Pháp thời thực dân, kiến trúc thời bao cấp hay thời mở cửa hài hòa ở nội đô và tất cả kiến trúc cao và hiện đại đều được “mời” ra ngoại vi.

Nếu coi ký ức về tiếng còi tàu, về đoàn người tay xách nách mang, về nhà ga đã bị bom tàn phá và xây lại sau cuộc chiến là một di sản, một giá trị thì cũng không sai. Nhưng giá trị ấy có quan trọng hay không lại phụ thuộc thước đo của mỗi người.

Việc tồn tại của ga Hà Nội vẫn có thể mang giá trị kinh tế khi về lâu dài, Hà Nội sẽ phải xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt cần một trung tâm. Và không nơi nào xứng đáng mang danh hiệu nhà ga trung tâm hơn ga Hà Nội. Nhà ga trung tâm không chỉ là một di sản quá khứ, nó còn có thể trở thành nơi hiệu quả trong kiến trúc đô thị và đời sống người dân. Tất nhiên, là khi người ra quyết định có đủ quyết tâm.

Người ta sẽ hỏi: cứ hô hào bảo tồn, thì cái dĩ vãng rêu phong ấy có sinh lợi không? Đất vàng nằm đó, không người này thì người kia muốn. Vậy ai sẽ trả lời câu hỏi của công chúng: đất đó được đổi với giá nào, cái lợi thu được có phân phối hài hòa cho dân chúng hay không?

Phát triển bền vững là tạo cơ hội đồng đều cho mọi người. Người nghèo đôi khi không phải bởi thu nhập thấp mà còn cơ hội không bao giờ đến tay.

Người ta sẽ nói người giàu không có nghĩa vụ giải thích cho sự khó chịu của người nghèo. Đó là lý do ta cần chính quyền. Chính quyền đầu tiên phải trả lời quy hoạch chung về thẩm mỹ đô thị của Hà Nội trong dài hạn là gì? Chính quyền sẽ giúp các bản quy hoạch cơ hội không đè bẹp mọi giá trị (mà nếu may mắn ký ức cũng là một giá trị được tính vào đó). Nhờ có chính quyền điều phối, người dân của đại đô thị Hà Nội trong tương lai sẽ cảm thấy những nơi công cộng của Hà Nội cũ có phần cho mình.

Dân Montreal được ra đề bài cho chính quyền và chuyên gia. Còn người dân Việt Nam không được cơ hội ấy. Việc đó có lẽ chính quyền với nhà đầu tư bàn riêng với nhau. Chợ Mơ, cảng Ba son, khu Cao Xà Lá… nhiều công trình công cộng có giá trị văn hóa và lịch sử đã “lặng lẽ” trở thành nhà cao tầng, khu trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp giá triệu đô.

Xóa sạch thành phố để xây cao ốc chưa chắc là lựa chọn sai, nhưng chắc chắn là lựa chọn dễ dàng. Liệu có lựa chọn nào khác, bắt người ta phải động não, nên đã bị bỏ qua?

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/ky-uc-ga-hang-co-3646592.html

/ Hồng Phúc/vnexpress.net