Trung Quốc: "Không COVID-19" còn đỡ tốn kém hơn sống chung với dịch bệnh

Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn cho rằng chiến lược "Không COVID-19" mà nước này đang áp dụng bớt tốn kém hơn so với sống chung với dịch bệnh.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CGTN, ông Chung khẳng định Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng chiến lược "Không COVID-19" bởi dịch bệnh vẫn đang lây lan mạnh và tỷ lệ người chết vì nCoV trên toàn cầu vẫn đang ở mức không thể chấp nhận là 2%.

"Nhiều quốc gia quyết định mở cửa hoàn toàn bất chấp việc ghi nhận một số ca nhiễm. Điều này dẫn tới một lượng lớn số ca nhiễm trong vòng 2 tháng qua và họ quyết định tái áp đặt các hạn chế phòng dịch. Cách tiếp cận này thậm chí còn tốn kém hơn, gây tác động tâm lý tới người dân và xã hội", ông Chung nói.

Trung Quốc: 'Không COVID-19' còn đỡ tốn kém hơn sống chung với dịch bệnh  - 1
Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn. (Ảnh: SCMP)

Trung Quốc hiện vẫn duy trì một trong những cách tiếp cận cứng rắn nhất để ngăn chặn COVID-19 trong khi nhiều quốc gia như Anh, Singapore, Hàn Quốc quyết định dỡ các hạn chế về du lịch và giãn cách xã hội.

Mặc dù số ca COVID-19 ở một số nước gia tăng sau khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, nhưng tiêm chủng trên diện rộng giúp làm giảm các ca bệnh nặng và tử vong.

Ông Chung cho biết việc Trung Quốc duy trì chiến lược "Không COVID-19" tới khi nào sẽ phụ thuộc vào tình hình khống chế dịch của các nước.

"Bất kể Trung Quốc làm tốt thế nào, một khi mở cửa, các ca bệnh nhập khẩu sẽ xuất hiện và virus sẽ lây lan trong nước. Do đó, tôi tin rằng chiến lược "Không COVID-19" là không quá tốn kém", chuyên gia này khẳng định.

Tháng trước, ông Chung khẳng định Trung Quốc chỉ nên dỡ bỏ tất cả hạn chế ở biên giới khi các nước khác ghi nhận số ca mắc COVID-19 thấp và trên 80% dân số Trung Quốc đã tiêm vaccine.

Trung Quốc đang phải đối phó với một làn sóng lây nhiễm mới. Dịch bệnh hiện bùng phát ở ở ít nhất 14 tỉnh của Trung Quốc và hàng triệu người đã được xét nghiệm trong tuần qua.

Giới chức các địa phương ghi nhận ca bệnh tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh tay để chặt đứt đà lây nhiễm. Một huyện của Trung Quốc thậm chí còn chuyển mọi đèn tín hiệu giao thông sang màu đỏ để hạn chế đi lại dù sau đó đã rút lại sau khi hứng hàng loạt chỉ trích.

Các chuyên gia nhận định Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không thay đổi chiến lược đối phó với dịch trong thời gian ngắn trong bối cảnh Thế vận hội mùa đông được tổ chức ở Bắc Kinh đang tới gần.

Lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ tổ chức thành công sự kiện này mà không kèm theo các đợt bùng phát dịch nhằm chứng tỏ đà hồi phục sau đại dịch cũng như gia tăng vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

/ vtc.vn