- Bộ GTVT đồng thuận khép kín đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh bằng vốn đầu tư công
- Thủ tướng thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công
- Nhiều bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp
Đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng lớn nhất hiện nay nhưng lại xảy ra tình trạng giải ngân chậm.
Chia sẻ với VTC News, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, cho rằng việc giải ngân chậm vốn đầu tư công thời gian qua do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giá vật liệu xây dựng tăng cao, việc giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án chậm trễ, nhà thầu thi công hạn chế về năng lực. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư còn hạn chế trong chỉ đạo điều hành. Người đứng đầu các cơ quan thiếu quyết liệt, chưa chủ động.
“Nói chung việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhưng quan trọng nhất là công tác chuẩn bị dự án rất kém, mang tính hình thức. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thật sự coi việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên thiếu đôn đốc”, ông Thịnh nói.
Chuyên gia cho rằng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm như giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách, con người, dự án dàn trải, dịch COVID-19... Nổi cộm trong đó là việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch.
Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Người đứng đầu một số bộ ngành, địa phương khi thiếu quyết liệt, có phần đùn đẩy, né tránh. Thậm chí, gần đây có tình trạng sợ trách nhiệm trong thực thi giải ngân nguồn vốn dự án đầu tư công.
“Rất nhiều nguyên nhân đã tồn tại trong thời gian dài. Trong đó có những căn bệnh kinh niên kiểu đầu năm không vội vã, cuối năm tất tả”, ông Thành nói.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), cũng chỉ ra 3 nguyên nhân chủ yếu khiến giải ngân vốn đầu tư công gần đây không đạt mục tiêu.
Thứ nhất là bởi Chính phủ mới, nhiều chức danh mới, cần thời gian ổn định tổ chức do người mới đến nhậm chức dè dặt.
Thứ hai, cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ gần đây cũng khiến các đơn vị cẩn trọng, dè dặt, công khai, minh bạch hơn. Mỗi chữ ký đều phải có chuẩn y xác nhận, phải có phản biện, tham vấn, tư vấn cho chắc chắn, nên mặc dù có thúc đẩy nhưng vẫn chậm.
Và cuối cùng, khung pháp luật liên quan đầu tư công còn nhiều vấn đề tồn tại.
"Luật Đất đai có rất nhiều điểm lý giải thuận cũng được, mà lý giải không thuận thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm", ông Doanh nói và cho biết tới đây, một trong những vấn đề mà Quốc hội sẽ phải xem xét là Luật Đất đai.
Làm rõ trách nhiệm
Theo TS Lê Đăng Doanh, đầu tư công là “nền”, giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy đầu tư của xã hội. Đầu tư công hiệu quả sẽ có kết cấu hạ tầng tốt. Ngược lại, nguồn vốn này chậm chạp nền kinh tế sẽ bị kìm hãm.
Đánh giá tầm quan trọng của đầu tư công với tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm, thúc đẩy an sinh xã hội, Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch COVID-19. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biện pháp, giải pháp cụ thể và chế tài mạnh mẽ trong triển khai thực hiện.
Nhưng theo ông Doanh, thời gian qua dù được thúc giục rất nhiều song tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm chạp. “Những địa phương, bộ ngành chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ nói chung chung sẽ không thể nêu cao tinh thần trách nhiệm”, ông Doanh nói.
Theo TS. Võ Trí Thành, thực tế cho thấy, nhiều địa phương, bộ ngành thời gian qua còn trì trệ, không quyết tâm vào cuộc tháo gỡ khó khăn bất cập trong giải ngân vốn các dự án đầu tư công.
"Một số địa phương đề nghị được bố trí vốn để đầu tư phát triển, nhưng khi nhận được vốn xong lại không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn, vẫn còn đọng một lượng vốn rất lớn chưa giải ngân", ông Thành nói.
Lời giải bài toán khó
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, một trong những yếu tố quyết định tiến độ và hiệu quả của đầu tư công là tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.
Thực tế cho thấy cùng một thể chế, cùng một chính sách như nhau, nhưng có những địa phương, có những ngành đã vượt qua được rào cản và khắc phục được những nguyên nhân về thể chế, khách quan, chủ quan… để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Từ đó, chuyên gia này cho rằng cần rút ra bài học từ những địa phương, từ những ngành đã giải ngân tốt và đưa những kinh nghiệm đó, chuyển ngay những kinh nghiệm đó cho các địa phương khác.
“Ở đâu có vốn thì ở đấy phải triển khai thật nhanh, thật đúng tiến độ và giải ngân hết bởi vì mỗi một đồng vốn đầu tư công vào là tạo ra lợi ích rất nhiều cho nền kinh tế và chính lợi ích của địa phương, của ngành đó”, TS. Cung nói.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng để nâng cao năng lực hấp thu vốn trong nền kinh tế, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch, ngoài có tiền cần phải hoàn thiện khung khổ pháp luật. Đặc biệt phải tạo điều kiện để cho người có quyền quyết định chấp nhận rủi ro, chấp nhận sự mạo hiểm.
“Chúng ta nhớ thời kỳ đổi mới, rất nhiều doanh nghiệp, địa phương “xé rào”, vượt ra khỏi khung khổ pháp luật, và đạt được nhiều thành tựu. Đấy là các cử chỉ rất đáng hoan nghênh. Tôi nghĩ giờ phải tạo khung khổ pháp luật, làm sống lại không khí đổi mới, sáng tạo. Thế giới đã thay đổi rất nhanh, chúng ta cứ giữ khung khổ cũ sẽ không tiến lên được”, ông Doanh nói.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh, bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cần tháo gỡ các rào cản, vướng mắc và phải tạo ra được động lực sáng tạo. Việc đòi hỏi minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát, tham nhũng trong đầu tư công là cần thiết, nhưng sẽ tốt hơn nếu gắn được với câu chuyện phát triển.
“Việc bịt lỗ rò, giảm thiểu tiêu cực là tốt, nhưng quan trọng không kém là phải tạo ra được động lực, sự phát triển. Tức là chống thất thoát, tham nhũng nhưng phải tạo ra động lực cho phát triển”, ông Thành nói thêm.
Tuy nhiên theo ông Thành, trong thực thi cần “công khai, minh bạch, cần sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh những hệ luỵ tiêu cực như đã từng xảy ra trong giai đoạn kích cầu trước đây”.
Để giải bài toán chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công một cách triệt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cho rằng cần đề cao vai trò lãnh đạo bộ, ban, ngành, địa phương. Người đứng đầu các cơ quan phải quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Đồng thời nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành.
“Nếu bộ, ngành nào tiếp tục chậm trễ trong giải ngân vốn phải cắt, chuyển vốn cho đơn vị có trách nhiệm, đang cần vốn để sử dụng vốn hiệu quả hơn”, ông Thịnh nói.
https://vtc.vn/von-dau-tu-cong-dieu-gi-khien-giai-ngan-cham-den-vay-ar674917.html