Cội nguồn căng thẳng trên biển giữa Nga và Ukraine

Kiev muốn đảm bảo quyền tự do tiếp cận Biển Azov, trong khi Moskva coi hoạt động của tàu chiến Ukraine là hành vi thách thức. 

Hải quân Ukraine hồi tháng 9 thông báo hai tàu chiến của họ đã thực hiện thành công hành trình từ Biển Đen tới Biển Azov, băng qua eo biển do Nga kiểm soát và thực thi quyền hàng hải của Ukraine theo luật pháp quốc tế. Truyền thông Ukraine cũng ca ngợi đây là "một chiến dịch táo bạo và khôn khéo ngay dưới mũi kẻ thù", trong khi báo chí Nga mỉa mai rằng những tàu chiến "gỉ sét" này đã "bò qua eo biển Kerch", theo NPR.

Đến ngày 25/11, ba tàu chiến Ukraine tìm cách thực hiện hành trình tương tự. Lần này, họ đã bị cảnh sát biển Nga ngăn chặn bằng các biện pháp quyết liệt như đâm va, truy đuổi và nổ súng để buộc họ dừng lại và bắt cả người lẫn tàu.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết ba tàu chiến Ukraine lần này đã không xin phép cơ quan chức năng Nga trước khi đi qua eo biển Kerch và phớt lờ mệnh lệnh yêu cầu họ dừng lại. Cảnh sát biển Nga đã đưa cả ba tàu chiến về cảng Kerch và giam toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn để đưa ra tòa xét xử với tội danh xâm phạm lãnh hải Nga.

Ukraine phản đối quyết liệt hành động của Nga, khẳng định tàu chiến của họ chỉ đang thực hiện quyền tự do hàng hải và cho rằng các thủy thủ của họ là nạn nhân của một vụ tấn công bất ngờ. Kiev nói rằng với việc nổ súng vào tàu chiến Ukraine, phía Nga đã vi phạm hiệp ước được hai nước ký vào tháng 12/2003 về việc sử dụng chung Biển Azov, trong đó quy định tàu bè dân sự và quân sự hai bên được tự do đi qua eo biển Kerch mà không bị cản trở.

Tuy nhiên, bình luận viên Nicolai Petro của The Nation cho rằng thỏa thuận năm 2003 gắn liền với Hiệp ước Hữu nghị được Nga và Ukraine ký năm 1997, nhưng Kiev đã đơn phương rút khỏi hiệp ước này vào tháng 9. Nhiều chuyên gia lúc đó cảnh báo rằng hành động này có thể hủy hoại vị thế pháp lý của Ukraine trong các cuộc tranh chấp ở biên giới với Nga.

Theo cây bút Lucian Kim của NPR, căng thẳng giữa Moskva và Kiev đã kéo dài suốt 4 năm rưỡi qua liên quan đến chiến sự ở miền đông Ukraine cũng như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, nên sự cố bùng phát trên Biển Đen hôm 25/11 không phải do tình cờ. Với Ukraine, việc để tàu thuyền của họ tự do ra vào Biển Azov không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn vì lợi ích kinh tế và chiến lược. Còn với Nga, những hành động mang tính thách thức của hải quân Ukraine vốn yếu hơn họ rất nhiều là điều không thể chấp nhận được.

coi nguon cang thang tren bien giua nga va ukraine
Eo biển Kerch là cửa ngõ duy nhất để hải quân Ukraine tiến vào Biển Azov. Đồ họa: Mapbox.

Dù Tổng thống Ukraine cảnh báo về "chiến tranh toàn diện với Nga" và kêu gọi NATO điều tàu chiến đến Biển Azov, Kim cho rằng cả hai nước sẽ không để căng thẳng trên biển leo thang thành chiến tranh. Mục đích của Nga khi hành động một cách quyết liệt nhằm truy bắt tàu chiến Ukraine hôm 25/11 chỉ là nhằm thể hiện với Kiev rằng việc họ sáp nhập bán đảo Crimea là không thể đảo ngược.

Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã nhanh chóng cho xây dựng cây cầu dài hơn 18 km nối lục địa Nga với bán đảo này. Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 5 đích thân khánh thành cây cầu Crimea, công trình giúp bán đảo Crimea được "đổ bê tông" vào với phần còn lại của nước Nga theo đúng nghĩa đen.

Cây cầu trở thành biểu tượng cho chủ quyền của Nga đối với Crimea, trong khi nhịp chính giữa cầu trở thành luồng hàng hải duy nhất nối giữa Biển Đen và Biển Azov. Để ngăn chặn ba tàu chiến Ukraine băng qua eo biển này, Nga chỉ cần bố trí một tàu chở dầu chắn ngang nhịp chính này, phong tỏa hoàn toàn Biển Azov.

coi nguon cang thang tren bien giua nga va ukraine
Thủy thủ tàu chiến Ukraine (giữa) bị đặc nhiệm Nga dẫn ra khỏi tòa án ở Crimea hôm 28/11. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, cảng Mariupol của Ukraine bên bờ Biển Azov lại là đầu mối xuất khẩu ngũ cốc và thép quan trọng của nước này. Giới chức Ukraine nhiều lần cáo buộc cảnh sát biển Nga cố tình gây khó dễ cho các tàu hàng di chuyển trên Biển Azov với những cuộc kiểm tra kéo dài nhiều giờ, nhưng Moskva bác bỏ, nói rằng họ kiểm tra phương tiện theo quy định và không chỉ áp dụng riêng với tàu Ukraine. Kiev sau đó tuyên bố kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân ở Berdyansk trên Biển Azov.

"Mục đích của Nga là chiếm toàn bộ Biển Azov như những gì họ đã làm với Crimea. Đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chúng tôi không thể chấp nhận điều đó", Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói với tờ Washington Post hồi tháng 9. "Chúng tôi có địa vị pháp lý rất rõ ràng ở Biển Azov. Nga không có quyền tấn công hay chặn tàu chúng tôi".

Sau khi hai tàu chiến Ukraine băng qua cầu Crimea để tới Biển Azov vào tháng đó, ông Poroshenko cảm ơn các thủy thủ vì đã "thi hành mệnh lệnh một cách hoàn hảo" và tuyên bố sẽ biên chế hai chiến hạm này cho căn cứ hải quân mới. Vài ngày sau, Poroshenko bay tới Baltimore để tiếp nhận hai tàu tuần tra loại biên của Tuần duyên Mỹ và sẽ được chuyển cho Ukraine vào năm sau.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea, hải quân Ukraine ước tính họ mất ít nhất 80% năng lực tác chiến, bởi các căn cứ quan trọng nhất đều nằm trên bán đảo này. Việc bị Nga bắt hai tàu pháo thiết giáp là một đòn giáng nặng nề với họ, bởi hải quân Ukraine chỉ có vỏn vẹn 6 tàu pháo lớp Gyurza-M như vậy trong biên chế.

coi nguon cang thang tren bien giua nga va ukraine
Hai tàu pháo lớp Gyurza-M và tàu kéo (phải) của hải quân Ukraine bị Nga giữ tại cảng Kerch. Ảnh: TASS.

Poroshenko gọi đây là "bước xâm lược mới" của Nga nhằm giải thích cho đề xuất thiết quân luật của mình. Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Ukraine vấp phải nhiều chỉ trích của phe đối lập, khi họ cho rằng đây chỉ là "chiêu trò chính trị" của Poroshenko nhằm tăng cơ hội tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2019.

Việc Poroshenko liên tục hối thúc Mỹ, NATO và các nước châu Âu phản ứng mạnh mẽ hơn với hành động của Nga cho thấy Kiev dường như muốn thu hút sự chú ý của cả thế giới, đặc biệt là Washington, nhằm giúp họ đối phó với người láng giềng khổng lồ.

Tuy nhiên, lãnh đạo NATO, EU và Đức cũng chỉ lên tiếng phản đối việc Nga nổ súng bắt tàu chiến Ukraine mà không đề cập đến bất cứ hành động trên thực địa nào để phản ứng. Tổng thống Mỹ Donald Trump thì không trực tiếp chỉ trích Nga mà chỉ tuyên bố ông có thể hủy cuộc gặp với Putin bên lề hội nghị G20 sắp diễn ra. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton không còn đề cập gì đến việc hủy cuộc gặp này, cũng không có thêm lời lẽ chỉ trích Nga vì sự cố trên eo biển Kerch.

coi nguon cang thang tren bien giua nga va ukraine Ukraine kêu gọi NATO điều tàu đến Biển Azov

Ukraine gọi chính sách của Putin là "hung hăng" và kêu gọi phương Tây cùng nhau hỗ trợ họ trong phản ứng với Nga.

coi nguon cang thang tren bien giua nga va ukraine TT Putin nói vụ nổ súng bắt tàu Ukraine là \'hợp pháp\'

Trong phát biểu dài đầu tiên kể từ vụ va chạm trên biển giữa Nga và Ukraine ngoài khơi Crimea, ông Putin nói vụ việc ...

/ VnExpress