Thử nhìn lại 15 năm qua, nền văn hóa nước nhà đang trôi đi đâu, về đâu?
Ngày 9-5-2014, trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương cần đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng của tình trạng lạc hậu, ngoại lai về văn hóa, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng cách mạng, những tiêu cực, tệ nạn xã hội, thói giả dối, bệnh thành tích... đang có xu hướng lan rộng. Tập trung trả lời câu hỏi, phải chăng trong hơn 15 năm qua kinh tế nước ta có tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện, văn hóa, đạo đức xã hội lại có nhiều biểu hiện xuống cấp, thậm chí có mặt nghiêm trọng? Nếu đúng như vậy thì nguyên nhân vì sao? Vì chủ trương, chính sách, biện pháp chưa phù hợp hay vì nhận thức, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết chưa tốt, chưa nghiêm? Vì tác động mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế và sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông?...
Ảnh minh họa |
Thử nhìn lại 15 năm qua, nền văn hóa nước nhà đang trôi đi đâu, về đâu?
Văn hóa là một khái niệm rộng lớn, bao gồm nhiều nội dung tri thức, kiến thức, đạo đức, lời ăn tiếng nói, đối nhân xử thế, phong tục tập quán… Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau và bản sắc văn hóa của dân tộc đó sẽ là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh. Chả thế mà trong lần gặp lại cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói người Mỹ thua Việt Nam là vì không hiểu văn hóa của người Việt.
Vậy văn hóa của người Việt Nam có gì đặc sắc?
Giải đáp câu hỏi này thật dễ mà cũng thật khó. Nhưng rõ ràng, bên cạnh những nét văn hóa tốt đẹp thì người Việt cũng có những nét không đẹp.
Ðó là đặc tính duy tình vô nguyên tắc. Ðó là tính cục bộ bản vị; là tính hay ghen ghét, đố kỵ với ai hơn mình. Ðó là tính sĩ diện hão… Tất cả những cái đó cộng với sự quản lý yếu kém của chính quyền và các cơ quan văn hóa đã “góp phần” đẩy nền văn hóa Việt Nam đang trôi như cánh bèo trên dòng sông lũ.
Ðúng là nền kinh tế nước nhà đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Ða phần người dân hiện nay không còn phải lo cái ăn, cái mặc nữa. Khái niệm “ăn no mặc ấm” đã dần nhường chỗ cho khái niệm “ăn ngon mặc đẹp”. Nhưng kinh tế đi lên, còn văn hóa rõ ràng đang đi xuống.
Sự đi xuống đó thể hiện ở chỗ nào?
Vài ngày hôm nay, hình ảnh một Thiếu tá Cảnh sát giao thông của Công an tỉnh Thanh Hóa bị một kẻ “mất dạy” đánh cho sấp mặt xuống đường. Nhưng, điều đáng suy ngẫm là một số người đứng quanh đó lại khoanh tay đứng nhìn hoặc dùng điện thoại quay lại hình ảnh anh cảnh sát bị hành hung.
Có lẽ đây là sự thể hiện cao nhất về thái độ vô cảm của người dân trước cái ác. Và nếu nói xa hơn một chút thì đó là biểu hiện sự xuống cấp của văn hóa. Người ta không còn biết thế nào là bênh vực, thế nào là bảo vệ cái đúng…
Những hình ảnh này cộng với những chuyện người dân đi hôi của ở những chiếc xe bị nạn, bất chấp sự van xin của lái xe… Ðó là minh chứng rõ nhất về ứng xử văn hóa, đạo đức của một bộ phận không nhỏ người dân đang suy thoái nghiêm trọng.
Ðó là các hành vi phản văn hóa xuất hiện nhan nhản khắp nơi và hầu như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội./.
Ngày càng nhiều những vụ án đau lòng: anh em, vợ chồng, cha con tàn hại nhau. Ðạo đức xã hội đang xuống cấp trầm trọng, hay nói cách khác là sự bát nháo.
Trên lĩnh vực văn hóa, sự lên ngôi của báo lá cải là rõ nhất. Người ta có thể dễ dàng nhận thấy ở các sạp báo, hầu như không có những tờ báo chính thống, mà chỉ dày đặc các loại phụ san, mà tiêu chí là tình - tiền - tù - tội - đâm, chém - giết - cướp - hiếp. Rất nhiều tờ báo chính thống đã “lui vào hoạt động bí mật” - nghĩa là chỉ phát hành trong hệ thống riêng, hoặc buộc phải mua.
Rồi nữa, trên báo điện tử - một loại hình báo chí đang phát triển như vũ bão trong khoảng 10 năm trở lại đây, lượng truy cập của các tờ báo chính thống - nghĩa là có tên Tổng biên tập và cơ quan chủ quản ở cuối trang thua xa các trang tin tổng hợp, chuyên sống bằng nghề cóp nhặt, xào xáo, hay nói cách khác là sống bằng nghề ăn cắp. Mặc dù không được phép xuất bản tác phẩm báo chí, nhưng chúng vẫn tổ chức những đội quân phóng viên và xông đến bất cứ nơi nào… Một bi kịch cho quan chí nước nhà là nhiều bộ, ngành cũng mặc nhiên coi thông tin trên những tờ báo này là thông tin chính thức và đưa vào diện “điểm báo hằng ngày”, thậm chí còn “hốt hoảng” khi các trang tin này đưa thông tin không tốt về đơn vị.
Trong các hoạt động văn hóa khác. Các ca sĩ, những người mẫu, diễn viên… đua nhau kiếm tiền bằng cách gây ra các vụ bê bối tình ái; đua nhau, khoe ngực, khoe nhà cửa, khoe xe cộ, khoe tình. Và càng khoe, càng mất dạy, càng vô văn hóa thì lại càng kiếm được tiền từ quảng cáo, thậm chí lại còn có nhiều “fan”.
Các chương trình truyền hình càng nhảm nhí thì càng thu được nhiều quảng cáo. Và có cảm giác rằng, các nhà đài đang dần chạy theo xu thế này. Ðiển hình là những vụ việc mà Công ty Truyền thông Cát Tiên Sa gây ra vừa qua. Nhưng càng lên án thì lại càng kiếm được tiền quảng cáo? Cũng giống như sách bị thu hồi thì lại… nhiều người tìm mua???
Trong nhà trường, nhan nhản những chuyện trò chửi thầy, thầy đánh trò, những chuyện đổi tình, đổi tiền lấy điểm…
Nói tóm lại, nền văn hóa của nước ta đang khủng hoảng, mất phương hướng. Phải - trái, đen - trắng, đúng - sai đang lộn sòng.
Tại sao lại có chuyện như vậy? Trong khi chúng ta có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, biện pháp để xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”?!
Hình như người ta tưởng rằng, đưa được danh thắng này; đưa được dân ca kia trở thành di sản thì chính là xây dựng nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc”.
Thực ra, đó chỉ là một phần rất nhỏ để góp phần xây dựng một nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc”, hay nói cách khác chỉ có ý nghĩa bảo tồn.
Sở dĩ nền văn hóa của chúng ta hiện nay đang có tình trạng như thế này là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan có trách nhiệm quản lý và bảo vệ văn hóa.
Tại sao họ lại có thể dung túng cho các tờ lá cải hoạt động ngang nhiên bao nhiêu năm nay?
Tại sao họ không dám thu giấy phép của một cơ quan truyền thông có nhiều sai phạm như kiểu Cát Tiên Sa?
Tại sao họ không dám cấm những ca sĩ, người mẫu, diễn viên có những việc làm, hành động thiếu văn hóa?
Tại sao các cơ quan truyền thông không dám tẩy chay những diễn viên có những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp?
Thật là vô lý khi một kẻ vừa bị xử phạt, vừa bị xã hội lên án về những hành vi phản văn hóa lại có thể ngang nhiên xuất hiện trên sóng truyền hình, thậm chí lên tiếng rao giảng về văn hóa.
Cho nên, nếu không có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt và buộc mọi hoạt động văn hóa phải đi theo một hướng thì giáo dục gì cũng chỉ là nói xuông… Và chúng ta sẽ tự đánh mắt bản sắc văn hóa của chính mình./.
Nguyễn Như Phong
Theo Năng lượng Mới (năm 2014)
Từ chức… khó lắm!
Gần đây, người ta nói nhiều đến “văn hóa từ chức”, thậm chí, trong Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) còn đề ... |
Dọc miền Trung kỳ 3: Thanh Nghệ Tĩnh - dấu gạch nối văn hoá
Cùng với Bình Trị Thiên, vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh được xem là gạch nối văn hoá giữa 2 miền Bắc, Nam. Tuy tương ... |
Người nghiện lộng hành, lo vẫn hoàn lo
Nhiều \'điểm nóng\' tiêm chích ma túy vẫn tái diễn cảnh người nghiện lộng hành, mặc dù UBND TP.HCM đã yêu cầu phải xử lý ... |
650 tỷ xây Trung tâm văn hóa Xứ Đông: Giải thích nóng
Dự án Trung tâm văn hóa xứ Đông là một phần riêng biệt, độc lập không liên quan đến việc tái khởi động dự án ... |