Dân số tăng nhanh trong suốt nhiều năm qua đã gây áp lực rất lớn lên cơ sở hạ tầng của TPHCM, từ đó dẫn đến tình trạng quá tải đường sá, ngập nước thường xuyên, ô nhiễm môi trường tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, cản trở phát triển kinh tế.
Kẹt xe trên cầu Bình Triệu - cửa ngõ phía đông vào trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Quân - Huyền Trân
Sắp tới khi thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, TPHCM sẽ có những ưu đãi về tuyển dụng, việc làm, thu nhập tiền lương, theo đó, dự báo lượng người dân từ các tỉnh đổ dồn về TPHCM càng đông. Và nếu thành phố không giải quyết tốt vấn đề này thì nhiều nguy cơ sẽ càng làm cho hạ tầng TPHCM càng thêm quá tải, ngột ngạt hơn.
Dân số tăng cao “bóp nghẹt” cơ sở hạ tầng
Nếu như sau năm 1975, dân số TPHCM chỉ có khoảng 3 triệu người thì đến nay, con số đó đã tăng lên khoảng 8,4 triệu dân trên tổng diện tích 2.095,5km2, có mật độ dân số cao nhất nước. Đó là chưa kể, khoảng 2-3 triệu người dân từ tỉnh thành khác đến TPHCM học tập, làm việc có thời hạn tạm trú từ 6 tháng trở lên.
Dân số tăng nhanh, kéo theo nhu cầu đi lại cũng tăng cao, tính đến nay, TPHCM có khoảng 7,6 triệu xe gắn máy, 700.000 xe ôtô (chưa kể hằng ngày có khoảng 1 triệu xe gắn máy biển số tỉnh lưu thông tại TPHCM). Con số xe gắn máy không ngừng gia tăng khi hàng tháng, tại TPHCM có khoảng 1.000 chiếc đăng ký mới.
Một cán bộ Sở GTVT cho rằng, với diện tích mặt đường hiện nay (khoảng 37,7 triệu m2) chưa đủ xếp tất cả số lượng xe hiện có chứ nói gì đến lưu thông. Chính vì vậy, suốt nhiều năm qua, thành phố phải đối mặt với tình kẹt xe nghiêm trọng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, thách thức rất lớn của TPHCM là đang thiếu đường giao thông. Bởi theo chuẩn 1 km2 đất đô thị phải có 10 km đường, nhưng hiện nay, TPHCM chỉ có 1,98 km đường/km2, tức là chưa được 20% so với tiêu chuẩn.
Mặc dù trong 6 năm qua, mật độ đường của TPHCM đã tăng từ 1,45 km/km2 lên 1,98 km/km2 nhưng khó đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Và với tốc độ tăng như vừa qua thì phải cần 167 năm nữa, TPHCM mới đạt chuẩn giao thông đô thị.
Cùng với kẹt xe, việc gia tăng dân số kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng cao, từ đó đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, san lấp đất tự nhiên, sông rạch để xây dựng nhà cửa, làm cho hệ thống thoát nước quá tải, hệ thống thoát nước tự nhiên bị thu hẹp dần và dẫn đến tình trạng ngập nước triền miên mỗi khi mưa hoặc triều cường dâng cao. Như một số nhà quản lý, chuyên gia ví von rằng, nếu trước đây thành phố có hơn hơn 100 điểm ngập, thì nay chỉ còn 1 điểm ngập duy nhất, đó là ngập toàn thành phố.
Cơ chế đặc thù giúp TPHCM chủ động nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng
Lâu nay, chính quyền TPHCM cũng nhìn thấy những vấn đề tồn tại và thách thức như ngập nước, kẹt xe, từ đó đề ra các giải pháp để giải quyết. Thế nhưng, vấn đề vướng mắc lớn nhất vẫn là thiếu nguồn vốn đầu tư. Chẳng hạn, để giải quyết các vấn đề ngập nước, kẹt xe, cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị của TPHCM trong giai đoạn 2016 đến 2020, thành phố cần tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 850.000 tỉ đồng.
Thế nhưng, khả năng ngân sách TPHCM cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 20 -30%. Trong đó, tính riêng nhu cầu vốn cho các lĩnh vực giao thông, môi trường, chống ngập đã gần 500.000 tỉ đồng, chưa kể những dự án chỉnh trang giải tỏa nhà ven kênh, phát triển đô thị.
Tuy nhiên, với Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù vừa được Quốc hội thông qua (Nghị quyết 54), thành phố hy vọng những vấn đề vướng mắc về tài chính sẽ được tháo gỡ. Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, khi thực hiện Nghị quyết 54 thì TPHCM sẽ chủ động được về nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Bởi, ngoài tỉ lệ ngân sách thành phố được giữ lại hàng năm như quy định hiện nay, thì TPHCM còn được hưởng 100% số thu tăng thêm từ việc điều chính sách tăng thuế, phí, lệ phí; được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất theo quy định; được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp…
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện để TPHCM phát triển đột phá. Khi có thêm nguồn vốn thì thành phố sẽ chủ động đẩy nhanh các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Có những dự án đầu tư công thì phải sử dụng nguồn vốn ngân sách. Còn với những dự án khác, thành phố huy động từ các nguồn xã hội hóa như kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.
“Dù là kêu gọi đầu tư PPP hay vay ODA, thì thành phố cũng phải có một nguồn vốn nhất định để làm vốn đối ứng. Hay nói cách khác, thành phố có được vốn mồi để kêu gọi đầu tư. Cứ khoảng 1 đồng vốn mồi từ ngân sách, thành phố có thể thu hút được 3-4 đồng vốn bên ngoài” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Giải bài toán nguy cơ dân số uy hiếp TPHCM
Khi thực hiện Nghị quyết 54, TPHCM sẽ có một số ưu đãi về tuyển dụng, tăng mức thu nhập cho người lao động, chuyên gia, do vậy nhiều ý kiến lo ngại sẽ có một làn sóng người dân từ các tỉnh đổ về TPHCM ngày càng tăng và tiếp tục uy hiếp hạ tầng, cản trở mục tiêu phát triển kinh tế của thành phố.
Cử tri Lê Thị Liên Minh (phường Tân Phong, Q.7) cho rằng, khi thực hiện các chính sách đặc thù, cụ thể như trả lương cao hơn cho người lao động ở TPHCM thì người dân các tỉnh khác sẽ đổ xô về TP. “Nguy cơ dân số tăng là rất lớn. Nếu để dân số TPHCM tăng lên 15 triệu, đó là thảm hoạ. Vì vậy, vấn đề này sẽ được tính toán giải quyết ra sao?” - Bà Minh lo lắng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Hiến pháp cho người dân quyền tự do cư trú, đi lại, do đó chúng ta không thể ngăn cấm người dân từ các tỉnh đổ về TPHCM được. Xu hướng của toàn thế giới là tỉ lệ dân thành thị sẽ ngày càng cao, dân nông thôn ngày càng ít đi. Do vậy, giải pháp để ứng phó với làn sóng đô thị hóa là phải quản lý đô thị thông minh. Và mới đây, TPHCM cũng đã triển khai để án xây dựng đô thị thông minh.
Để hạn chế lượng người dân tỉnh đổ về TPHCM, uy hiếp hạ tầng giao thông đô thị, ngày 2.12, tại phiên bế mạc kỳ họp lần thứ 15, Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sẽ có 2 giải pháp để giảm tình trạng này. Thứ nhất, hiện nay các địa phương sản xuất nông nghiệp là chính, vì vậy TPHCM cần có giải pháp giúp nông nghiệp các địa phương hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người dân, để người dân ở lại các tỉnh làm việc, sinh sống.
“Vừa qua, Đại học Quốc gia TPHCM đã tổ chức các đoàn khảo sát ở miền Tây Nam bộ về nhu cầu các thiết bị phục vụ nông nghiệp, cây trồng vật nuôi. TP hướng đến trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao cho Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Nếu làm được việc này, nông nghiệp các tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, thu nhập của bà con các tỉnh tăng lên thì giảm bớt áp lực dân số cho TPHCM” - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Thứ hai, về giải pháp lâu dài, cơ cấu thành phố chuyển dần sang công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ, khi đó nhu cầu lao động, đặc biệt là lượng lao động phổ thông chưa qua đào tạo giảm đi, từ đó giảm áp lực dân số cho TPHCM.
TPHCM không nhất thiết trở thành siêu đô thị 15-20 triệu dân Theo ông Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM - vấn đề của TPHCM là ôm đồm quá nhiều chức năng, trong khi nguồn lực có hạn khiến cho TPHCM trở nên quá tải và rất khó để cải thiện. Vì vậy, TPHCM không nhất thiết phải trở thành một siêu đô thị 15-20 triệu dân trong những năm tới, mà nên liên kết vùng, phát triển các đô thị xung quanh. Nếu TPHCM liên kết vùng tốt thì Bình Dương, Long An, Đồng Nai sẽ hỗ trợ rất tốt, bởi nhà ở xã hội ở các nơi này rất nhiều mà không bán được. TPHCM không nên ôm quá nhiều việc làm tại thành phố, để dồn toàn bộ lao động nhập cư vào rồi gây nên áp lực lớn cho hạ tầng. Thành phố cần sẵn sàng nhường cho các địa phương các chức năng khác chứ không thể giữ khư khư cho mình. Ví dụ: Khu công nghệ cao thì cần giữ lại nhưng một số khu công nghiệp khác có nhất thiết phải ôm hay không? |
Bí thư Thành ủy TPHCM: Tăng lương công chức 1,8 lần nhưng không cào bằng Trước ý kiến cho rằng TPHCM được tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức 1,8 lần lương thì làm thế nào ... |
Quận ở TP HCM muốn giữ 100% tiền phạt để tăng lương cán bộ đô thị Quận 3 muốn giữ lại toàn bộ tiền xử phạt vi phạm trật tự đô thị để tăng lương cho cán bộ từ 1,7 lên ... |