- Đức loay hoay tìm lối thoát khủng hoảng năng lượng
- Vì sao Canada trả lại cùng lúc 5 tuabin khí đốt về Đức?
- Nghị sĩ Đức: Nord Stream 2 là giải pháp duy nhất giải quyết khủng hoảng khí đốt
"Các nước láng giềng" châu Âu nên thiết lập một hệ thống phòng không chung trong bối cảnh xung đột Ukraine và các thách thức an ninh khác, Thủ tướng Đức nói.
Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ở châu Âu "có rất nhiều việc phải làm khi nói đến việc phòng thủ ngăn ngừa các mối đe dọa trên không và không gian. Đó là lý do tại sao người Đức chúng tôi sẽ đầu tư rất đáng kể vào hệ thống phòng không trong những năm tới”.
“Đồng thời, Đức sẽ ngay từ đầu thiết kế hệ thống phòng không trong tương lai theo cách mà các nước láng giềng châu Âu của chúng ta có thể tham gia, nếu muốn", ông nói thêm.
Hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T tại Triển lãm Hàng không Quốc tế ở Berlin, Đức, tháng 6/2022. (Ảnh: Ulrich Baumgarten/Getty Images)
Thủ tướng đưa ra phát biểu tại Đại học Charles ở Prague, Italia hôm 29/8. Ông tuyên bố việc duy trì một lá chắn phòng không chung sẽ “hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn” so với việc mỗi quốc gia châu Âu tiếp tục phát triển các giải pháp phòng thủ của riêng mình.
Ông Scholz nói thêm: “Đây cũng sẽ là lợi ích an ninh cho toàn châu Âu và là một ví dụ nổi bật về việc củng cố trụ cột châu Âu trong NATO”.
Nhà lãnh đạo Đức cũng nói rằng Berlin có thể đảm nhận "trách nhiệm đặc biệt" trong việc giúp Ukraine có được các loại vũ khí phòng không và pháo tiên tiến, như một phần của kế hoạch chia sẻ gánh nặng.
Tháng trước, EU đồng ý chi 500 triệu euro (500,4 triệu USD) để thúc đẩy mua vũ khí chung và bổ sung kho dự trữ quân sự đã cạn kiệt do việc giao vũ khí cho Ukraine.
Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo EU cũng đã từng kêu gọi các nỗ lực phòng thủ chung để làm cho khối kiên cường hơn. Năm 2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất thành lập một quân đội châu Âu "thực sự" để bổ sung cho NATO.
Đức kêu gọi thay đổi cơ chế bỏ phiếu trong EU
Trong cùng bài phát biểu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi các thành viên EU từ bỏ quyền phủ quyết để ủng hộ khối bỏ phiếu theo đa số trong một số lĩnh vực quan trọng. Động thái có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng của khối trong tương lai.
Ông Scholz lập luận rằng việc thay đổi các phương thức bỏ phiếu có thể giúp EU phát triển, vì hiện tại bất kỳ thành viên nào của khối đều có thể phủ quyết việc gia nhập của một quốc gia ứng cử viên. Ông cũng đề nghị đưa ra phương thức biểu quyết đa số trong một số vấn đề cấp bách, bao gồm các biện pháp trừng phạt và nhân quyền.
Thủ tướng Đức cho biết, ngày nay, ở những nơi cần có sự nhất trí, nguy cơ một quốc gia sử dụng quyền phủ quyết ngăn chặn tất cả những quốc gia khác tiến lên phía trước sẽ tăng lên, khi số lượng thành viên bổ sung tăng lên.
Theo ông Scholz, “nguyên tắc nhất trí chỉ hoạt động chừng nào áp lực hành động ở mức thấp”. Ông lấy ví dụ về việc chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã thách thức cách EU hoạch định chính sách.
Nhà lãnh đạo Đức cũng muốn EU chuyển sang bỏ phiếu theo đa số trong các lĩnh vực như thuế và chính sách đối ngoại, nói thêm rằng ông biết "rất rõ rằng điều này cũng sẽ gây ra hậu quả đối với Đức".
https://vtc.vn/duc-de-xuat-he-thong-phong-khong-chung-chau-au-ar697581.html