WTO nhóm họp với chương trình nghị sự đầy tham vọng

Sau nhiều lần trì hoãn, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây khai mạc hội nghị cấp cao nhất trong vòng 4 năm qua với sự tham gia của quan chức kinh tế, thương mại từ hơn 100 quốc gia, dự kiến thảo luận về nhiều vấn đề như các biện pháp ứng phó với đại dịch, mất an ninh lương thực hay đánh bắt cá quá mức tại các vùng biển.

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO (MC12) đã khai mạc tại trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 12/6, với sự tham dự của các bộ trưởng thương mại và các quan chức cấp cao khác từ 164 thành viên của WTO, đây đồng thời là cơ quan ra quyết định cao nhất của tổ chức này. Hội nghị thường diễn ra hai năm một lần. Tuy nhiên, MC12 đã bị hoãn hai lần do dịch COVID-19. Ban đầu hội nghị dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2020 tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan. Sau đó, thời gian tổ chức được ấn định lại từ ngày 30/11-3/12/2021. Cuộc họp lại bị hoãn vào phút chót do bùng phát lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, dẫn đến việc áp dụng các hạn chế đi lại và quy định kiểm dịch ở Thụy Sĩ và nhiều nước châu Âu khác.

WTO nhóm họp với chương trình nghị sự đầy tham vọng -0
Các đại biểu tại phiên khai mạc MC12 của WTO. Ảnh Getty Images

Phát biểu trong phiên khai mạc, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala bày tỏ hy vọng cuộc họp sẽ đạt được tiến bộ nhằm giảm bất bình đẳng và đảm bảo thương mại tự do và công bằng. Trong bối cảnh WTO đối mặt với nhiều hoài nghi về vai trò và vị thế hiện nay, bà Okonjo-Iweala một mặt thừa nhận tổ chức này cần sự cải tổ sâu rộng, mặt khác bày tỏ hy vọng MC12 sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho tổ chức này và các nước sẽ đạt được thỏa thuận trong ít nhất một vấn đề chính được đưa ra thảo luận như đánh bắt cá hay vaccine COVID-19.

Bà Okonjo-Iweala nhận định, “con đường phía trước sẽ gập ghềnh sỏi đá, thậm chí có nhiều thử thách, tuy nhiên, chúng ta cần hướng lái những vấn đề đó để có thể đạt được đồng thuận trong một hoặc hai vấn đề”. Người đứng đầu WTO nhấn mạnh đây là “thời điểm thích hợp để tập hợp ý chí chính trị cần thiết nhằm chứng tỏ WTO có thể đóng vai trò trong giải pháp cho nhiều cuộc khủng hoảng mà toàn thế giới đang đối mặt”.

Bà Okonjo-Iweala chỉ ra hàng loạt cuộc khủng hoảng hiện nay, như đại dịch COVID-19, thảm họa thiên nhiên, hạn hán, lũ lụt hay nắng nóng bất thường, áp lực lạm phát cùng với tình trạng thiếu lương thực, chi phí nhiên liệu tăng cao do cuộc xung đột Nga-Ukraine, đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhóm người dân có thu nhập thấp. Người đứng đầu WTO nhấn mạnh rằng tự do thương mại đã giúp đưa 1 tỷ người thoát khỏi đói nghèo, nhưng người dân nghèo, ở cả nước phát triển và kém phát triển, đang bị bỏ lại phía sau.

Trong bối cảnh chiến sự khiến nhiều cảng tại Ukraine bị phong tỏa, dẫn đến việc 25 triệu tấn ngũ cốc không thể được xuất khẩu, các bộ trưởng quy tụ tại cuộc họp của WTO dự kiến sẽ xem xét việc dỡ bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đối với thực phẩm nhằm chia sẻ khó khăn với các nước đang đối mặt với tình trạng thiếu lúa mì, phân bón và các sản phẩm khác. Ngoài ra, các bộ trưởng sẽ thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ cho các nỗ lực của Chương trình Lương thực Thế giới thuộc Liên hợp quốc trong giúp đỡ các nước nghèo.

Ngoài ra, bà Okonjo-Iweala hy vọng các quốc gia thành viên thảo luận và có thể đạt được thỏa thuận về việc tạm thời dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong thời gian đại dịch. Trong khi các hãng dược phẩm muốn bảo vệ những “đổi mới” và “chất xám”, các nhóm vận động cho rằng “sự tàn phá của đại dịch cho thấy sự cần thiết phải có một ngoại lệ”, các nước đang phát triển cũng tha thiết muốn có vaccine để bảo vệ người dân.

Một số chuyên gia và nhà ngoại giao đánh giá WTO đang gần đạt được một thỏa thuận chung về nghề cá nhằm hạn chế các khoản trợ cấp của chính phủ cho các tàu đánh cá hoặc người tham gia đánh bắt “bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý”, hoặc các khoản trợ cấp quốc gia góp phần gây ra “đánh bắt quá mức”. Thỏa thuận này dự kiến sẽ bao gồm cả các điều khoản miễn trừ cho một số trường hợp các ngư dân tại những nước đang phát triển. Đây được coi là “trái ngọt” cho những nỗ lực của WTO trong hai thập kỷ qua. “Thỏa thuận này rất quan trọng đối với 260 triệu người trên thế giới có sinh kế phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào nghề cá biển”, bà Okonjo-Iweala cho biết. Ngoài ra, người đứng đầu WTO cũng nhận định đây là biện pháp nhằm đảm bảo tính bền vững cho các đại dương trên thế giới.

Sự kiện năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới nói chung và bản thân WTO đối mặt với nhiều thách thức. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi tổ chức này cải cách toàn diện. Thêm nữa, WTO đang đối mặt với sức ép phải đạt được các thỏa thuận thương mại được mong chờ từ lâu và thể hiện sự thống nhất trong bối cảnh đại dịch vẫn đang hoành hành và nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng đói kém toàn cầu. Dự kiến Hội nghị MC12 kéo dài 4 ngày. Bất kỳ kết quả nào từ hội nghị sẽ được coi là câu trả lời quan trọng cho việc liệu thể chế đa phương có còn khả năng đồng ý về bất cứ điều gì hay không và liệu có thể đạt được sự đồng thuận để cải cách các luật đã lỗi thời và theo kịp với sự phát triển toàn cầu hay không.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/wto-nhom-hop-voi-chuong-trinh-nghi-su-day-tham-vong-i656990/

Duy Tiến / cand.com.vn