U22 Indonesia chắc chắn không phải là một đối thủ dễ chơi với những gì họ đã thể hiện từ đầu giải
U22 Indonesia đã ghi 21 bàn từ đầu giải, trong đó có 17 bàn xuất phát từ hai bên cánh, tỷ lệ 81%. Dù chủ yếu đánh biên, Indonesia mới có hai bàn bằng đầu, đều từ pha bóng cố định. Họ tấn công tốt từ hai cánh, nhưng chọn giải pháp đưa bóng vào trong ở tầm thấp cho tiền đạo hoặc tiền vệ lao lên dứt điểm.
HLV Indra Sjafri đang có trong tay những quân bài phù hợp để triển khai lối đá này. Bốn cầu thủ chạy cánh của Indonesia đều phù hợp để leo biên và tạt bóng. Đó là các tiền vệ cánh Egy Maulana, Saddil Ramdani, hậu vệ trái Firza Andika và hậu vệ phải Asnawi Bahar.
Egy Maulana - ngôi sao đáng chú ý của U22 Indonesia |
Egy Maulana lẫn Saddil Ramdani là hai cầu thủ duy nhất của U22 Indonesia đang thi đấu ở nước ngoài. Egy đá cho Lechia Gdansk ở Ba Lan còn Saddil thi đấu ở Pahang, Malaysia. Hai tiền vệ này cùng thuận chân trái và xử lý bóng trong không gian hẹp tốt. Họ chơi bóng thông minh và biết cách phối hợp với các hậu vệ biên.
HLV Sjafri phát hiện ra tài năng của Egy khi anh mới 12 tuổi, trong một trại hè bóng đá của FIFA. Egy hiện là cầu thủ nổi tiếng bậc nhất Indonesia. Anh đã ghi bốn bàn và ba kiến tạo kể từ đầu giải.
Saddil có lối chơi khá tương đồng với Egy, nhưng dày người và tranh chấp tốt hơn một chút. Hai cầu thủ này thường đảo cánh hoặc bó vào giữa để khiến hậu vệ bất ngờ. Saddil Ramdani cũng là nhà vô địch U22 AFF 2019 - được ví như bộ não tấn công trong chiến thuật của Indra Sjafri. Thông thường, Saddil sẽ đá cánh trái còn Egy ở cánh phải.
Hỗ trợ cho Saddil bên trái là hậu vệ Firza Andika. Firza thuận chân trái, lên công về thủ rất đều đặn. Firza từng thử việc ở CLB Tubize, giải hạng hai Bỉ, hồi đầu năm.
Asnawi Bahar- cơn lốc bên hành lang cánh phải |
Trong 17 bàn từ hai bên cánh của Indonesia, có 8 bàn từ cánh trái và 9 bàn từ cánh phải. Nếu không tính các trận gặp Lào và Brunei - những đội cuối bảng, Indonesia chỉ có hai bàn từ cánh trái và sáu bàn từ cánh phải. Cánh phải của Indonesia rất nguy hiểm với sự góp mặt của hậu vệ Asnawi Bahar. Asnawi chủ yếu được sử dụng ở vai trò hậu vệ phải nhưng có thể đá tốt ở hàng tiền vệ. Anh có thể lực, tốc độ và tham gia hỗ trợ tấn công cực tốt. Mới 20 tuổi, nhưng Asnawi có kinh nghiệm với HCB SEA Games 29, cùng U22 Indonesia giành chức vô địch Đông Nam Á hồi đầu năm nay.
Bàn mở tỷ số của Indonesia ở cuộc đối đầu vòng bảng đến từ sai lầm lớn của thủ môn Bùi Tiến Dũng, nhưng trước đó là pha qua người và nỗ lực tạt bóng khó chịu của Asnawi.
Ở phía dưới, hai cầu thủ quá tuổi Zulfiandi và Evan Dimas là cặp tiền vệ trung tâm rất ăn ý vì có thời gian chơi bóng khá lâu cùng nha. Evan Dimas từng được coi là thần đồng bóng đá Indonesia. Anh có kỹ thuật và phân phối bóng tốt.
Mắt xích chủ lực còn lại tất nhiên là Osvaldo Haay, người đang cùng Hà Đức Chinh dẫn đầu danh sách vua phá lưới SEA Games 30, với 8 bàn thắng.
Osvaldo Haay - chân sút đang cùng Hà Đức Chinh đứng đầu danh sách ghi bàn |
Osvaldo không phải mẫu tiền đạo cắm điển hình. Anh không nổi bật ở khả năng tranh chấp trên không. Sử dụng Osvaldo có nghĩa là Sjafri chấp nhận từ bỏ những quả tạt bổng. Tuy nhiên, Osvaldo mang đến khả năng hoạt động rộng và che chắn bóng khôn ngoan. Anh cũng phối hợp rất tốt với các đồng đội và tất nhiên, có duyên ghi bàn.
15 trong 21 bàn thắng của U22 Indonesia được ghi sau giờ giải lao, trong đó, 13 bàn diễn ra trong hiệp 2, và 2 bàn được ghi trong hiệp phụ. Ngược lại, cả 4 bàn thua của U22 Indonesia cho đến lúc này cũng đều diễn ra trong hiệp 2. 2 bàn ở trận thua U22 Việt Nam ở vòng bảng, và 2 bàn thua khác trước U22 Myanmar.
Đặc biệt hơn, 3/4 bàn thua của U22 Indonesia xuất hiện khi trận đấu đi vào 15 phút cuối. Đây là hạn chế của việc khai thác lối đá thể lực, khiến nhiều cầu thủ của ông Indra Sjafri mất cảm giác bóng vào cuối trận, và tinh thần mất ổn định.
Với những cầu thủ nhanh và khéo như Egy, Saddil, Asnawi hay Osvaldo, HLV Sjafri muốn tạo ra nhiều khoảng trống. Đó là lý do khi gặp đối thủ mạnh như Việt Nam ở vòng bảng, ông chỉ đạo học trò lùi sâu chờ thời cơ phản công.
Bóng bổng sẽ là thế mạnh với Việt Nam. Chiều cao trung bình của đội hình chính Indonesia và Việt Nam lần lượt là 174,5 cm và 179,2 cm. Việt Nam giành 15 tình huống cố định ở cuộc đối đầu tại vòng bảng, xuất phát từ 11 phạt góc và bốn quả phạt trực tiếp. Trong đó, có chín lần bóng tìm tới cầu thủ Việt Nam và tám lần dẫn tới cú dứt điểm cho học trò của Park.
PV (t/h)
Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống