Ùn tắc giao thông tại Hà Nội bao giờ được giải quyết dứt điểm?

Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, tính đến hết tháng 8/2022, đơn vị này đã xử lý được3/35 điểm ùn tắc giao thông. Nhiều điểm ùn tắc khác đang được tập trung khắc phục. Tuy nhiên, trên thực tế, câu chuyện ùn tắc ở Hà Nội đến bao giờ được giải quyết dứt điểm, thì thật khó trả lời.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến trung tuần tháng 8/2022, đơn vị này đã xử lý được 3/35 điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, nhằm giảm ùn tắc trong điều kiện hạ tầng chật hẹp so với tốc độ đô thị hoá, từ nay đến cuối năm, Sở tiếp tục thực hiện phối hợp với Công an TP Hà Nội phân luồng, điều chỉnh tổ chức giao thông, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông kết hợp hệ thống vạch sơn, biển báo trên các trục.

anh-minh-hoa-1564047067734550662695-crop-1564047073690577996465.jpg -0
Ùn tắc giao thông làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới làn đường dành riêng cho các phương tiện ưu tiên. Ảnh minh họa
 

Đồng thời, Sở tiếp tục phối hợp với Phòng CSGT Công an thành phố theo dõi tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì và tuyến đường vành đai 3 trên cao để đánh giá và có các phương án đảm bảo ATGT, tránh gây ùn tắc giao thông. Đối với công tác tổ chức giao thông phục vụ thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư tổ chức giao thông đảm bảo tiến độ của dự án phù hợp với tình hình giao thông thực tế để giảm nguy cơ ùn tắc giao thông tại các dự án như: Đường vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã tư Vọng; đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2; dự án hầm chui Lê Văn Lương, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2...

Một kết quả khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) mới đây cũng cho thấy, từ sau khi trở lại cuộc sống bình thường sau dịch COVID - 19, hiệu ứng “lò xo nén” khiến số chuyến đi phát sinh tăng cao. Khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện số chuyến đi bình quân trong ngày của mỗi người đã tăng từ 3,7 lên 3,9 chuyến đi/ngày. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm phương tiện cá nhân, nhất là ôtô đã tăng từ 11-13% lên mức 17% ở thời điểm hiện tại khiến tình trạng ùn tắc tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng. Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, những chuyến đi dài với cự ly khoảng 5-10km phần lớn bị tác động bởi điều kiện giao thông và đa phần có thời gian chuyến đi bị tăng trong giao thông đô thị. Còn nguyên nhân ùn tắc được Sở GTVT Hà Nội đưa ra là sự gia tăng nhanh về số lượng phương tiện tham gia giao thông, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông chưa kịp đáp ứng và theo kịp tốc độ đô thị hóa. Phía Sở GTVT cũng thừa nhận kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh; vành đai 4 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra.

Ngoài các giải pháp đang thực hiện, mới đây Hà Nội tiếp tục giao cho Sở GTVT nghiên cứu giải pháp mở làn đường ưu tiên cho xe đạp. Về việc này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay: “Hiện nay, nội dung này mới đang ở bước nghiên cứu”. Tuy nhiên, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, việc phát triển phương tiện xe đạp là đúng với thực tế khi tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội ngày càng tăng. Tuy nhiên, khi thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp, cần nghiên cứu lựa chọn các tuyến đường thích hợp, phù hợp nhất là các tuyến đường rộng từ 25m, có 4 - 5 làn xe trở lên. Các tuyến đường này cũng cần có sự liên thông.

Được biết, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị Hà Nội với nhận định xe đạp công cộng sẽ đem đến cho người dân một phương tiện hiện đại, thuận tiện, thân thiện, tăng khả năng kết nối vận tải hành khách công cộng. Theo tiến độ của chủ đầu tư, dự kiến trong tháng 10, dịch vụ này sẽ chính thức ra mắt với 2.000 xe đạp tại 200 điểm trạm cho thuê thuộc 7 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. Dự kiến, mức giá cho thuê trong 30 phút là 5.000 đồng/xe đạp cơ và 10.000 đồng/xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng/xe đạp cơ và 120.000 đồng/xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.

Nhìn một cách tổng thể, không chỉ là chuyên gia, nhiều người dân cũng hy vọng làn đường ưu tiên sẽ hiệu quả khi tới đây Hà Nội triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng. Khi đó người dân có thể chọn thuê xe đạp đi trong nội đô sau khi kết thúc các chặng buýt hay kết thúc tuyến tàu điện trên cao. Song cũng có ý kiến băn khoăn, khi xe buýt BRT đã có làn đường ưu tiên nhưng vào giờ cao điểm cũng vẫn bị hàng loạt phương tiện lấn làn…

https://cand.com.vn/Giao-thong/un-tac-giao-thong-tai-ha-noi-bao-gio-duoc-giai-quyet-dut-diem--i667508/

Đặng Nhật / Công an nhân dân