Xã hội bây giờ có nhiều thay đổi. Ngành Giáo dục cũng đang có quá nhiều vấn đề. Nhưng nguy hiểm nhất, đáng lo sợ nhất đó là đạo lý thầy trò, truyền thống tôn sư trọng đạo đang bị xói mòn.
Khi viết những dòng này, trước mắt tôi lại hiện lên cảnh những ngày cách đây hơn bốn chục năm – đó là những ngày chúng tôi phải rời Hà Nội, về quê ở xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay được là Hà Nội đấy) sơ tán để tránh cuộc chiến chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Quê tôi – một vùng bán sơn địa, là nơi nghèo nhất huyện, nhất tỉnh Hà Tây ngày ấy bỗng trở thành "trung tâm văn hóa” lớn bởi Hội Nhà văn Việt Nam về sơ tán.
Và khỏi phải nói các thầy, cô giáo ở trường cấp II sung sướng thế nào khi được gặp những nhà văn, nhà thơ mà bấy lâu nay, chỉ được nghe, được đọc. Đó là Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Vũ Tú Nam, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Thị Thường, Võ Huy Tâm, Đỗ Quang Tiến, Phạm Hổ… Mà các thầy, cô không chỉ là được gặp mà còn được trò chuyện và được dạy học cho con các nhà văn.
Chúng tôi, học trò Hà Nội về quê nên nghịch ngợm cũng khác thường, hơn nữa, học hành cũng chẳng giỏi giang gì, cho nên làm các thầy, cô phiền lòng không ít. Nhưng vì ngại các nhà văn, cho nên chẳng ai nói tội lỗi của chúng tôi cho bố mẹ nghe cả. Nhưng giấu mãi cũng chẳng được, chuyện con các nhà văn học dốt, hay đi lấy trộm quả mận làm đạn bắn súng cao su, câu cá trộm, thậm chí chuyện tôi lẻn cả vào nhà cụ Quản Phất (thân sinh của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội hiện nay) ăn cắp trứng vịt mang ra đồng nướng… cũng bị lộ. Nhà trường đành mời phụ huynh học sinh Hà Nội – toàn các nhà văn – lên họp. Và chúng tôi cũng phải đi theo.
Nhà văn Vũ Tú Nam dắt theo Vũ Huy, nhà văn Đỗ Quang Tiến dắt theo Đỗ Quang Huyên (anh Huyên sau đi bộ đội và đã hy sinh năm 1973); nhà văn Võ Huy Tâm dắt theo cô con gái là Võ Thị Tân và tay cầm vung vẩy một đoạn… roi tre. Con gái nhà văn Võ Huy Tâm cũng nghịch “rạch giời rơi xuống” và biết bơi trước cả bọn chúng tôi.
Thầy hiệu trưởng và thầy chủ nhiệm họp với các nhà văn, còn chúng tôi đứng ngoài run như giẽ. Rồi chả hiểu các thầy kể tội bọn chúng tôi như thế nào mà thấy nhà văn Võ Huy Tâm mở cửa quát: “Thằng Phong, thằng Huyên, thằng Huy, con Tân vào đây”.
Ông bắt chúng tôi xếp hàng rồi dúi vào tay thầy hiệu trưởng cây roi và nói: “Chúng tôi phải đi thực tế xa nhà, không dạy dỗ chúng nó đến nơi đến chốn được. Trăm sự nhờ các thầy. Chúng nó hư, các thầy cứ vụt thật lực. Người roi, voi búa, không có roi, không xong”.
Còn bố tôi (nhà văn Hoài An) lại nêu ra sáng kiến: “Chúng nó lười không học, các thầy cứ bắt nó quỳ vào gai mít. Mùa này sẵn mít”.
Thầy hiệu trưởng nhận cây roi và nói: “Các em nghe rõ cả chứ. Thầy sẽ vụt đấy”.
Nhưng chưa hết, tôi là thằng học dốt nhất nên phải đến ở chung với thầy chủ nhiệm để thầy kèm cặp. Thế là sáng đi học, trưa về nhà ăn cơm, chiều đến thầy dạy, chiều về ăn cơm, tối lại đến và ngủ cùng thầy. Nhờ thế mà năm ấy tôi được lên lớp 6. Còn thầy hiệu trưởng, từ đó, đi đâu cũng vung vẩy cây roi. Nhưng chưa bao giờ thầy vụt đứa nào cả.
Thực sự thì học trò cũng không ít đứa ăn đòn. Chuyện viết chữ xấu, viết bẩn bị thầy dùng thước kẻ vút vào bàn tay, hay bị cốc đầu vì tội nói chuyện riêng… là bình thường. Hầu như ngày nào cũng có đứa bị. Nhưng tuyệt nhiên không đứa nào dám có thái độ hỗn láo với thầy cô, và chưa có phụ huynh nào thắc mắc về chuyện ấy.
Buổi tối, các thầy cô còn chia nhau đi đến từng nhà học sinh để kiểm tra xem chúng tôi có ngồi ở góc học tập hay không?
Tết đến, bố tôi đưa cho tôi một chiếc bánh chưng, một gói chè Hồng Đào và một bao thuốc lá Tam Đảo để tôi mang lễ Tết thầy.
Nghỉ hè, các thầy về quê, trường vắng hoe và đó là lúc chúng tôi nhớ thầy cô da diết.
Ngày ấy, trường tôi học, toàn các các thầy từ xa đến nên sống cũng kham khổ lắm. Các thầy cũng phải trồng rau, cũng được hợp tác xã chia cho vài sào ruộng và cũng đi cấy hái. Mùa gặt thì có học trò đến giúp… Rồi có thầy lên đường nhập ngũ. Và mấy tháng sau, thầy hy sinh. Nhà trường làm lễ truy điệu. Chiếc thuyền thúng được úp xuống giữa sân, phủ lá cờ lên để làm mộ… Học sinh chúng tôi khóc như mưa như gió…!
Xã hội bây giờ có nhiều thay đổi. Ngành Giáo dục cũng đang có quá nhiều vấn đề. Nhưng nguy hiểm nhất, đáng lo sợ nhất đó là đạo lý thầy – trò, truyền thống tôn sư trọng đạo đang bị xói mòn.
Cũng có một bộ phận thầy, cô giáo đang phải kiếm tiền bằng cách dạy thêm, hoặc bằng cách này cách khác; cũng có những thầy giáo không xứng là thầy… Nhưng đâu có phải chỉ người thầy mới tiêu cực? Khối quan chức cao cấp cũng vào tù ra tội? Khối ông cả bà lớn cũng mắc vòng lao lý; đụng đến nghề nào, ngành nào mà chẳng có những “con sâu làm rầu nồi canh”?
Nhưng số đó chắc chắn chẳng nhiều. Nhưng mấy ai nghĩ đến các thầy cô “cõng chữ” lên non, những thầy cô phải bơi qua sông đi dạy học; phải đến từng gia đình vận động họ cho con đi học; phải nhường cơm sẻ áo cho học sinh… Và mấy ai đã biết đôi câu đối buồn thê thảm cho nghề dạy học:
“Phấn trắng, giấy trắng bàn tay trắng/ Bảng đen, mực đen, cuộc đời đen!”.
Chỉ cay đắng một điều là mỗi khi có thầy, cô nào mắc sai phạm, thì bị bêu riếu một cách tàn nhẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí có những kẻ điên rồ đã nghĩ ra ý tưởng là cho học sinh bỏ phiếu nhận xét thầy, cô giáo. Không hiểu họ nghĩ thế nào về việc con trẻ đi học, gọi Thầy, Cô và xưng là Con… Có nghĩa là thầy cô như cha mẹ. Vậy mà có con cái nào lại bỏ phiếu bình xét cha mẹ?
Từ cách đây hàng ngàn năm, Quản Trọng, người giúp Tề Hoàn Công làm nên nghiệp bá đã đúc kết: “Phi công bất phú/ Phi nông bất ổn/ Phi thương bất hoạt/ Phi trí bất hưng” – nghĩa là: Không có công nghiệp thì không giàu có, không có nông nghiệp thì xã hội sẽ loạn; không có thương nghiệp mở mang giao thương thì nền kinh tế trì trệ và không có tri thức thì đất nước không hưng thịnh.
Các thầy, cô giáo là những người mang trí tuệ, kiến thức cho mọi người, vậy cần phải được tôn trọng, đãi ngộ xứng đáng.
Cho nên xin các phương tiện thông tin đại chúng đừng có làm tổn thương đến các thầy, cô giáo.