Trung Quốc tìm đường khoét sâu vào Đông Nam Á

Trung Quốc muốn biến một thị trấn ở Lào thành tiền trạm và tràn xuống khu vực cùng những khoản lợi nhuận kỳ vọng khổng lồ và mục tiêu chiến lược.

Phóng viên Sébastien Falletti của tờ Le Figaro (Pháp) có mặt tại Boten (Lào) đã miêu tả cảnh một công trường tại đây hoạt động 24/24 giờ. Đó là đoạn đường hầm dài 9 km và sâu 40 m đang được khoan trong lòng Núi Hữu Nghị.

Boten là thị trấn vùng biên, nằm giữa Côn Minh (Trung Quốc) và Vientiane (Lào), trở thành vùng đặc quyền kinh tế được Lào cho Trung Quốc thuê trong vòng 99 năm.

trung quoc tim duong khoet sau vao dong nam a
Một cửa khẩu giữa Trung Quốc và Lào tại Boten

Theo tờ báo Pháp, 90% dân cư ở đây là người Hoa, ngôn ngữ chính là tiếng Hoa, luật lệ và giờ giấc được áp dụng theo quy định của Bắc Kinh, điện thoại di động bắt sóng của China Unicom và giao dịch có thanh toán được bằng Alipay, hệ thống trả tiền thông qua điện thoại di động của Alibaba.

Le Figaro dẫn lời bà Duan Wenping, Giám đốc marketing của tập đoàn xây dựng Trung Quốc Haifeng Group thi công đoạn đường hầm này, cho biết: "Trong 3 năm nữa sẽ có khoảng 30.000 người Hoa sinh sống tại đây và trong tương lai là 100.000 người”.

Bắc Kinh đang có ý định biến thị trấn Boten thành một thành phố và là trạm tiền tiêu mới, trở thành một trọng điểm giao thông, là nơi trung chuyển của các tuyến đường sắt và của một tuyến đường cao tốc nối liền với Bangkok (Thái Lan).

Để thực hiện dự án, 7 quả đồi sẽ bị san ủi để mở rộng diện tích thêm 10.000 ha. Khu đô thị mới sẽ có một trung tâm thương mại, nhiều cửa hàng miễn thuế, một trường dạy tiếng Hoa, khoảng 10.000 phòng khách sạn để thu hút du khách Trung Quốc muốn tìm không khí trong lành, ba ngôi đền theo phong cách Lào sẽ được xây dựng và một trường đua ngựa 500 ha được cho là “lớn nhất châu Á” cũng sẽ xuất hiện tại đây.

trung quoc tim duong khoet sau vao dong nam a
Các cửa hiệu của người Trung Quốc dọc một tuyến đường ở thị trấn Boten, Lào

Dự án được Trung Quốc ủng hộ, cho phép vay được những khoản vay khổng lồ của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.

Theo Le Figaro, với đoạn đường hầm chiến lược xuyên Núi Hữu Nghị, song song với trục đường cao tốc, tuyến đường sắt sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa Côn Minh và thủ đô Vientiane của Lào xuống còn 10 giờ. Sau đó, tuyến đường sắt được nối tiếp bằng tuyến đường Vientiane-Bangkok vừa được Bắc Kinh ký trong khuôn khổ gói thỏa thuận trị giá 5,2 tỉ USD với chính quyền quân sự Thái Lan (song song với một dự án đường bộ từ Bắc Thái Lan đến Bangkok).

Mạng lưới này sẽ được nối vào tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lumpur-Singapore mà Malaysia vừa khởi công xây dựng.

Bà Duan Wenping được Le Figaro dẫn lời giải thích: “Đường cao tốc tới Bankok sẽ nối với cảng Moulmein ở Myanmar, một quốc gia quan trọng với Trung Quốc. Trong trường hợp chiến tranh, nguồn tiếp tế đến từ châu Âu hay Trung Đông sẽ không còn bị phụ thuộc vào mỗi eo biển Malacca do Singapore kiểm soát”.

trung quoc tim duong khoet sau vao dong nam a
Một đường hầm xuyên núi tại Lào do Trung Quốc đầu tư và thi công

Theo Le Figaro, với điều kiện Myanmar tham gia cuộc chơi, Trung Quốc mới chấm dứt được “thế nước đôi của Malacca” mà cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng nhắc đến, nhằm ám chỉ đến việc 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Trung Đông phải đi qua khu vực này, trong khi Singapore là một đồng minh của Mỹ.

Theo báo chí Pháp, Trung Quốc đang "tràn xuống" Đông Nam Á, nhưng vấp phải sự lo ngại ngày càng lớn của các nước trong khu vực. Chỉ có Lào là mắt xích yếu trong khu vực. Lào trở thành trung gian giúp Bắc Kinh mở rộng xuống phía Nam.

Theo nhận định, Trung Quốc là nước có lợi nhất trong dự án Con đường Tơ lụa Đông Nam Á. Bắc Kinh sẽ hưởng 70% lợi nhuận từ tuyến đường sắt và có thể xây dựng những dự án bất động sản sinh lời dọc bên đường. Các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ sử dụng lao động người Hoa, trong khi người Lào sẽ chỉ làm những việc không đáng kể.

Tuy nhiên, dự án này cũng cho thấy những điểm yếu lớn của Trung Quốc như tình trạng sản xuất dư thừa của ngành công nghiệp. Bắc Kinh xuất khẩu mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở hạ tầng và nguồn tín dụng dễ dãi với nguy cơ hình thành những thành phố ma mới và khối nợ cao như núi bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

/ Thành Minh/baodatviet.vn