- HLV futsal Việt Nam nói gì khi đánh bại Trung Quốc?
- Myanmar thua đậm Thái Lan, tuyển futsal Việt Nam sáng cửa đi tiếp
Đội tuyển futsal Việt Nam trên đường giành vé tham dự World Cup thứ 3 liên tiếp, nhưng bộ môn này không thực sự được người hâm mộ và các nhà đầu tư chú ý đúng mức. Trong những năm gần đây, futsal thậm chí thua kém cả bóng đá sân 7 - hay còn gọi là "bóng đá phủi" về nhiều mặt.
Đội tuyển futsal Việt Nam vừa thua ngược Uzbekistan đầy tiếc nuối ở vòng chung kết châu Á 2024, giải đấu đang diễn ra ở Thái Lan. Tuy nhiên, hành trình săn vé dự Futsal World Cup thứ 3 liên tiếp của các cầu thủ áo đỏ vẫn chưa dừng lại. Đội bóng của HLV Diego Giustozzi sẽ tiếp tục đá play-off cùng Kyrgyzstan, Iraq và Afghanistan để tranh vé vớt đến Uzbekistan vào tháng 9 năm nay.
Với những gì đã thể hiện, đội tuyển futsal còn nguyên cơ hội lách qua khe cửa hẹp. Trong số các đội tham dự vòng play-off, không có đối thủ nào quá mạnh so với đội bóng của HLV Diego Giustozzi. Trước khi thua ngược vào những phút cuối trước Uzbekistan, tuyển futsal Việt Nam cũng chỉ thua sát nút Thái Lan 1-2. Cho dù thất bại, những gì Phạm Đức Hòa và các đồng đội vẫn được các chuyên gia đánh giá cao.
Trong những ngày sục sôi của futsal như thế, nỗi đau của bộ môn này một lần nữa được những người hâm mộ trung thành nhắc đến. Đó là sự thờ ơ của xã hội với futsal. Đương nhiên, không ai kỳ vọng futsal được yêu thích như bóng đá 11 người. Ngay cả khi sóng trực tiếp trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan vừa qua có hơn 300.000 người xem cùng lúc trên các nền tảng, thì futsal - bóng đá trong nhà vẫn kém xa bóng đá ngoài sân về mọi mặt. Phong trào gần như tắt ngúm, giải vô địch quốc gia không được truyền thông đủ lớn, khai mạc - kết thúc ở thời điểm nào không nhiều người biết.
Đội tuyển futsal Việt Nam trên hành trình săn vé World Cup lần thứ 3.
Vấn đề nằm ở chỗ, futsal hiện tại còn kém xa cả bóng đá sân 7, hay còn gọi là bóng đá phủi. Bất chấp khó khăn tài chính trong những năm gần đây, các giải phủi quốc gia vẫn được tổ chức đều đặn và thu hút hàng nghìn khán giả đến sân. Không những vậy, các giải bóng đá sân 7 quốc tế cũng bắt đầu xuất hiện, tạo ra sức hút đặc biệt cho bộ môn này.
Sẽ không có gì đáng nói nếu bóng đá sân 7 không bị xem là bộ môn cục bộ địa phương của Việt Nam. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, thể loại thi đấu này cũng không phổ biến. Nói cách khác, đây không phải môn thể thao chính thống mà mang đậm tính phong trào. Không có chỗ cho bóng đá sân 7 ở SEA Games, Asian Games… Cũng không có giải vô địch Đông Nam Á, chứ đừng nói đến châu Á hay World Cup bóng đá sân 7.
Thế nhưng, người Việt Nam vẫn thích bóng đá sân 7 hơn futsal. Nhiều giải đấu sân 7 thu hút cả tuyển thủ quốc gia sân 11 về thi đấu. Những siêu sao như Quang Hải, Hoàng Đức đều từng tham gia các trận đấu phủi, góp phần giúp sân phủi thu hút người hâm mộ nhiều hơn. Điều đó không xuất hiện ở futsal, bộ môn có đặc thù rõ ràng hơn ngoài khác biệt số lượng cầu thủ ra sân.
Phong trào sân 7 nhờ thế nở rộ. Khán giả không chỉ đi xem, mà còn đi đá bóng phủi hàng tuần. Đây là điều mà futsal từng cố gắng xây dựng nhưng chưa có kết quả. Cá biệt, có một số cầu thủ futsal chuyên nghiệp cũng chuyển sang đá bóng sân 7.
Sau khi tuyển futsal Việt Nam thua Uzbekistan ở vòng tứ kết và lỡ suất chính thức dự World Cup 2024, một người hâm mộ bộ môn này chua chát nói: "Không vào World Cup cũng được, để những ai ủng hộ sân 7 nhận lỗi. Lúc vào World Cup lần đầu (2016), truyền thông tung hê, nào là bước đệm để phát triển futsal hơn nữa, nào là cả nước chơi futsal. Nhưng cuối cùng thì sao. Sân futsal thì ít, sân 7 thì nhan nhản. Trong khi bóng đá sân 7 cả thế giới không ai chơi".
Quan điểm này tạo ra tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Người nói ở trên có ý kiến không sai, nhưng anh ta cũng không hoàn toàn đúng. Sau cùng, bất cứ bộ môn nào muốn phát triển từ phong trào đều phải xuất phát điểm từ sự tiện lợi và niềm vui của người chơi.
Futsal có nhiều lý do ngăn cản, không thể phổ biến như bóng đá sân 7. Đầu tiên vẫn là… tiền đâu. Xây dựng một sân bóng futsal đạt chuẩn rất đắt đỏ, có thể lên đến hàng tỷ đồng. Trong khi sân bóng đấy cũng chỉ giới hạn một trận đấu ở một thời điểm. Sân 7 tiện lợi hơn rất nhiều. Ngay ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, mức đầu tư ban đầu để có 4 sân 7 ở một địa điểm chỉ rơi vào khoảng 400-500 triệu đồng. Nguồn tiền thu về vì thế cũng nhanh hơn. Phong trào chơi bóng cũng phát triển sâu rộng hơn. Hầu hết các phường xã, trường học đều có sân thể dục - và người ta có thể đá bóng ngay trên nền đất mà không nề hà.
Một vấn đề khác quan trọng không kém, không phải ai cũng chơi được futsal, với trái bóng nhỏ và nặng hơn trái bóng bình thường. Người chơi futsal không chỉ khéo léo mà còn phải cực khỏe. Cường độ các trận bóng đá trong nhà so với bóng đá sân 7 cao hơn đáng kể. Điều này thấy rõ qua việc các đội tuyển futsal luôn phải chia tổ luân phiên thi đấu trong vòng ít phút để tránh kiệt sức quá nhanh.
Chính vì vậy, để phát triển futsal từ gốc rễ và tạo ra niềm đam mê lớn như Thái Lan hay một số cường quốc khác là điều bất khả thi với Việt Nam. Hiện tại, những ai yêu thích futsal có lẽ nên hài lòng với việc đội tuyển quốc gia vẫn nằm trong nhóm các đội mạnh ở châu Á và đủ sức cạnh tranh vé dự World Cup liên tục trong nhiều năm.
Ngôi sao futsal cũng đi "đá phủi"
Không ít cầu thủ từng là tuyển thủ futsal quốc gia, tham dự những giải đấu hàng đầu thế giới cũng đi đá phủi. Sau khi giải nghệ, Phùng Trọng Luân trở thành "bom tấn" trên thị trường chuyển nhượng của các đội bóng phong trào. Sự góp mặt của cựu tuyển thủ từng đoạt Quả bóng vàng futsal Việt Nam 2017 không chỉ khiến giải đấu phong trào tăng chất lượng chuyên môn mà còn thu hút đông đảo người xem.
Trong khi đó, Vũ Quốc Hưng và Nguyễn Văn Hiếu xem sân chơi phong trào là nơi kiếm thu nhập chính, trang trải cuộc sống. Bộ đôi cầu thủ này từng nhiều năm khoác áo tuyển quốc gia nhưng đã quyết định chia tay do không được thi đấu thường xuyên.
https://cand.com.vn/the-thao/noi-dau-cua-futsal-viet-nam-i729331/