Chiến tranh biên giới phía Bắc, cải cách ruộng đất cùng nhiều "khoảng trống" khác sẽ được bổ sung trong chương trình Lịch sử phổ thông mới.
Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới - GS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển), cho biết sẽ có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành.
- Chương trình môn Lịch sử hiện nay còn có nhiều "khoảng trống" chưa được nhắc đến. Điều này sẽ thay đổi thế nào ở chương trình mới, thưa giáo sư?
GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới. Ảnh: Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.
- Chương trình Lịch sử mới được xây dựng trên quan điểm không có gì không thể nói và không được nói, vấn đề là trình bày sao cho khoa học, nhân văn, tiến bộ. Những chuyện trong quá khứ, vì lý do nào đó trước đây chúng ta né tránh hoặc chưa dạy thấu đáo, giờ đều có thể được đưa vào, sao cho phù hợp với năng lực nhận thức và tâm lý lứa tuổi của học sinh.
Tôi không nói sẽ bù đắp hết tất cả khoảng trống của lịch sử vì đó là điều không thể. Lịch sử cũng giống như các khoa học khác, sự khám phá sẽ là vô cùng, vô tận. Nhưng chúng ta sẽ cố gắng nói hết, giúp học sinh tìm hiểu tất cả vấn đề lịch sử trên tinh thần khoa học, hướng tới hòa giải nhân văn, nhân bản.
Ví dụ, nhất định phải dạy về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, về lịch sử đấu tranh của dân tộc nhằm bảo vệ và thực thi chủ quyền đó, chẳng hạn các cuộc hải chiến Hoàng Sa (1974), trận Gạc Ma bảo vệ Trường Sa (1988).
Trong lịch sử chiến tranh vệ quốc của Việt Nam, không thể không tìm hiểu về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam (1975-1978), chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc (1979-1989). Các vấn đề như sự du nhập đạo Phật, đạo Cơ đốc vào Việt Nam; xã hội phong kiến định kiến nặng nề với người phụ nữ; những sai lầm trong cuộc Cải cách ruộng đất và việc sửa sai (1953-1956); những khó khăn, khuyết điểm của thời kỳ bao cấp (1976-1986)… cũng sẽ được đề cập đến.
- Chiến tranh biên giới phía Bắc được nhắc tới với 11 dòng trong sách giáo khoa hiện tại. Vậy, ở chương trình mới, sự kiện này sẽ được đề cập như thế nào?
- Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc chúng ta lảng tránh bao lâu nay trong khi Trung Quốc vẫn dạy học sinh của họ rằng đây là cuộc "phản Việt phòng vệ", vu cho Việt Nam phản bội, xâm lược. Thực tế,
Trung Quốc đã đưa 600.000 quân tiến vào lãnh thổ nước ta ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc.
Chiến tranh biên giới Việt Trung 1979 (xem chi tiết)
Cuộc chiến tranh nào cũng có đổ máu và chiến tranh biên giới phía Bắc đã làm chết rất nhiều người. Thế hệ đi sau, tôn vinh và biết ơn những người đã khuất để bảo vệ tấc đất biên cương của Tổ quốc. Chúng ta cũng cần rút ra những bài học từ cuộc chiến tranh này, để “dập tắt muôn đời chiến tranh”, để nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc được sống trong hòa bình, hợp tác, hữu nghị.
Như vậy, không có gì nhạy cảm, không thể dạy ở sự kiện lịch sử này. Chúng tôi đưa cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) vào chương trình mới theo tinh thần của lịch sử là hướng tới tính nhân văn, nhân bản, không khơi sâu thêm hận thù, ghi công hay luận tội ai trong quá khứ.
Chương trình cũng sẽ đề cập đến sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc với Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong 25 năm từ 1950 đến 1975, Trung Quốc đã chi viện cho Việt Nam rất nhiều vũ khí, lương thực. Chúng ta biết ơn sự tương trợ quý báu này.
- Cải cách ruộng đất năm 1954 sẽ được đề cập như thế nào trong chương trình mới, thưa giáo sư?
- Thực tế là không có văn bản nào của Nhà nước cấm nhắc tới cuộc Cải cách ruộng đất năm 1954, nhưng trước đây nhiều nhà sử học tự né tránh vì không biết nói thế nào cho đúng, cho không "nhạy cảm".
Chương trình Lịch sử mới sẽ dạy học sinh sự thật đã có một cuộc Cải cách ruộng đất năm 1954, nhưng đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có cuộc cải cách ruộng đất.
Từ thời xưa, ruộng đất đã là tài nguyên quan trọng nhất vì nước ta là nước nông nghiệp. Ruộng đất là của toàn thể cộng đồng Việt Nam nhưng quyền sở hữu tối cao thuộc về nhà vua. Vua không trực tiếp chia ruộng đất cho dân mà giao làng xã thực hiện. Cứ 3, 5 hoặc 7 năm làng xã lại chia công điền, công thổ cho dân đinh, để đảm bảo người chết đi được thu lại ruộng, người mới sinh ra có đất làm ăn. Chỉ những nhà vua thiếu trách nhiệm mới không chú ý việc này dẫn đến dân xiêu tán và khởi nghĩa, triều đình sụp đổ. Nói rõ như thế, học sinh sẽ hiểu cuộc cải cách ruộng đất năm 1953-1956 là chuyện bình thường, có cả khía cạnh tiếp nối những gì đã có trong lịch sử.
Trước cải cách ruộng đất năm 1954, hình ảnh nông dân kéo cày thay trâu rất phổ biến trong xã hội phong kiến. Ảnh tư liệu.
Chương trình mới cũng đề cập thời kỳ Đảng lãnh đạo cách mạng là sau 80 năm Việt Nam bị thực dân Pháp thống trị. Ở chế độ này, ruộng đất không được chia theo lệ xưa mà đã bị địa chủ, cường hào chiếm đoạt gần hết. Thế nên mới có chuyện như chị Dậu (nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Tắt đèn, tác giả Ngô Tất) phải khốn khổ đến nỗi bán con Tý cho địa chủ, để con bé bị bắt ăn cơm chung với chó. Trong bối cảnh như thế, việc cải cách ruộng đất với mục tiêu người cày có ruộng của Đảng là đúng đắn và ta làm cơ bản thành công.
- Còn những mặt trái của cuộc cải cách ruộng đất thì sao?
- Chương trình mới cũng đề cập những cái sai trong cải cách ruộng đất khi mang ra đấu tố, biến biện pháp kinh tế thành đấu tranh chính trị, rồi máy móc, cực đoan quy nhầm địa chủ, khiến không ít người bị chết oan. Sau đó, Đảng đã nhận thức ra và sửa chữa lỗi lầm này. Chủ tịch Hồ Chí Minh rơi nước mắt khi nói về những sai lầm trong cải cách ruộng đất.
Bài học từ cuộc cải cách ruộng đất năm 1953-1956 sẽ giúp thế hệ ngày nay khi làm kinh tế phải biết đến tính nhân văn, nhân bản để ổn định phát triển. Từ sự kiện trong quá khứ, người dạy có thể liên hệ với hiện tại, như nhắc chuyện sai phạm dẫn đến phá rừng gây lũ quét hay các tai biến môi trường làm bức xúc xã hội… Như thế, sự giáo dục và định hướng học sinh sẽ mang tính hiệu quả và thực tiễn hơn, thức tỉnh ý thức công dân trong học sinh.
“Ly dị” môn Văn: Bỏ thi Văn, học sinh hò reo hơn bỏ Sử?
Nếu giả sử môn Ngữ văn không phải là môn học bắt buộc, điều gì sẽ xảy ra? Liệu số phận của nó có như ... |
Từ việc bỏ thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử: Nền giáo dục Việt Nam đang sụp đổ?
Phải chăng nền giáo dục Việt Nam đã “sụp đổ”. Không thể dùng từ nào khác thay cho từ “sụp đổ” này, bởi lẽ khi ... |
https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/chuong-trinh-mon-lich-su-moi-se-khong-co-vung-cam-3665311.html