Ukraine phủ bóng thượng đỉnh Putin - Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin có rất nhiều vấn đề bất đồng cần giải quyết trong hội đàm ngày 7/12, trong đó nổi trội là tình hình Ukraine.

“Một trạng thái đáng buồn” là những gì Điện Kremlin mô tả mối quan hệ trước cuộc hội đàm Biden-Putin qua video dự kiến bắt đầu lúc khoảng 15h ngày 7/12 (giờ địa phương, 22h Việt Nam).

Washington đã cáo buộc Nga điều quân ồ ạt gần biên giới với Ukraine, đặt câu hỏi về một kịch bản tấn công xảy ra và cho biết phương Tây đã sẵn sàng với các biện pháp trừng phạt. Moskva bác bỏ thông tin và cho rằng quân đội của họ di chuyển xung quanh lãnh thổ của mình vì mục đích phòng thủ thuần túy.

Ukraine phủ bóng thượng đỉnh Putin - Biden - 1
Hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ trong một cuộc gặp trước đây. (Ảnh: ABC News)

"Lằn ranh đỏ"

Đối với Moskva, sự ủng hộ gia tăng của NATO đối với một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ - và khả năng một liên minh tên lửa ở Ukraine nhằm vào Nga - là một "lằn ranh đỏ" mà họ sẽ không cho phép ai vượt qua.

Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý rằng NATO sẽ không mở rộng thêm về phía Đông hoặc đặt vũ khí gần lãnh thổ Nga; trong khi Washington nhiều lần tuyên bố không quốc gia nào có thể phủ quyết hy vọng tham gia NATO của Ukraine.

"Tôi không chấp nhận ranh giới đỏ của bất kỳ ai", ông Biden nói hôm 3/12.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên hôm 6/12 rằng Biden sẽ cảnh báo Putin về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu Nga tấn công Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ không hướng đến viễn cảnh tham gia hành động quân sự.

Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga, cho biết hai nhà lãnh đạo đang ở vị trí khó có thể hòa giải.

"Điều duy nhất mà họ có thể đồng ý - nếu cuộc trò chuyện diễn biến tốt - là tất cả các bên trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia trong câu chuyện phải thể hiện sự kiềm chế và cam kết giảm leo thang. Còn lại, tôi không biết Biden có thể làm như thế nào để đảm bảo với Putin rằng NATO sẽ không đi về phía Đông".

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết Washington muốn ngăn chặn một cuộc khủng hoảng và vòng xoáy tiêu cực trong mối quan hệ thông qua ngoại giao và giảm leo thang.

Một số nhà phân tích Nga và Mỹ đã gợi ý rằng các nhà lãnh đạo có thể đồng ý thiết lập các cuộc đàm phán giảm leo thang. Điện Kremlin đã nói rõ rằng họ muốn có một hội nghị thượng đỉnh Putin-Biden mới vào năm tới.

Giữ thể diện

Tuần trước, Mỹ đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine về việc chấm dứt cuộc xung đột dài 7 năm giữa lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai mà Kiev cáo buộc Nga hậu thuẫn, trên cơ sở các thỏa thuận Minsk năm 2014 và 2015.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết về nguyên tắc Moskva không phản đối điều đó.

Tuy nhiên, Vladimir Frolov, một nhà phân tích chính sách đối ngoại và cựu quan chức ngoại giao Nga tại Mỹ, cho rằng việc lôi kéo Washington vào quá trình này sẽ giống như một thất bại đối với Moskva. Ông không tự tin rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ chấp nhận lời hứa mơ hồ về các cuộc đàm phán liên quan đến cấu trúc an ninh tương lai của châu Âu.

Frolov nói: “Bằng cách đòi hỏi những đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý, Moskva đã thu hẹp không gian cho hoạt động ngoại giao của mình, điều này cho thấy họ không thực sự đặt cược vào ngoại giao để thành công”.

Tại Kiev, Tổng thống Vladimir Zelenskiy cho biết các lực lượng vũ trang của Ukraine có khả năng chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào từ Nga.

Những người được phỏng vấn trên đường phố thủ đô Ukraine có ý kiến khác nhau về cuộc đàm phán hôm thứ Ba.

Vladimir Bulatov, 61 tuổi, nói với Reuters rằng các nhà lãnh đạo nên nói về việc giảm nguy cơ xảy ra "chiến tranh nóng", nhưng ông nghi ngờ liệu điều đó có khả thi hay không. "Tôi không tin rằng bất cứ điều gì hợp lý sẽ xuất hiện từ cuộc họp này".

Elena, một người hưu trí được phỏng vấn ở khu vực xung đột miền đông Ukraine, cho biết: "Mọi thứ phải thay đổi - đó là những gì chúng tôi đang hy vọng. Chúng tôi không còn sức để chịu đựng điều này nữa".

/ vtc.vn