Tư duy đánh thuế

Em phải làm gì bây giờ, hay em rút tiền mua nhà ra?  

Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm gây tranh cãi
Giá nhà ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào nếu tăng thuế suất thuế VAT?

Bạn tôi gọi điện lúc chiều chủ nhật, khi mặt báo nào cũng có cụm từ “đánh thuế lãi tiết kiệm”.

“Em cứ để đó. Đánh thuế mới là đề xuất thôi” - tôi trả lời.

Bạn tôi bán một căn nhà ở Hà Nội, được hơn 6 tỷ. Cô chia ra 3 phần gửi tiết kiệm tại ba ngân hàng khác nhau. Hai phần ba số tiền để dành cho một căn hộ cao cấp tại quận 4, TP HCM sẽ nhận nhà vào 2019. Hiện tiến độ đóng tiền cho căn hộ khoảng 50% nên một nửa “căn hộ” vẫn đang gửi trong ngân hàng.

Tất nhiên chẳng ai mới nghe đề xuất mà rút tiền tiết kiệm khỏi ngân hàng. Nhưng nếu nó trở thành một chính sách, không thể lường được phản ứng từ người dân.

Những người “làm thuế” ở Việt Nam chẳng xa lạ gì với ý tưởng đánh thuế lên lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Cách đây hơn 10 năm, khi bà Nguyễn Thị Cúc còn làm phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong cái trụ sở cục thuế cũ ở Lò Đúc, bà đã chia sẻ với tôi rằng việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đã được chính phủ, một số đại biểu quốc hội đả động đến và thảo luận rất kỹ từ lâu. Nhưng ý tưởng này không thể áp dụng vì nước ta chưa có đủ các điều kiện của một hệ sinh thái thuế hoàn chỉnh.

Hệ sinh thái đó thực chất là hạ tầng công cụ để có thể thu thuế đúng, chính xác, kịp thời và đầy đủ của tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội mà không gây bất công bằng hay các hệ lụy chính sách.

Ví dụ, đó là một môi trường có sự giảm thiểu việc dùng tiền mặt. Thay vào đó là hạ tầng thanh toán mà các giao dịch đều phải đi qua, nhà nước do đó có dữ liệu đầy đủ về việc một ngày có bao nhiêu đồng từ túi trái người dân qua túi phải. Hay chỉ “enter” cái tên là hiện ra đồng nào ra, đồng nào vào trong ví của anh. Đó là một hệ thống thu thuế trách nhiệm, không dồn cái khó cái khổ lên vai người dân.

Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần không đồng tình với ý kiến thu thuế tiền gửi tiết kiệm. Và họ có cái lý của mình. Vốn tín dụng từ các ngân hàng vẫn là dòng máu chính nuôi nền kinh tế, luôn chiếm 80-90% vốn đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp. Vốn ấy từ đâu ra? Từ tiền gửi của dân chúng. Tức có thể nói, GDP chúng ta có được nhờ phần rất quan trọng từ tiền gửi của dân.

Sâu xa hơn, vì sao chúng ta may mắn có “mỏ vàng tiết kiệm” dồi dào trong nhiều năm qua? Là nhờ thói quen tiết kiệm đặc trưng của người Việt Nam.

Nhờ tính tiết kiệm, mà thực ra là hệ quả của một nền văn hóa lịch sử nhiều thăng trầm, chiến tranh và thiên tai đã khiến Việt Nam lọt vào danh sách top 15 những quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm của dân chúng cao nhất toàn cầu theo các báo cáo kinh tế của Ngân hàng Thế giới nhiều năm liền.

Các chuyên gia của World Bank cũng chỉ ra rằng chính nền tiết kiệm là bộ đệm quan trọng giúp nền kinh tế không đổ vỡ trong những tình huống khó khăn.

Giờ đây, nếu ta đòi đánh thuế tiền lãi tiết kiệm, thì ai cũng hiểu hệ lụy đầu tiền là người dân sẽ rút bớt tiền ra khỏi ngân hàng, hoặc may mắn nhất là họ… không rút ra nhưng không gửi thêm tiền vào các nhà băng.

Ngân hàng chỉ sống khi có tiền chạy qua. Thu nhập của nhà băng giảm, hoặc chi phí của nhà băng tăng lên vì thuế tiền lãi tiết kiệm. Cả hai điều này đều khiến tiền thuê nhà băng đóng cho Bộ Tài chính giảm đi. Tức, mong muốn tăng thu của Bộ Tài chính không thành.

Nếu người dân rút tiết kiệm khỏi nhà băng, họ sẽ tìm chỗ “gửi” khác. Những kênh có khả năng sinh lời không chính thức nhưng không bị pháp luật cấm chính là cho vay cá nhân lẫn nhau (bộ luật Dân sự đã cho phép); cho vay quay vòng lẫn nhau, chính là hình thức chơi hụi; tham gia cho doanh nghiệp vay qua các kênh tự phát để có lãi suất cao hơn ngân hàng trả, chính là tín dụng đen… Không gửi ngân hàng, anh sẽ làm việc khác để có lời. Tức là sẽ có những biến tướng của tín dụng cá nhân, tiết kiệm mà nó bóp méo, cản trở sự hình thành một hệ thống tài chính minh bạch. Làm loang rộng hơn vùng tối – vùng khó kiểm soát của nền kinh tế. Tất nhiên, người dân hứng chịu nhiều rủi ro hơn khi đem tiền cất trong vùng tối này.

Và rồi, lựa chọn không mong muốn nhất của chúng ta, là người có tiền đổi VND thành “đô” gửi ra nước ngoài. Ví dụ, ở ngay một số nước châu Á quanh Việt Nam, người nước ngoài dễ dàng mở tài khoản tiết kiệm hợp pháp chỉ với cuốn hộ chiếu và tối thiếu 200 nghìn đô la Mỹ, tương đương với 4,5 tỷ đồng. Khi đó, con số 6 tỷ đô la Mỹ chuyển ra nước ngoài của Việt Nam/năm như một thống kê gần đây liệu có còn gây ấn tượng?

Và quan trọng hơn mục tiêu lớn nhất của chính phủ là tăng trưởng GDP sẽ bị lung lay.

Nhìn rộng ra, những đề xuất thu thuế căn nhà thứ hai, áp thuế tiền lãi tiết kiệm, tăng thuế VAT… là những mảnh ghép rời rạc, dễ bào mòn niềm tin dù nó có được thực thi hay trì hoãn vào phút chót. Những người đề xuất nói rằng nó đi đúng thông lệ quốc tế. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam, khi thể chế chưa hoàn thiện và vùng “kinh tế xám” vẫn loang rộng, nơi người dân sẵn sàng đặt “chơi hụi” lên bàn cân cùng “tiết kiệm ngân hàng”, có hơn một “thông lệ” để cân nhắc.

Để kết bài, tôi xin mượn lời của ông Hồ Quốc Tuấn, một giảng viên đại học tại Anh, khi mô tả về một chính sách áp thuế sai thời điểm. Vị này, gọi đó là hành động “lấy đi tiền của người nghèo khi họ cần chúng nhất”.

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/tu-duy-danh-thue-3642775.html

/ Hồng Phúc/vnexpress.net