Để thói hung hăng không có đất dung thân

Gần đây, nhiều vụ việc hành xử theo kiểu bạo lực, côn đồ xảy ra liên tục: Cá nhân xử lý lẫn nhau bằng bạo lực; người vi phạm đánh CSGT; người nhà bệnh nhân đánh nhân viên y tế...

de thoi hung hang khong co dat dung than
Ông N.H.P (38 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) tấn công trung tá Bùi Minh Phước, Đội phó Đội CSGT Cát Lái, vào chiều 8.4.2017

Thanh Niên phỏng vấn PGS-TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội), xoay quanh thực trạng trên.

Có nhiều vụ gây hấn trong thời gian gần đây. Không chỉ có các cá nhân tấn công nhau, còn có những vụ tấn công cả người thi hành công vụ… Bà có cho rằng người Việt đang hung hăng lên không?

Không, cho tới bây giờ không có một nghiên cứu nào, thống kê nào có thể chứng tỏ chuyện người Việt đang hung hăng lên như thế cả. Chỉ có chuyện chúng ta đang sống trong một môi trường mà việc chịu các căng thẳng tâm lý đang gia tăng.

de thoi hung hang khong co dat dung than
PGS-TS Trần Thu Hương - Ảnh: NVCC

Có người luôn sẵn sàng gây chuyện

Đúng là trong các vụ xung đột “nổi đình đám” vừa qua, các cá nhân đều trong tình trạng rất căng thẳng. Họ có thể đang bị tắc đường, hoặc đang trong bệnh viện và người thân đang đối mặt với tình trạng rất nguy kịch. Về mặt tâm lý, có nên thông cảm với những trường hợp như thế không?

Người bị ức chế thì sẽ rơi vào các căng thẳng khác nhau. Sự căng thẳng đó gia tăng lại đẩy tiếp họ vào trạng thái hành xử có vấn đề. Về tâm lý, sẽ có những gây hấn không thể chấp nhận, nhưng cũng có sự gây hấn cần xem xét nguồn cơn. Có người mang bản chất luôn gây hấn, hung hăng. Có người lại dễ chịu. Vì thế, có những người nóng nảy luôn sẵn sàng gây chuyện với nhiều mức độ khác nhau. Nói cách khác, có người gây hấn vì yếu tố bệnh lý - họ mau chóng bị đẩy vào trạng thái bùng phát đột ngột và nhanh. Với trường hợp bùng phát đột ngột và nhanh thì có thể cảm thông với họ vì bản thân họ không thể kiềm chế được những cảm xúc đó. Còn những người có khả năng kiềm chế, không phải yếu tố bệnh lý, sự bùng phát đó họ hoàn toàn có ý thức thì những trường hợp đấy cần có tiếng nói. Tất nhiên ta cũng tính đến nguyên do thúc đẩy gây hấn.

Người CSGT khi bị đánh đã hành xử khá nhún nhường, tìm mọi cách để người kia hạ hỏa. Trường hợp khác lại có người can ngăn. Tuy nhiên, người gây hấn vẫn tiếp tục tấn công. Về tâm lý, bà nhìn nhận việc tiếp tục tấn công đó như thế nào?

Chúng ta sẽ thấy trong xã hội VN có câu chuyện hệ quả của định kiến. Chúng ta sẽ thấy định kiến với hai nhóm nghề y và công an đang khá lớn. Thêm nữa, trong thời gian gần đây có một số vấn đề xảy ra khiến người ta củng cố thêm niềm tin định kiến rằng những người trong hai nhóm đó hoàn toàn không ổn. Đó là nguyên nhân xuất phát điểm để làm cho trạng thái căng thẳng của những người gây hấn trở nên nặng nề hơn và độ gây hấn của họ cũng gia tăng.

Nguyên nhân thứ hai, do họ có định kiến nên không cần biết đối tượng của mình đúng hay sai, họ bỏ qua mọi thứ và gây hấn. Chưa kể, vô tình người can thiệp lại khiến sự khó chịu của họ gia tăng. Họ nghĩ, sao mình đang khó chịu thế mà người xung quanh lại không bảo vệ mình, lại đi bảo vệ người kia. Kết quả là người gây hấn càng trở nên khó chịu hơn, gia tăng gây hấn hơn. Thậm chí, ngay cả khi họ sai thì họ vẫn thấy mình phải tranh đấu, mình phải nói cho ra nhẽ. Khi độ gây hấn lên cao thì không có lý lẽ nào khuyên giải được cả. Nếu người cảnh sát hoặc nhân viên y tế còn quá trẻ, không đủ kỹ năng làm chủ câu chuyện thì người gây hấn sẽ càng tăng độ hung hăng. Những người trẻ này cần được bổ sung kiến thức về tâm lý xã hội, về kỹ năng.

Sau khi mọi chuyện rõ ràng, chúng ta thấy người đánh cảnh sát là một đại gia; người đánh nhân viên y tế là quan chức dù chỉ cấp quận. Dư luận đặt câu hỏi, có phải chuyện gây gổ là do họ đã quen với việc sở hữu quyền lực. Bà nghĩ sao về điều này?

Đúng, việc đó cũng có. Rõ ràng trong xã hội có sự phân vai, có sự phân biệt về đẳng cấp. Người giàu là một đẳng cấp; người không giàu là một đẳng cấp khác. Người ta vẫn cho rằng, nếu không sử dụng tiền để làm một việc, thì sẽ sử dụng rất nhiều tiền. Vì thế, những trường hợp người gây hấn có nhiều tiền hay địa vị thì họ càng sẵn sàng gây hấn. Tuy nhiên, cũng phải nói sự gây hấn không chừa ai cả.

Nữ đại gia đánh cảnh sát đã bị cộng đồng mạng tìm thấy ngay. Cô ấy cũng bị công kích liên tục. Như thế có tốt không, có hiệu ứng giáo dục tốt không?

Cô ấy sẽ xấu hổ. Nhưng sự xấu hổ đó làm cô ấy khó chịu hơn. Không nên tấn công như thế.

Cần có sự kiểm soát

Như vậy là đang có những định kiến về một số cơ quan nhà nước, và điều đó khiến bạo lực xuất hiện. Cơ chế nào có thể “xả” sự căng thẳng đó đi, thưa bà?

Cần có kiểm soát xã hội. Như Thanh tra Chính phủ là một cơ chế kiểm soát tốt. Nhưng khi cơ quan công quyền kiểm soát xã hội thì cũng nên có đối trọng kiểm soát lại họ. Họ kiểm soát người dân bằng luật thì hệ thống luật đó ai kiểm soát. Chính người dân phải được cùng đứng trong đội ngũ kiểm soát đó để đối chứng lẫn nhau. Người dân, cũng là người phải thực thi luật cũng phải được cùng kiểm soát. Khi đó họ cũng hiểu luật hơn và thực thi tốt hơn. Đồng thời họ cũng biết luật đó ổn hay không. Kiểm soát như thế mới cân bằng và điều hòa sự xung đột bên trong xã hội. Việc người dân thấy họ có tiếng nói sẽ làm họ dễ chịu, còn không họ sẽ khó chịu và có thể gia tăng căng thẳng.

Hiện tại, có nhiều nghiên cứu định lượng về gây hấn trong xã hội không, thưa bà?

Hiện giờ nghiên cứu gây hấn đang còn ít, nhỏ lẻ. Nó mới đang được thực hiện ở góc độ điều tra xã hội học ở các nhóm đối tượng nhỏ thôi, như gây hấn ở trẻ em chẳng hạn. Nó chưa đủ để khái quát.

Trong các nghiên cứu gây hấn đã được công bố thì tình trạng gây hấn ở nhóm nào đang tệ nhất, thưa bà?

Các loại gây hấn cũng ngang nhau thôi. Ở VN chúng ta chia gây hấn thành gây hấn ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Gây hấn ngôn ngữ ở VN khá nặng nề, từ chuyện rất nhỏ cũng có thể gây hấn được. Nó thậm chí khiến người bị tấn công nhiều năm sau gặp lại vẫn còn muốn đánh kẻ gây hấn vì những lời nói đó, ngôn từ đó. Trẻ em lại hay bị gây hấn bằng hành vi, trong khi người lớn là lời nói.

Một số vụ việc gây bức xúc

Ngày 30.8, Công an Q.Cầu Giấy (TP.Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tạ Đình Thái (39 tuổi) về hành vi chống người thi hành công vụ. Trước đó chiều 24.8, các cán bộ thuộc Trung tâm y tế Q.Cầu Giấy phối hợp UBND P.Trung Hòa tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chống sốt xuất huyết tại tổ 4, P.Trung Hòa. Khi tổ công tác đến một căn nhà trên phố Nguyễn Ngọc Vũ thì Thái đánh anh Danh Hùng Anh (cán bộ UBND phường) và đấm vào mặt chị Lê Thị Toan (cán bộ y tế phường). Một sự việc khiến người đi đường hết sức bất bình hôm 17.7 khi Trịnh Thị Thùy Dương (31 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức,TP.HCM) chạy ô tô lấn tuyến, được CSGT nhắc nhở, thì nhảy xộc khỏi xe, túm cổ áo, lớn tiến chửi, thóa mạ viên cảnh sát. Trong khi CSGT có cử chỉ đúng mực, né tránh những hành động xấc xược của Dương thì Dương liên tục xấn tới, túm áo CSGT và chửi bới với những lời lẽ rất thô tục.

Tối 18.8, chỉ vì cho rằng y, bác sĩ ca trực cấp cứu Bệnh viện 115 (Nghệ An) chậm xử lý cho nhân viên công ty bị tai nạn giao thông, ông Nguyễn Đình Hoàng Thắng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP xây lắp Tân Thắng đã đánh, tát vào mặt nữ bác sĩ Hoàng Thị Minh, là người đang làm nhiệm vụ tại khoa cấp cứu.

Tối 15.8, lực lượng công an phải đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk can thiệp, xử lý vụ ông L.T.S (ngụ P.Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, người nhà của một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện) đánh điều dưỡng trong lúc đang chuẩn bị chuyển khoa cho người bệnh, khiến điều dưỡng phải điều trị vết thương vùng mặt và theo dõi chấn động não.

Ngày 16.6, trong lúc nói chuyện ngay tại văn phòng, ông L.X.Nh (Giám đốc trung tâm) và ông L.N.Kh (Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) xảy ra mâu thuẫn cãi vã khi cùng xem nội dung trên một chiếc điện thoại rồi dẫn đến đánh nhau. Thời điểm 2 lãnh đạo trung tâm đánh nhau còn có sự góp mặt của bà Ng.Th.Ng.T (kế toán một trường tiểu học tại TP.Bảo Lộc).

Ngày 16.3, trên đường đi công tác về chung xe, ông Diệp Xuân Vinh (Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai) và ông Cao Minh Phương (Trưởng phòng Tài nguyên nước, cùng thuộc Sở TN-MT tỉnh Kon Tum) “choảng” nhau ngay trên ô tô chỉ vì trước đó “trong cuộc nhậu các ông ép nhau uống…”. Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi ngay sau đó ông Phương làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum về việc nhà riêng bị một nhóm côn đồ đến quậy phá, dọa giết.

Đình Phú (tổng hợp)

(http://thanhnien.vn/thoi-su/de-thoi-hung-hang-khong-co-dat-dung-than-874020.html)

/ Theo Trinh Nguyên/Báo Thanh niên