Gói cứu trợ 61 tỷ USD không chỉ bơm thêm sức mạnh cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ.
Phần lớn chảy vào các tập đoàn công nghiệp quốc phòng
Theo Business Insider, gói cứu trợ trị giá 61 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden ký thông qua dành cho Ukraine có thể mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho chính nước Mỹ. Điều này là bởi phần lớn số tiền cứu trợ sẽ lại chảy vào túi các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Theo một phân tích về số tiền 113 tỷ USD Mỹ từng cứu trợ cho Ukraine trước đây do trang web Breaking Defense công bố hồi tháng 10, có tới 68 tỷ USD được chi tiêu trên chính đất Mỹ. Cụ thể, phần lớn số tiền này được chi cho các cơ quan tổ chức của Mỹ, cho các quân nhân Mỹ và các trang thiết bị quân sự mà Mỹ bán cho Ukraine và một phần nhỏ chi cho các hoạt động nhân đạo tại Mỹ.
Binh sĩ Ukraine triển khai lựu pháo M777 trên chiến trường (Ảnh: Washington Post).
Trong khi đó, một phân tích khác do Washington Post công bố hồi tháng 11 cho thấy có tới 117 dây chuyền sản xuất tại 31 bang và 71 thành phố của Mỹ đang cung cấp vũ khí cứu trợ cho Ukraine. Trong đó có các thành phố lớn như California, Arizona, Alabama và Texas.
Đến tháng 2 năm nay, tạp chí Time của Mỹ cho biết, số tiền Mỹ cứu trợ cho Ukraine đã tạo ra công ăn việc làm cho người lao động ở ít nhất 38 bang của Mỹ. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, trong gói cứu trợ mới nhất mà chính quyền Biden dành cho Ukraine trị giá 61 tỷ USD, có tới hơn 1/3 được chi cho việc mua sắm vũ khí đạn dược từ quân đội Mỹ.
Dù vậy, trong gần 3 năm qua kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Mỹ cần cân đối lại các khoản cứu trợ dành cho Ukraine. Họ cho rằng, số tiền cứu trợ này đáng lẽ phải được chi tiêu để giải quyết các vấn đề trong nước cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động Mỹ làm việc ở nước ngoài.
Người dân Mỹ cũng bày tỏ mong muốn số tiền cứu trợ dành cho Ukraine được dùng để chi cho những ưu tiên khác như xây dựng nhà cửa, chăm sóc trẻ em và những khoản phúc lợi dành cho người dân. Trong khi đó, một số người bày tỏ quan ngại các tập đoàn quốc phòng vận động hành lang, tác động các nghị sĩ thông qua những đạo luật có lợi cho lĩnh vực này.
Điều này xuất phát từ thông tin, hồi tháng 12, Tổng thống Joe Biden đã ký thông qua chính sách quốc phòng của Mỹ cho phép chi tiêu số tiền kỷ lục lên đến 866 tỷ USD trong giai đoạn từ 6/2023-6/2024. Số tiền này sẽ được chi cho mức lương tăng thêm 5,2% cho binh sĩ Mỹ, 11,5 tỷ USD cho nỗ lực răn đe Trung Quốc và 800 triệu USD để hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga.
Những thành phố hưởng lợi lớn
Quay trở lại với gói cứu trợ trị giá 61 tỷ USD mà Mỹ dành cho Ukraine. Dự kiến Ukraine sẽ nhận được số tiền viện trợ trị giá 1 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng nhiều lần khẳng định Ukraine rất cần số tiền này để mua sắm vũ khí, đạn dược, xe thiết giáp… để có thể cầm cự trước các đợt tấn công lớn của Nga.
Gói cứu trợ dành cho Ukraine đang mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Mỹ (Ảnh: Getty Images).
Dựa trên danh mục viện trợ Chính phủ Mỹ liệt kê, Washington Post đã điểm mặt một số thành phố lớn sẽ được hưởng lợi từ gói cứu trợ trị giá 61 tỷ USD dành cho Ukraine.
Đáng chú ý nhất trong danh sách này là thành phố York thuộc bang Pennsylvania nơi tập đoàn quốc phòng đa quốc gia của Anh BAE Systems đóng tổng hành dinh. BAE Systems được cho là sẽ cung cấp các loại phương tiện chiến thuật cho Ukraine.
Bên cạnh đó là các thành phố Troy bang Alabama nơi sản xuất tên lửa chống tăng Javenli; Peoria bang Illinois; Aiken bang South Carolina nơi sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams, xe thiết giáp bộ binh Bradley; Elgin bang Oklahoma nơi sản xuất lựu pháo M777; Niceville bang Florida nơi sản xuất hệ thống tên lửa HIMARS và xe thiết giáp bộ binh Stryker và Endicott bang New York nơi sản xuất lựu pháo M777.
Ngoài ra, theo New York Times, một số loại vũ khí sẽ cần có sự hợp tác cùng chế tạo từ các nhà máy ở nhiều thành phố khác nhau. Cụ thể, nhà máy ở thành phố Scranton bang Pennsylvania chịu trách nhiệm sản xuất vỏ đạn pháo rỗng rồi chuyển đến Iowa để nhồi thuốc nổ.
Trong khi đó, nhà thầu quốc phòng General Dynamics dự kiến mở thêm một nhà máy mới ở thành phố Mesquite, ngoại ô Dalllas vào tháng 6 tới để sản xuất hộp đạn pháo. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến sẽ tuyển 150 nhân công.