Hàn Quốc có thể gặp khó khăn trong việc theo dõi tên lửa Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng phát động một cuộc tấn công thực sự.
| |
Tên lửa Hyunmoo-II của Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
3h17 sáng 29/11, một chiếc máy bay cảnh báo sớm Boeing 737 của không quân Hàn Quốc phát hiện ra vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong hơn hai tháng, theo WSJ.
6 phút sau, hệ thống phóng tên lửa trên mặt đất, tàu khu trục Aegis và các chiến đấu cơ F-16 bắn tên lửa vào vùng biển ngoài khơi phía đông bán đảo Triều Tiên, để thể hiện rằng Seoul chuẩn bị sẵn sàng cho nguy cơ xung đột và có khả năng đáp trả.
Tuy nhiên, các nhà phân tích an ninh nói rằng Hàn Quốc có thể không phản ứng kịp thời hoặc chính xác nếu chiến tranh thực sự xảy ra.
Triều Tiên ngày 29/11 phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 từ Pyongsong, cách Bình Nhưỡng khoảng 32 km về phía Bắc.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, mục tiêu mà họ nhắm bắn tên lửa có khoảng cách tương đương với khoảng cách đến địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên. Họ muốn thể hiện rằng họ có thể tấn công vào điểm phóng tên lửa của Triều Tiên nếu muốn.
Tuy nhiên, Hàn Quốc không thể đảm bảo 100% rằng họ có thể phát hiện mọi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Trong tình huống xung đột, Triều Tiên có thể bỏ nhiều công sức hơn để che giấu hoạt động của họ, chẳng hạn như triển khai các bệ phóng "mồi nhử", Yang Uk, nhà nghiên cứu quốc phòng cao cấp tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul nói.
Trong kịch bản như vậy, Hàn Quốc, Mỹ hay Nhật Bản có thể gặp khó khăn hơn trong việc xác định địa điểm phóng chính xác, ông Yang nói. Tuy nhiên, ông coi phản ứng của Hàn Quốc với vụ thử tên lửa là thành công, đặc biệt là việc họ đáp trả trong thời gian rất ngắn. Phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu tại Hàn Quốc cho biết không có sự tham gia của Mỹ hoặc các lực lượng khác trong phản ứng này.
"Những gì chúng ta thấy ngày 29/11 là một phản ứng mạnh mẽ với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Hàn Quốc gọi nó là hệ thống Chuỗi Tiêu diệt", ông Yang nói. Đây là một phần trong hệ thống phòng thủ được thiết kế để đánh phủ đầu hệ thống tên lửa Triều Tiên trong trường hợp một cuộc tấn công hạt nhân xảy ra.
Hàn Quốc năm nay đã cho thiết lập Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, có thể bắn hạ tên lửa tầm ngắn và tầm trung, bổ sung cho hệ thống chống tên lửa đạn đạo Patriot PAC-2 của họ. Hệ thống mới có tầm bắn xa hơn, nhưng không thể bao phủ toàn quốc.
Một quan chức quân sự Hàn Quốc về hưu nói rằng Hàn Quốc thiếu một vệ tinh quân sự có thể theo dõi Triều Tiên, dù Mỹ và Nhật Bản có chia sẻ hình ảnh vệ tinh với các quan chức Hàn Quốc theo thời gian thực.
Ông nhấn mạnh rằng Hàn Quốc có một mạng lưới tình báo ở Triều Tiên và các gián điệp có thể đã báo trước cho các quan chức ở Seoul về vụ phóng trong tuần này.
Có rất ít chi tiết về mạng lưới tình báo của Hàn Quốc ở Triều Tiên. Truyền thông địa phương đưa tin rằng Hàn Quốc đã mất rất nhiều gián điệp ở Triều Tiên trong những năm gần đây.
Các nhà phân tích cho biết Triều Tiên lắp đặt các thiết bị vào tên lửa để truyền tín hiệu đến tháp kiểm soát trên mặt đất. Hàn Quốc có thể can thiệp vào những tín hiệu này và theo dõi tên lửa phóng lên.
Nhưng trong trường hợp Triều Tiên thật sự phóng tên lửa vào một thành phố của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, Triều Tiên có thể không cài đặt thiết bị đó, Jo Dong-joon, Phó Giám đốc của Viện Hòa bình và Thống nhất tại Đại học Quốc gia Seoul nói.
"Điều này có nghĩa rằng Hàn Quốc có thể không có cách nào để theo dõi một tên lửa thù địch", ông Jo nói.
Cuộc sống với thời gian ngừng trôi ở sát Triều Tiên Người dân ở đảo Gyodong, Hàn Quốc vẫn tận hưởng cuộc sống yên bình dù căng thẳng với Triều Tiên đang gia tăng. |
Không quân Hàn Quốc lập đơn vị chuyên theo dõi tên lửa Triều Tiên Hàn Quốc đang đẩy mạnh hoạt động tình báo và giám sát trên không trong bối cảnh mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên ... |