Trung Quốc triển khai tổ hợp pháo phản lực tầm xa tới dãy Himalaya, khi đàm phán rút quân tại biên giới với Ấn Độ rơi vào bế tắc.
Một lữ đoàn pháo binh thuộc quân khu Tân Cương đóng quân ở độ cao 5.200 m so với mực nước biển tổ chức diễn tập sẵn sàng chiến đấu với tổ hợp pháo phản lực, PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, đưa tin ngày 19/4.
Chủng loại và tầm bắn của tổ hợp pháo phản lực này không được tiết lộ, song bài viết cho biết đây là hệ thống tầm xa với khả năng tấn công chính xác và được quân đội Trung Quốc biên chế từ năm 2019. PLA Daily cho hay khí tài này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội Trung Quốc và đóng vai trò răn đe Ấn Độ.
Đây là lần đầu quân đội Trung Quốc xác nhận triển khai tổ hợp pháo phản lực tầm xa tới biên giới với Ấn Độ, sau khi hai nước không đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán cấp tư lệnh về rút hoàn toàn lực lượng tăng viện dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa phân định giữa hai nước.
Pháo phản lực PCL-191 của Trung Quốc trong lễ duyệt binh tại Bắc Kinh tháng 10/2019. Ảnh: VCC/VCG. |
Truyền thông Ấn Độ hồi tháng 7 năm ngoái đưa tin Trung Quốc triển khai vũ khí hiện đại đến vùng hoang mạc ở tây bắc và cao nguyên Thanh Tạng ở phía nam, bao gồm pháo phản lực Type PHL-03 với tầm bắn 70-130 km và pháo tự hành PCL-181. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Type PHL-03 và PCL-181 không phải loại vũ khí mới được dùng trong diễn tập gần đây, do tầm bắn của chúng quá ngắn để có thể "gây đe dọa" với Ấn Độ.
"Hệ thống vũ khí mới phải là pháo phản lực 300 mm hoặc thậm chí lớn hơn với tầm bắn hơn 100 km. Chỉ hệ thống pháo phản lực tầm xa mới đóng vai trò răn đe với Ấn Độ do nước này đang đẩy mạnh triển khai lực lượng dọc biên giới", Tống Trung Bình, cựu giảng viên pháo binh Trung Quốc, cho biết.
Chuyên gia Antony Wong Tong tại Macao nhận định mẫu pháo phản lực quân đội Trung Quốc sử dụng có thể là PHL-16, còn gọi là Type PCL-191. "PHL-03 với trọng lượng 42 tấn quá cồng kềnh ở độ cao lớn. Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin PCL-191 sẽ trở thành hệ thống pháo phản lực chủ lực của quân đội", chuyên gia này nói.
Tổ hợp PCL-191 từng xuất hiện trong lễ duyệt binh tại thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 10/2019. PCL-191 có thể mang theo 8 rocket 370 mm với tầm bắn 350 km hoặc hai tên lửa đạn đạo chiến thuật 750 mm với tầm bắn lên tới 500 km.
Chưa rõ Trung Quốc đã chế tạo bao nhiêu tổ hợp PCL-191. Một nguồn tin quân sự Trung Quốc hồi tháng 12/2019 cho biết một lữ đoàn pháo binh được trang bị PCL-191 tới đóng quân tại tỉnh Chiết Giang dưới quyền của Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông có nhiệm vụ giám sát eo biển Đài Loan.
"Tất cả hệ thống vũ khí tiên tiến mới cần được thử nghiệm và triển khai đến các khu vực khác nhau để đảm bảo chức năng của chúng vẫn hoạt động trong thời tiết khắc nghiệt", chuyên gia Tống Trung Bình cho biết.
Vị trí xảy ra đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc trong năm 2020. Đồ họa: NY Times. |
Tranh chấp biên giới Ấn - Trung diễn ra trong nhiều thập kỷ, trong đó lần đụng độ đẫm máu nhất là cuộc chiến năm 1962. Những vụ đụng độ lẻ tẻ sau đó nổ ra dọc LAC, biên giới chưa phân định giữa Ấn Độ và Trung Quốc chạy qua dãy Himlaya.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hồi tháng 4/2020 nổ ra đụng độ ở khu vực Pangong Tso sau bất đồng về hoạt động tuần tra tại đây, dẫn đến căng thẳng kéo dài trong nhiều tháng. New Delhi cáo buộc Bắc Kinh xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố tại phần lãnh thổ của Ấn Độ quanh LAC, trong khi Trung Quốc đưa ra cáo buộc tương tự đối với Ấn Độ.
Đụng độ quanh LAC lên đến đỉnh điểm với vụ ẩu đả chết người hồi giữa tháng 6/2020, khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Ấn Độ và Trung Quốc sau đó điều lượng lớn binh sĩ và khí tài lên tăng viện cho khu vực biên giới.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)
Chiến hạm Nhật Bản áp sát tàu sân bay Trung Quốc |
Trung Quốc muốn tái tạo Con đường Tơ lụa cổ ở châu Phi |
Trung Quốc muốn thành lập ‘bộ tứ an ninh’ riêng ở Himalaya? |