Jerusalem có thể là thánh đường tôn giáo với những kiến trúc tuyệt mỹ, nhưng nơi đây không phải là vùng đất dễ sống với bất kỳ ai.
Đông Jerusalem vẫn âm ỉ những bất ổn trong nhiều thập kỷ.
Thế giới biết đến Jerusalem là một thánh địa tôn giáo với các di tích: Thành Cổ, nhà thờ Mái vòm Vàng, Bức tường Than khóc, nhà thờ Mộ Thánh vẫn còn tồn tại rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời trong nhiều thập kỷ. Nhưng Jerusalem không phải chỉ toàn những màu sắc đẹp đẽ hiện lên trong các bức ảnh thường thấy. Cuộc sống của họ ở đây nổi bật lên với sự ngột ngạt và căng thẳng.
Đối với người dân Jerusalem, căng thẳng là thứ mà họ phải học cách sống chung với nó. Sự căng thẳng giữa người Israel và người Palestine cũng gia tăng từng ngày và tạo nên những áp lực dài hạn, thường xuyên đe dọa bùng phát thành bạo lực. Với sự công nhận của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng: Jerusalem là Thủ đô của Israel, thành phố đã chuẩn bị tinh thần cho viễn cảnh nghiêm trọng nhất có thể bùng phát trong thời gian tới. Nhưng không ai biết chắc tình hình sẽ tồi tệ thế nào.
Theo New York Times hiện có khoảng 420.000 người Palestine đang sinh sống không có quốc tịch ở Đông Jerusalem –vùng lãnh thổ Israel kiểm soát và nhận là một phần trong Thủ đô “hợp nhất” của mình. Họ bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng pháp lý khi không phải công dân Israel, cũng không phải công dân của Jordan hay Palestine.
Israel coi người Palestine ở Đông Jerusalem là người nhập cư nước ngoài và được phép sống ở đây như một đặc ân, nhưng không có đặc quyền như công dân bản địa. Họ luôn được yêu cầu báo cáo đầy đủ tình trạng cư trú của mình và sống bất an liên tục khi thẻ cư trú có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào.
Đặt chân lên chuyến tàu Light Rail của Jerusalem vào buổi sáng ngày 9/12, vài ngày sau quyết định của ông Trump, người ta có thể cảm nhận rõ không khí ngày càng trở nên ngột ngạt. Red Line là tuyến duy nhất từ trước đến nay khởi hành từ Tây Jerusalem sang các vùng phía Đông Jerusalem trước khi kết thúc tại khu Pisgat Ze\'ev nhộn nhịp, một trong những khu định cư người Do Thái xây dựng ở vùng lãnh thổ chiếm đóng này từ năm 1967.
Tuyến đường sắt này không được người Ả Rập sử dụng nhiều như người Do Thái. Sau khi một thiếu niên Shuafat bị bắt cóc, tra tấn và giết hại bởi một nhóm người Israel hồi năm 2014, những người biểu tình Palestine coi đây như biểu tượng về sự chiếm đóng của Israel.
Khung cảnh trên chuyến tàu vẫn diễn ra như mọi ngày. Các tín đồ Do Thái cầu nguyện trên tàu. Hai nữ sinh cười khúc khích với nhau. Một người đàn ông Ả Rập mang theo hai túi đồ tạp hóa nhìn về phía trước.
Người Do Thái và người Ả Rập ở Jerusalem không ưa nhau.
"Không ai muốn phải ghét nhau", Jane Aharon, một nhà quản lý bất động sản từ Seattle, Mỹ, chuyển đến Israel vào năm 2003 và tới Jerusalem vào năm 2009, nói. "Nhưng mọi thứ diễn ra rất quyết liệt và có thể xảy đến với bạn".
Con tàu đến với trạm Damascus Gate. Tại bãi đỗ dành cho xe buýt, Jamil Rajbi, tài xế, 54 tuổi, vừa kết thúc cầu nguyện. Ông sống tại Silwan, một khu phố Ả Rập ở Đông Jerusalem, nơi những người định cư Do Thái đang có nhu cầu mua nhà. Nhiều người ném đá vào xe của người định cư mới đến nhưng chúng bị chặn lại bởi các tấm lưới bảo vệ. Rajbi cho biết, cộng đồng của ông muốn mua nhà trở lại để mở trường mẫu giáo, nhưng các cư dân Do Thái mới đã từ chối bán. “Họ khiến chúng tôi phát điên”, ông nói.
Tại một góc thuộc phố khác ở Thành Cổ, những tiếng cãi vã trở nên chói tai. Những người định cư Do Thái trên mái nhà đang ném trứng xuống những người Ả Rập ở phía dưới. Bỗng nhiên, một vụ xô xát xảy ra. Ba sĩ quan biên phòng Israel đội mũ chống bạo động đang đuổi theo người nào đó. Một lát sau, cuộc rượt đuổi kết thúc. Trong lúc họ đang đứng nghỉ, một phụ nữ buông lời mắng chửi họ bằng tiếng Ả Rập.
Trở lại chuyến tàu, Rina Pure, người sinh ra và lớn lên ở Acre, bờ biển Israel, cho biết bà đã mua một căn hộ ở khu dân cư French Hill thuộc Jerusalem vài năm trước. Dù vẫn còn yêu mến nơi đây nhưng sự mệt mỏi và bầu không khí căng thẳng khiến bà có ý định chuyển tới sống cùng con gái ở Tel Aviv.
“Có sự phân biệt tôn giáo lớn ở Jerusalem”, Muhammad Ziada, 39 tuổi, một tài xế có 18 năm làm việc ở đây chia sẻ. “Người Do Thái sẽ không đi xe taxi của tôi và người Ả Rập sẽ không đi đến trung tâm mua sắm. Và nếu tôi đi vào một khu dân cư tôn giáo và họ phát hiện ra tôi là người Ả Rập, họ sẽ chọi đá vào xe”.
Ziada lái xe qua một mảnh đất bỏ trống mà ông nói thuộc sở hữu của gia đình nhưng chính quyền Israel không cho phép ông xây dựng. Ziada cũng từ chối bán nó cho bất kỳ ai. “Sẽ không bao giờ có hòa bình ở đây”, ông Ziada nói. Tuy nhiên, ông không đổ lỗi cho bên nào.
10 điểm đến không thể bỏ qua ở Jerusalem Bức tường Than khóc, bảo tàng Israel hay các khu phố Armenian đều là những điểm đến du khách nên ghé một lần ở vùng ... |
Vì sao nỗ lực công nhận Jerusalem là Thủ đô Israel sẽ chỉ vô ích? Jerusalem với sự bất hợp lý hiện tại sẽ khó trở thành Thủ đô của Israel ngay cả khi có Mỹ "chống lưng". |