“V.League đặc biệt” ngột ngạt vì không thể khác biệt

V.League 2022 chưa xong, V.League 2023 đã lên xong kế hoạch và phương thức tổ chức thi đấu. Theo đó, quyền lợi của các đội tuyển quốc gia, trong đó có ngay cả U19 đã khiến cho giải đấu năm sau bị cắt xén quỹ thời gian rất nhiều.

Một V.League chuyển giao

Gọi V.League 2023 đặc biệt cũng đúng. Bởi đó sẽ là giải đấu cuối cùng mà V.League tồn tại khái niệm năm thi đấu gắn liền. Sau V.League 2023, VPF và VFF quyết định tạo nên cuộc cách mạng. Thuật ngữ mùa giải như cái cách mà giới truyền thông vẫn hay sử dụng một cách vô tội vạ đối với giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ được xuất hiện đúng với bản ngã của nó. Khởi đầu ngay mùa đông 2023, tức là đúng 1 năm sau, mùa giải khởi đầu cho sự đột phá của bóng đá Việt Nam mang tên V.League 2023/24 sẽ đi vào hoạt động.

ảnh-1.jpg -0
V.League 2023 sẽ là giải đấu cuối cùng diễn ra gói gọn trong 1 năm của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Tất nhiên, để có được mùa giải chuyên nghiệp theo cách vận hành thời gian đúng chuẩn quốc tế và phù hợp với thị trường chuyển nhượng tại nhiều CLB châu Âu nói riêng và thế giới nói chung, VFF và VPF chấp nhận để V.League 2023 diễn ra trong một khoảng thời gian khiêm tốn, ngắn ngủi với tốc độ gấp gáp.

Thực tế, về lý thuyết, V.League 2023 sẽ diễn ra với tổng thời lượng 8 tháng, từ tháng 1 đến 30/8/2023. Nhưng giải đấu lại chịu áp lực rất lớn bởi một lịch thi đấu dày đặc của các đội tuyển quốc gia, từ đội trẻ cho đến đội 1. Đại diện VPF cho biết, dựa trên thực tế kế hoạch thi đấu, mùa bóng này có quỹ thời gian khiêm tốn. Lý do là bởi trong giai đoạn tháng 3, 6, 9, 10, 11/2023 và tháng 3, 6/2024, ĐT Việt Nam sẽ tập trung và thi đấu trong khoảng 9-10 ngày. Ngoài ra, SEA Games 2023 dự kiến tổ chức từ 1/5 đến 16/5. Bên cạnh đó, VCK Asian Cup 2023 dự kiến tổ chức từ 16/6 đến 16/7/2023. Ngoài ra, vòng loại U23 châu Á 2024 sẽ diễn ra từ 4-12/9/2023, trước khi VCK U23 châu Á 2024 diễn ra từ 10-28/1/2024.

Cũng chính vì điều này mà VPF không còn cách nào khác là phải trở lại thời điểm cắt giảm giai đoạn thi đấu, giống như khi bóng đá Việt Nam trải qua biến cố dịch COVID-19 năm 2020 và 2021. Cụ thể, sau giai đoạn lượt đi, các đội sẽ tiến hành tách nhóm, chia hạng tranh chức vô địch và tranh suất trụ hạng. Ngoài ra, với vai trò là một giải đệm trước khi V.League tiến hành tổ chức vắt 2 năm kể từ cuối năm 2023 như định hướng của AFC, VPF đề suất sẽ chỉ có một suất xuống hạng và một suất từ hạng nhất lên sau mùa này.

Nhưng kế hoạch tổ chức V.League 2023 tiếp tục chịu thêm một biến cố phát sinh. U20 Việt Nam góp mặt ở VCK U20 châu Á 2023 tại Uzbekistan, trong giai đoạn tháng 3 năm nay. Phía VPF cho biết họ cũng đã phối hợp với VFF để tìm ra phương án cho lịch trình V.League 2023. Và câu chuyện đơn giản vẫn là… co kéo. Tức là, các CLB phải chấp nhận hy sinh thi đấu với mật độ dày hơn, có thể trung bình chỉ từ 3-4 ngày/trận nhằm hoàn thành 2 giai đoạn với 18-20 vòng đấu của mùa giải năm nay. Qua đó, V.League sẽ tránh bị “giẫm chân” với… U20 Việt Nam, qua đó các cầu thủ 19-20 tuổi có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho đội tuyển trẻ, với giấc mơ U20 World Cup.

Liệu có sự thay đổi ở V.League?

Vậy là V.League cuối cùng được diễn ra gói gọn trong năm cũng không có gì khác biệt so với những năm trước. Một V.League đặc biệt của năm 2023 cũng vẫn không thoát khỏi câu chuyện chung mà bóng đá Việt Nam vốn dĩ đã trải qua cả thập kỷ qua. Đó là quyền lợi các CLB khó có thể được đảm bảo khi bất cứ một đội tuyển, thậm chí là đội tuyển trẻ thi đấu giải châu Á.

Nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam thật sự khởi sắc ở các giải trẻ, từ cấp độ U19 đến U23. Tuy nhiên, bên lề mặt thành công ở cấp độ đội tuyển, V.League nói chung và các CLB cũng đã phải hy sinh rất nhiều và chịu phần thiệt về mình. Trong 2 năm gần đây, các CLB bắt đầu có những tiếng nói nhất định xoay quanh việc “nhả quân” cho đội tuyển trẻ, khi giải đấu không thuộc FIFA Day. Tuy nhiên, câu chuyện mới chỉ dừng lại ở phương diện các giải Đông Nam Á. Nhưng ở tầm châu Á, những CLB như Viettel, Hà Nội FC, HAGL hay Phố Hiến, SHB Đà Nẵng… vẫn cấp quân cho các đội tuyển trẻ.

Tất nhiên, V.League cũng “mở cửa” để các CLB đồng ý “nhả quân”. Bởi vốn dĩ ở thời điểm đó, giải đấu tại Việt Nam cũng sẽ… tạm nghỉ. Tuy nhiên, câu chuyện này đang đi ngược lại phát triển bóng đá chuyên nghiệp vốn đã hiện diện cả chục năm qua. Lấy đơn cử như Mbappe không phải rời PSG để thi đấu cho U20 Pháp tại U20 World Cup 2017. Marcus Rashford cũng chẳng thuyết phục để xin rời M.U nhằm giúp U20 Anh vô địch giải đấu năm ấy. Nhưng U20 Việt Nam khi tham dự U20 World Cup thì hội tụ đủ anh tài. Và tất nhiên, V.League cũng tạm thời gián đoạn nhằm tránh sự “giẫm chân” quyền lợi giữa CLB và đội tuyển trẻ quốc gia.

Thôi thì tặc lưỡi xem như đó là câu chuyện trăn trở của những kỳ V.League gói gọn trong năm. Câu hỏi đặt ra rằng khi V.League chuyển sang diện theo mùa, liệu giải đấu có phải “hy sinh” cho quyền lợi của ngay cả những đội tuyển trẻ như hiện giờ? Bởi thực tế, những giải trẻ cũng chẳng hề diễn ra trong mùa hè để mà V.League… tránh né.

Chuyện Quang Hải phải xin về đá AFF Cup

Câu hỏi Quang Hải có về thi đấu AFF Cup 2022 – một giải đấu vốn dĩ không thuộc FIFA Day nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Bởi vốn dĩ, Quang Hải là cầu thủ đặc biệt quan trọng của đội tuyển Việt Nam trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, thời điểm AFF Cup diễn ra lại trùng khớp với giai đoạn khá quan trọng ở giữa mùa giải của Pau FC, đội bóng nước Pháp mà Quang Hải thi đấu.

HLV Park Hang Seo thừa nhận việc Quang Hải trở về Việt Nam thi đấu AFF Cup 2022 là khá khó. Nhưng ông cũng khéo léo “chuyền quả bóng trách nhiệm” cho VFF và chính Quang Hải. Trong cuộc họp báo gần đây, ông Park hy vọng VFF sẽ làm việc với Pau FC tích cực hơn nữa, đồng thời hồ hởi nói rằng chính Quang Hải sẽ thuyết phục Pau FC tạm thời “nhả” anh để cống hiến cho ĐT Việt Nam tại AFF Cup, giải đấu mà vốn dĩ FIFA chưa thừa nhận trong lịch thi đấu chính thức cấp độ ĐTQG.

https://cand.com.vn/the-thao/v-league-dac-biet-ngot-ngat-vi-khong-the-khac-biet--i668756/

 

An Khánh / cand.com.vn