Tòa án nhân dân TP Hà Nội đang xét xử 36 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi”.
Tại phiên xét xử, giám định viên liên tục nhấn mạnh “giật mình” khi “nội soi” nguyên vật liệu và phương thức thi công dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Rõ ràng, từ khâu thi công, giám sát, nghiệm thu công trình đều được xây dựng và vận hành chặt chẽ, khoa học nhưng công trình với chất lượng không đảm bảo vẫn được thông qua các khâu.
Giám định viên giật mình khi “nội soi” vật liệu làm đường
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được kỳ vọng là con đường huyết mạch nối các tỉnh, thành khu vực miền Trung, nhất là các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139 km. Theo giới chuyên môn, tuyến cao tốc được thiết kế có tính toán dự báo giao thông là >=20 năm, trong đó thời hạn tính toán cho mặt đường là >=10 năm.
Thế nhưng, chỉ sau 2 năm đưa vào khai thác, quãng đường dài 65 km từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã có tới 380 điểm hỏng, tức trung bình cứ 170 m thì có một điểm hư hại. Chất lượng thi công các gói thầu đều không đạt, dù vậy chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan vẫn nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 800 tỉ đồng. Đây cũng là con số thiệt hại của vụ án.
Liên quan đến những sai phạm, 36 bị cáo cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó có các bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào (hai cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC), Hoàng Việt Hưng (Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi)... cùng 33 bị cáo khác nguyên là cán bộ, kỹ sư đơn vị tư vấn, giám sát.
Kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng thuộc giai đoạn I của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án. Rất nhiều đơn vị từ chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công cho đến tư vấn, giám sát đều không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, tổ chức thi công, nghiệm thu hạng mục, nghiệm thu công trình. Tại phiên xét xử, trả lời câu hỏi của HĐXX, nhiều bị cáo cho rằng đã “giật mình” khi đọc nội dung kết luận giám định. Đồng thời, bao biện cho rằng, kết luận giám định về chất lượng tuyến cao tốc có nhiều vấn đề. Bởi, đặc thù công trình giao thông không giống các công trình khác, với trình độ của các đơn vị nhà thầu tại Việt Nam thì không thể yêu cầu vị trí nào chất lượng cũng như nhau. Thực tế từ các dự án, khi còn thời gian bảo hành, nhà thầu có thể sửa chữa các vị trí gặp hư hỏng trong phạm vi cho phép (!?).
Tuy nhiên, có mặt tại tòa, giám định viên của Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam nhiều lần khẳng định, quá trình thực hiện giám định diễn ra khách quan, độc lập, bảo đảm tính chính xác. Giám định viên trả lời tỉ mỉ từng câu hỏi của các bị cáo và luật sư. Vị này chỉ rõ từng khâu thi công của tuyến cao tốc không đạt yêu cầu, từ việc sử dụng nguồn đá kém chất lượng, lớp đá và nhựa không có sự bám dính vào nhau, nhiều vị trí vật liệu bị nứt, vỡ, cho đến những khu vực không có lưới chống nứt... Không chỉ nói, giám định viên còn nhiều lần đưa ra các hình ảnh ghi nhận thực tế từ quá trình giám định để chứng minh cho lời mình.
Giám định viên phản bác ý kiến của các bị cáo và luật sư khi cho rằng “chọn vị trí xấu” để lấy mẫu giám định, bởi việc lấy mẫu hoàn toàn dựa trên xác suất ngẫu nhiên, thậm chí “chỗ nào hư còn né ra”. Ông ví dụ về quy trình giám định cấp phối đá dăm. Theo quy định, các đơn vị phải khai báo chất lượng đá theo từng mỏ, nếu có phối trộn thì phải đăng ký và kiểm soát chất lượng. Thế nhưng, thực tế có tới 4 loại đá khác nhau nhưng không có hồ sơ nào thể hiện việc kiểm soát chất lượng khi trộn chúng với nhau. Điều này khiến giám định viên “giật mình”.
Tương tự, về vấn đề sử dụng chất phụ gia nhằm cải thiện khả năng dính bám của đá với nhựa, hồ sơ cũng không có tài liệu nào chứng minh chất phụ gia đó khi trộn vào thì có đồng đều ở tất cả vị trí trên toàn tuyến cao tốc hay không, phát huy hiệu quả ra sao, càng không thấy việc thử nghiệm, chứng minh nhựa sau khi cho phụ gia có tác dụng hay không... Vẫn theo lời giám định viên, kết quả kiểm tra cả tuyến cho thấy độ dính bám không phát huy, nhựa không bám dính vào đá. “Các anh có giật mình không khi lớp vật liệu rỗng như thế này và nó không bọc nhựa? Vật liệu rất rời rạc, vậy thì chịu lực làm sao được, các anh ngạc nhiên chưa và sẽ còn rất nhiều điều ngạc nhiên...”.
Tiếp đó, giám định viên cũng chứng minh tại một số vị trí trên tuyến cao tốc thể hiện vật liệu bị nứt, vỡ, nguy hiểm hơn là không có lưới chống nứt... Thậm chí, sau khi khoan, giám định viên cho vòi nước chảy xuống vị trí khoan thì nước rút hết ngay sau đó, cho thấy “móng rỗng đến như thế là sao?”.
Nghiệm thu kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”
Kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với tất cả bảy gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn 1 đều không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án. Dù các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan vẫn nghiệm thu, thanh toán hơn 800 tỉ đồng.
Trong quá trình thi công, nghiệm thu, các bên liên quan không thực hiện đo nghiệm thu cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, không đo hệ số thấm của lớp bê tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình xây dựng sau khi thi công. Từ đó dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng nhưng đã ký nghiệm thu, đề nghị đưa công trình vào khai thác sử dụng. Đặc biệt, VEC, BQL dự án và các đơn vị liên quan không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cả 7 gói thầu đều sử dụng đá không đạt chất lượng để làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa các loại.
Phát biểu quan điểm tại phiên xét xử, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, các bị cáo trong vụ án đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, dẫn đến việc cho tổ chức thi công, nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành không đảm bảo chất lượng. Mặc dù các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã nghiệm thu, thanh toán hơn 811 tỉ đồng cho các đơn vị thi công dự án.
Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào với vai trò là Phó Tổng Giám đốc VEC phụ trách dự án, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quá trình tổ chức thực hiện thi công xây dựng dự án, đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án nên đã cho tổ chức thi công các hạng mục công trình dự án nhưng không có giải pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, dẫn đến các hạng mục công trình thi công hoàn thành đã không được thi công, nghiệm thu đúng quy định, chất lượng công trình hoàn thành không đảm bảo nhưng đã ký các hồ sơ thanh toán, các biên bản nghiệm thu hoàn thành, báo cáo gửi cơ quan chức năng đánh giá chất lượng công trình xây dựng đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án. Thực tế các hạng mục công trình hoàn thành không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi vận hành khai thác.
Trong khi, quá trình thi công, nghiệm thu, các bị cáo ở BQL dự án và các đơn vị liên quan đã không thực hiện đo nghiệm thu cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu thi công hoàn thành, đo hệ số thấm của lớp bê tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình xây dựng sau khi thi công, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng nhưng đã ký nghiệm thu, đề nghị đưa công trình vào khai thác sử dụng. Dẫn đến thiệt hại của vụ án là số tiền hơn 811 tỉ đồng. Đây là giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu nhưng vẫn được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán. Hậu quả từ hành vi của các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng, luật sư bào chữa và các bị cáo đưa ra những lời biện hộ cho hành vi của mình. Có gì biện hộ, khi sự tắc trách, hành vi vi phạm của các bị cáo dẫn đến tuyến đường huyết mạch, mang bao kỳ vọng của Nhà nước, của Nhân dân để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế của các tỉnh, thành miền Trung nói riêng và cả nước nói chung vẫn hằng ngày bị bào mòn, hư hỏng, được sửa chữa một cách “vá víu”. Hậu quả thiệt hại kèm theo hệ lụy có phải chỉ dừng lại ở con số thiệt hại được tính toán?
Ngoài 36 bị cáo đang bị xét xử, nhiều bị cáo được xác định có trách nhiệm liên quan nhưng đã được cơ quan điều tra tách vụ án. Trong đó, cơ quan tố tụng nhận định ông Mai Tuấn Anh (cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng Giám đốc VEC) và ông Trần Văn Tám (cựu Tổng Giám đốc VEC) cũng được xác định có liên quan đến quá trình thực hiện giai đoạn 2 của dự án.
Cũng theo cơ quan tố tụng, đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bên thi công (bên B) tại gói thầu số 2 và số 6 dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là các gói thầu có liên danh với nhà thầu quân đội để thi công, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định tách vụ án hình sự để Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng thụ lý điều tra theo quy định.
Kim Sa
Vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Những băn khoăn về xử lý thiệt hại |
Xét xử vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Cựu Phó TGĐ VEC bị đề nghị 7-8 năm tù |