Trung Quốc ngoài miệng luôn nói tôn trọng chủ quyền các quốc gia khác, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, song hành động trên thực tế lại hoàn toàn trái ngược, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của các bên liên quan...
Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông
Một trong những minh chứng rõ ràng nhất về việc Trung Quốc luôn “nói một đằng, làm một nẻo” trong vấn đề Biển Đông là việc quốc gia này đã hành xử, hành động trên thực tế hoàn toàn ngược lại những gì mà họ đã tuyên bố, cam kết suốt quá trình đàm phán, thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiện nay. DOC đang có hiệu lực thi hành hay DOC mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Trung Quốc đang đàm phán xây dựng hiện nay đều có nội dung cốt lõi là các bên tham gia ký kết (các thành viên ASEAN và Trung Quốc) cùng cam kết tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước UNCLOS 1982), những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế…
Đặc biệt, các nước ASEAN và Trung Quốc khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và hàng không trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, nhất là Công ước UNCLOS 1982. Các bên cam kết giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982.
Cuộc đàm phán nhằm xây dựng DOC đã sớm được các thành viên ASEAN đặt ra với Trung Quốc khi nhận thấy cường quốc này cùng với sự trỗi dậy sức mạnh kinh tế và quân sự của mình đã ngày càng bộc lộ rõ cũng như hung hăng hơn trong tham vọng đối với Biển Đông, ỷ vào sức mạnh vượt trội của mình so với các bên liên quan để dùng vũ lực hiện thực hóa tham vọng nguy hiểm này. Điều này thể hiện qua việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số bãi đá ngầm, rạn san hô… thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi đầu năm 1988.
Tuy nhiên, DOC với những quy định lỏng lẻo, không mang tính ràng buộc pháp lý đã không thể kiềm chế được tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trên Biển Đông. Cho dù cùng các nước ASEAN đặt bút ký kết vào DOC năm 2002, song Trung Quốc trên thực tế đã thực hiện không đúng mọi cam kết với của họ đối tuyên bố này khi liên tục có những động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trước những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng hơn đối với chủ quyền các bên liên quan cũng như tự do hàng hải, hàng không, hòa bình, an ninh, ổn định, và đặc biệt là chủ quyền của các bên liên quan trên Biển Đông, ASEAN lại đặt ra vấn đề xây dựng COC nhằm giảm căng thẳng trên vùng biển có ý nghĩa sống còn này đối với cả khu vực. Dựa trên cơ sở DOC, COC được trông đợi là bước tiến cao hơn, đưa ra những ràng buộc pháp lý đối với cả hai bên.
Trong nội dung văn bản COC đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc đáng chú ý cũng bao gồm cả những vấn đề then chốt như xác định tranh chấp trên Biển Đông có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như ASEAN là một bên ký kết COC với Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ muốn thừa nhận có tranh chấp ở quần đảo Trường Sa cũng như ký kết văn bản COC như ký với từng nước thành viên ASEAN.
Trung Quốc thực ra đều không muốn đàm phán cũng như ký kết DOC trước đây và đàm phán tiến tới COC hiện nay. Tuy nhiên, dưới áp lực của dư luận, đặc biệt là sau khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) tuyên bố bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi lý và phi pháp trên Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, “đường 9 đoạn”), Trung Quốc hầu như không có sự lựa chọn nào khác là buộc phải ngồi vào đàm phán về các văn bản vạch ra những nguyên tắc cơ bản trong giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nếu không muốn tự xem mình là bên gây ra tình hình căng thẳng và bất ổn trên vùng biển này.
Song cũng chính vì thế mà dù đã ký kết DOC và đang đàm phán xây dựng COC với ASEAN, thế nhưng mọi hành động, việc làm trên Biển Đông của Trung Quốc luôn trái ngược với những tuyên bố, cam kết mà họ đã trịnh trọng ký kết. Trung Quốc ngay sau khi ký DOC năm 2011 đã dùng vũ lực cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough thuộc quyền kiểm soát của Philippines vào năm 2012, ráo riết bồi đắp các bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo quy mô lớn…
Hành động của Trung Quốc gây mất ổn định và làm gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực
Trung Quốc còn tỏ ra ngày càng nguy hiểm và hung hăng hơn khi bất chấp chủ quyền các bên liên quan cũng như luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982, nhằm hiện thực hóa tới cùng tham vọng độc chiếm Biển Đông. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam năm 2014 và đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm sâu và kéo dài trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam ở bãi Tư Chính suốt từ tháng 7-2019 đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, đồng thời gây ra những lo ngại vô cùng sâu sắc đối với khu vực và thế giới.
Trong buổi điều trần do Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng quốc tế thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tổ chức về việc thực hiện Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm châu Á (ARIA) vào ngày 17-10 vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương David Stilwell đã lên án mạnh mẽ các hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Stilwell khẳng định, các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường 9 đoạn” trên Biển Đông là phi pháp và phi lý; đồng thời nêu rõ những tuyên bố này không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý và đang gây tổn hại cho các nước khác.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, các nguyên lý cốt lõi của hệ thống quốc tế đang bị thách thức bởi việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp các thực thể nhân tạo ở Biển Đông. Ông Stilwell tuyên bố, các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là mối đe dọa không chỉ đối với các quốc gia có yêu sách tại Biển Đông hoặc các quốc gia Đông Nam Á mà còn đối với tất cả các quốc gia tham gia giao thương tại khu vực cũng như tất cả những ai coi trọng tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.
Chia sẻ sự lo lắng chung của dư luận khu vực và thế giới, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ sự hoài nghi của Mỹ đối với điều mà ông cho là “sự chân thành của Trung Quốc khi đàm phán về COC nhằm củng cố luật pháp quốc tế” ở Biển Đông. Thậm chí, ông Stilwell còn thẳng thắn bày tỏ, có thể COC bị lợi dụng để hợp pháp hóa hành vi nghiêm trọng và các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc, cũng như để trốn tránh các cam kết mà quốc gia này đã ký theo luật quốc tế.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng, các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc đang ngăn cản các nước thành viên ASEAN tiếp cập nguồn dự trữ năng lượng ở Biển Đông, gây mất ổn định và làm gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực.
Trong phát biểu được hàng loạt quan chức Mỹ cho rằng hay nhất từ trước tới nay về Biển Đông, ông David
Stilwell cam kết, chính sách của Mỹ là đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các mục đích hợp pháp khác trên biển, do vậy Washington sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Ông Stilwell khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tiến hành các hoạt động đào tạo và hoạt động hàng hải chung, nhằm duy trì sự tự do và cởi mở trong khu vực Biển Đông.
Trên Biển Đông có gì?
Làm sao để một quả địa cầu sản xuất ở nước ngoài có in hai địa danh “Hoàng Sa” và “Trường Sa”? Tôi đã mất ... |
Ngoại giao Mỹ dùng lời cực nặng tố cáo Trung Quốc bắt nạt ở Biển Đông
Mới đây Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc ở Biển Đông bằng những lời lẽ nặng nề hiếm thấy. |
Những việc làm không như tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông
Dù khẳng định mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đối thoại, đàm phán và các hành động thiết thực. Thế ... |