Phải chăng nền giáo dục Việt Nam đã “sụp đổ”. Không thể dùng từ nào khác thay cho từ “sụp đổ” này, bởi lẽ khi học sinh đã quay lưng với việc học môn lịch sử, thì quả là nền giáo dục của chúng ta không còn gì để nói.
Dư luận hết sức bàng hoàng với việc hàng trăm học sinh của Trường THPT Nguyễn Hiền tại quận 11, thành phố Hồ Chí Minh hò reo xé đề cương môn sử và ném xuống sân trường, rồi quay clip phát tán lên mạng.
Phải chăng nền giáo dục Việt Nam đã “sụp đổ”. Không thể dùng từ nào khác thay cho từ “sụp đổ” này, bởi lẽ khi học sinh đã quay lưng với việc học môn lịch sử, thì quả là nền giáo dục của chúng ta không còn gì để nói. Nhân câu chuyện này tôi xin kể hầu bạn đọc nghe một chuyện khác.
Số là cách đây khoảng 7 năm, có một vị quan chức cao cấp mới được bổ nhiệm làm người đứng đầu một bộ. Ông này nổi tiếng là thích nghĩ ra những câu “ranh ngôn” và hay phát cho các đơn vị để lấy đó làm “kim chỉ nam” cho mọi hành động.
rong một buổi giao lưu với một tờ báo điện tử, khi nói về việc bùng nổ thông tin và giá trị về việc cung cấp tư liệu của trang công cụ tìm kiếm Google, ông đã hào hứng đọc rằng: “Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra “gu gồ” (Google)”. Phúc bảy mươi đời cho vị quan chức này là những người biên tập trong chương trình giao lưu trực tuyến ấy đã cắt câu nói ấy đi. Còn nếu không, có lẽ ông khó có thể ngồi yên được với cái chức ấy khi đã dám nhại cả câu thơ mở đầu của Bác Hồ trong bài thơ Lịch sử nước ta: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Từ chuyện vị quan chức ấy mới thấy rằng, cái ý thức học môn lịch sử để cho “tường gốc tích nước nhà Việt Nam” của nền giáo dục nước ta là quá kém và đã bị coi thường.
Môn lịch sử đúng là môn không thể giúp cho học sinh kiếm công ăn việc làm khi ra trường như môn tiếng Anh hay một vài môn khoa học khác. Nhưng đó là môn dạy làm người, dạy lòng yêu nước và dạy cách ứng xử. Môn lịch sử cũng như môn văn, nói một cách ngắn gọn, dễ hiểu, đó là cách dạy làm người.
Nhưng tiếc thay, gần đây, càng ngày môn lịch sử cũng như môn văn đang bị chính Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ném vào sọt rác.
Bằng chứng là người ta đã cho phép một số trường có thi năng khiếu không phải thi môn văn.
Bằng chứng là số tiết giảng dạy về môn lịch sử ít hơn rất nhiều so với môn tiếng Anh và một số môn khác.
Và bằng chứng là năm nay Bộ GD&ĐT gạt môn thi lịch sử ra khỏi chương trình thi tốt nghiệp THPT.
Chưa bao giờ đạo lý giáo dục bị đảo lộn như hiện nay. Chưa bao giờ kỷ cương trong ngành giáo dục lại lộn xộn như bây giờ.
Thầy cô giáo thì có kiểu tiêu cực của thầy cô giáo mà chủ yếu từ chuyện bắt học sinh học thêm và coi giờ giảng trên lớp là giờ phụ còn học thêm là giờ chính.
Cũng chưa bao giờ học sinh của chúng ta lại dân chủ đến mức như thế này. Đó là những chuyện phản ứng lại thầy cô giáo; là những việc mang điện thoại, máy ghi âm vào phòng thi để rình rập, bắt lỗi thầy cô; là những việc học sinh kéo bè kéo cánh hành hung thầy cô; rồi dùng mạng xã hội để bôi nhọ thầy cô giáo.
Tình hình cấp bách như vậy, lẽ ra Bộ GD&ĐT cần phải có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt để đưa học sinh vào kỷ cương và buộc học sinh phải chấp hành những quy định, những chuẩn mực giáo dục đã được đặt ra trong từng môn học, mà một trong những môn rất quan trọng trong việc dạy lòng yêu nước; dạy đạo đức làm người; dạy đối nhân xử thế; dạy chân - thiện - mỹ cho học sinh, đó là văn và sử thì lại bị gạt ra ngoài.
Vậy phải chăng lãnh đạo Bộ GD&ĐT đang lúng túng và hùa theo xu thế kiếm tiền, mưu sinh của cuộc sống.
Không hiểu những nhà giáo dục, đặc biệt là những thầy cô giáo dạy môn sử nghĩ thế nào về việc học sinh xé đề cương rồi hò reo ném xuống sân trường. Cũng có ý kiến cho rằng, đây chỉ là chuyện “trẻ con”, mà các cháu ở tuổi này “ăn chưa no, lo chưa tới” cho nên đừng chấp.
Vậy thử hỏi, nếu như học sinh cũng đồng loạt xé tài liệu về lịch sử Đảng, về chủ nghĩa Mác - Lênin, xé các trang viết về các bậc tiền bối, các danh nhân văn hóa, các lãnh tụ của nước ta thì sẽ sao đây? Chắc chắn rằng, các quan chức Bộ GD&ĐT sẽ tìm cách đổ lỗi cho hiện tượng này là “hành động bột phát của học sinh”, chứ họ không chịu nhận ra rằng, trước thực trạng môn lịch sử bấy lâu nay bị coi rẻ như vậy và học sinh học kém như vậy thì phải làm thế nào để cho học sinh yêu môn lịch sử, hoặc có những biện pháp cần thiết để buộc học sinh phải học một cách nghiêm túc môn lịch sử.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, môn lịch sử của chúng ta đã “nhồi” vào đầu học sinh quá nhiều những thông tin mà “rất khó nhớ”, với phương châm đào tạo toàn diện cho nên môn lịch sử của chúng ta đã nhét thượng vàng hạ cám lịch sử của cả thế giới lẫn Việt Nam và có cảm giác rằng, những người soạn sách giáo khoa lịch sử sẽ thấy rất áy náy khi bỏ đi bất kỳ một sự kiện nào trong lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam.
Khối lượng kiến thức lịch sử học sinh phải học là rất lớn nhưng thời gian dành cho môn này lại rất hạn chế. Ở cấp THPT, môn tiếng Anh được Bộ GD&ĐT ưu tiên dành cho 6 tiết một tuần, chỉ đứng sau toán và văn. Còn môn lịch sử chỉ được 2 tiết một tuần. Số tiết học đã ít, lượng kiến thức lịch sử trong sách thì lại quá tham lam, cho nên học sinh không muốn học, ấy là điều không có gì lạ. Một cái điều nữa, phải thấy một thực tế rằng, nếu giỏi môn lịch sử thì chắc chắn kiếm công ăn việc làm cũng khó hơn giỏi tiếng Anh - nghĩa là học môn nào có thể kiếm miếng cơm manh áo dễ hơn, thì tập trung vào đó.
Chẳng lẽ các quan chức Bộ GD&ĐT không nhận thấy một điều rằng, không giỏi tiếng Anh thì chưa mất nước nhưng không biết lịch sử, không biết nguồn gốc cha ông mình thì lấy đâu ra tinh thần yêu nước. Và việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ làm gì có nữa.
Sinh viên Việt Nam học ở Cuba kể rằng họ rất sợ giao lưu với học sinh Cuba, bởi khi đi giao lưu, học sinh Cuba hay hỏi về lịch sử Việt Nam, đặc biệt hay hỏi về Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh… nhưng hầu hết sinh viên Việt Nam không đủ kiến thức để trả lời học sinh Cuba. Hỏi ra mới biết, học sinh lớp 10 ở Cuba, khi học lịch sử Việt Nam, riêng Chiến thắng Điện Biên Phủ phải học 6 tiết. Và khi học xong, học sinh phải làm một bài luận về ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Rất “hoan hô” ngành giáo dục là đã có một sáng kiến tuyệt vời, ấy là cái gì không làm được thì bỏ - không đổi mới được cách dạy cách học của môn lịch sử thì… bỏ, khỏi phải thi. Đây thực sự là bi kịch của nền giáo dục Việt Nam.
Một ông vua thời Đường đã có một câu rất hay về lịch sử, ấy là: “Soi vào tấm gương bằng đồng thì thấy được râu tóc của ta. Còn soi vào lịch sử thì thấy được việc ta làm hôm nay đúng hay sai”.
Hỡi các quan chức của Bộ GD&ĐT, xin các vị hãy trả lời trước công luận rằng, tại sao năm nay các vị dám bỏ môn lịch sử ra khỏi chương trình thi tốt nghiệp?!