- Đức đề xuất hệ thống phòng không chung châu Âu
- Lầu Năm Góc ký thỏa thuận chế tạo hệ thống phòng không cho Ukraine
- Những dấu hỏi về hệ thống phòng không laser của Israel
- Đức nâng cấp hệ thống phòng không, lưỡng lự chọn tên lửa Mỹ hay Israel
Hôm 25/9, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine đã nhận được các hệ thống phòng không tinh vi từ Mỹ.
Đây là lần đầu tiên Ukraine xác nhận đã nhận được Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS). Lô vũ khí này được Washington phê duyệt, viện trợ cho Kiev vào cuối tháng trước. Từ lâu, Kiev đã tìm kiếm hỗ trợ từ Mỹ và đồng minh những loại vũ khí hiện đại.
"Chúng tôi thực sự cần Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo và trao cho Ukraine các hệ thống phòng không. Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Joe Biden khi đã đưa ra quyết định có ý nghĩa", ông Zelenskiy nói.
Ukraine nhiều lần kêu gọi Mỹ và đồng minh viện trợ vũ khí hiện đại để đối đầu Nga.
Tổng thống Zelenskiy cũng cảm ơn Mỹ vì đã cung cấp HIMARS và nhiều hệ thống phóng tên lửa khác giúp Ukraine tiến công, đối phó với Nga.
Trong một bài báo vào đầu tháng này, Tạp chí Không quân của Mỹ đã mô tả NASAMS là một phần công nghệ quan trọng có thể giúp lực lượng Ukraine bắn hạ tên lửa hành trình của Nga, mối đe dọa hiện hữu đối với quân đội Ukraine hiện tại.
NASAMS là hệ thống phòng không do Raytheon và hãng quốc phòng Kongsberg của Na Uy cùng phát triển và sản xuất. Theo Raytheon, hệ thống này gồm 3 bộ phận: radar AN/MPQ-64 Sentinel, tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) với tầm bắn từ 30 km đến 50 km và Trung tâm phân phối hỏa lực (FDC).
Sau 7 tháng mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, lực lượng Nga và phe ly khai kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk cùng nhiều địa phương ở miền đông và miền nam Ukraine. Đầu tháng 9, Kiev mở đợt phản công và tái kiểm soát một số thành phố ở tỉnh Kharkov tại vùng đông bắc.
Tổng thống Volodymy Zelensky hôm 12/9 nói rằng Kiev đã giành lại khoảng 6.000 km2 lãnh thổ mà Nga kiểm soát.
Đến nay, Mỹ là bên hỗ trợ nhiều nhất cho Ukraine. Washington đã gửi hơn 15 tỷ USD viện trợ an ninh cho Kiev kể từ khi xung đột bùng phát. Hồi đầu tháng 9, Nhà Trắng đề nghị Quốc hội Mỹ phân bổ thêm 11,7 tỷ USD để hỗ trợ quân sự Kiev đầu năm 2023.
Lầu Năm Góc không ngần ngại công khai việc chuyển giao các rocket dẫn đường thuộc hệ thống HIMARS cho Ukraine, loại đạn rocket này có thể tấn công chính xác các mục tiêu từ khoảng cách hơn 80 km. Giới chức Mỹ cũng từng khẳng định Ukraine đã cam kết sẽ không sử dụng tên lửa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Các hệ thống HIMARS ngoài đạn rocket dẫn đường còn có thể triển khai tên lửa chiến thuật ngắn ATACMS với tầm bắn lên tới 300 km.
Mới đây, Washington đã công bố thêm một gói vũ khí mới trị giá 600 triệu USD cho Ukraine gồm các khí tài quân sự, cũng như hỗ trợ huấn luyện, đào tạo cho binh sĩ Ukraine. Trước đó, trong chuyến công du Ukraine hôm 8/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố khoản tài trợ quân sự mới 2 tỷ USD cho Ukraine và các nước láng giềng.
Moskva nhiều lần chỉ trích việc phương Tây giao vũ khí cho Kiev, nhấn mạnh điều này sẽ chỉ kéo dài xung đột, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
https://vtc.vn/ukraine-nhan-he-thong-phong-khong-hien-dai-cua-my-ar703082.html