Trung Quốc khiếu nại các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ lên WTO: Tranh chấp lên nấc thang mới

Tranh chấp liên quan tới hoạt động sản xuất chip giữa Mỹ và Trung Quốc đã lên nấc thang mới khi Bắc Kinh khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) việc Washington áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip theo Đạo luật Khoa học và Chip. Diễn biến này gây lo ngại trong bối cảnh chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn toàn cầu vẫn ở trạng thái thiếu thốn.

Mặc dù Mỹ nắm giữ lượng lớn công nghệ bán dẫn nhưng phần lớn chip xuất xưởng lại từ các quốc gia châu Á, nhiều nhất ở Trung Quốc.

Lâu nay, sản xuất và xuất khẩu chất bán dẫn nói chung và các loại chip nói riêng vẫn luôn chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc khi cả hai nước đều muốn đi đầu trong lĩnh vực này. Theo thông báo ngày 13-12 của Bộ Thương mại Trung Quốc, khiếu nại nước này gửi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là về việc Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip theo Đạo luật Khoa học và Chip (Chips and Science Act 2022). Thông báo này nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực thi hành động pháp lý trong khuôn khổ WTO nhằm giải quyết các mối quan ngại cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của Trung Quốc, đồng thời nêu rõ những biện pháp hạn chế của Mỹ “đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu”.

Diễn biến mới cho thấy những tranh chấp liên quan tới công nghiệp bán dẫn giữa hai nhà sản xuất hàng đầu thế giới đã “nóng” hơn bao giờ hết. Hồi tháng 10, Mỹ công bố loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới trong khuôn khổ Đạo luật Khoa học và Chip, qua đó ngăn Trung Quốc mua nhiều loại chip bán dẫn được chế tạo bằng thiết bị của Mỹ trên khắp thế giới. Các công ty trên toàn cầu không được phép bán chip máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nếu trong sản phẩm có công nghệ Mỹ, và phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt nếu có nhu cầu. Khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc phản ứng mạnh, cho rằng các hạn chế của Mỹ đe dọa ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo giới quan sát, khiếu nại của Trung Quốc đã kích hoạt quá trình giải quyết tranh chấp của WTO. Mỹ sẽ có 60 ngày để tham gia tham vấn giữa các bên. Nếu tham vấn không thành công, Trung Quốc có thể xúc tiến các bước tiếp theo. Phản hồi trước động thái của Bắc Kinh, Người phát ngôn Văn phòng đại diện thương mại Mỹ Adam Hodge cho biết, đã nhận được đề nghị tham vấn từ phía Trung Quốc liên quan các hành động của Mỹ ảnh hưởng tới các thiết bị bán dẫn. Mỹ đã liên lạc với Trung Quốc và nêu rõ các hành động này liên quan đến an ninh quốc gia, đồng thời bảo vệ quan điểm WTO không phải là diễn đàn phù hợp để thảo luận các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, vụ kiện lần này là biện pháp gây áp lực, thay vì hướng tới tạo ra một thay đổi cụ thể. Bởi lẽ, vụ kiện khi xử lý thông qua quy trình giải quyết tranh chấp của WTO sẽ mất nhiều năm để rõ “trắng đen”. Nếu Trung Quốc thắng kiện, Mỹ vẫn có khả năng phủ quyết bằng cách kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm WTO, đồng nghĩa những tranh cãi kéo dài bất tận.

Trước những rắc rối chưa thấy hồi kết, không lạ khi dư luận chuyên môn dấy lên những quan ngại về tác động của “cuộc chiến bán dẫn” lên các hoạt động sản xuất công nghiệp toàn cầu. Năm 2021, số lượng chip xuất xưởng lên tới hơn 1,1 tỷ đơn vị. Tuy nhiên, con số kỷ lục này vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu, khiến giai đoạn này cũng là lúc thế giới trải qua cuộc khủng hoảng thiếu chip chưa từng có...

Trong kỷ nguyên số hóa, chip bán dẫn giữ vai trò chiến lược, nên việc những quốc gia nắm giữ công nghệ cốt lõi hay năng lực sản xuất mạnh mẽ nảy sinh tranh chấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều lĩnh vực. Vì thế, những khúc mắc không đáng có cần sớm được giải quyết thông qua đối thoại và chia sẻ, nhằm nhanh chóng khai thông dòng chảy bán dẫn toàn cầu, mở đường thúc đẩy sản xuất và phục hồi kinh tế.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1050312/trung-quoc-khieu-nai-cac-bien-phap-han-che-xuat-khau-chip-cua-my-len-wto-tranh-chap-len-nac-thang-moi

HOÀNG LINH / HNM.com.vn