Trung Quốc đang đối mặt với bê bối y tế mới sau khi một đợt điều trị huyết tương người vừa bị phát hiện nhiễm HIV.
Lô thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) nói trên - một phương pháp điều trị miễn dịch được tạo ra bằng kháng thể từ huyết tương - do công ty dược phẩm Shanghai Xinxing sản xuất. Đây là công ty thuộc tập đoàn lớn thứ 2 của Trung Quốc chuyên sản xuất các sản phẩm y tế từ huyết tương.
Giới chức y tế ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc phát hiện dấu vết HIV trong sản phẩm huyết tương người. Ảnh: Alamy |
Tuyên bố đưa ra hôm 5-2 từ Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc đã cảnh báo các bệnh viện lập tức ngưng sử dụng lô sản phẩm nói trên sau khi Ủy ban Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của tỉnh Giang Tây – phía Đông Trung Quốc phát hiện dấu vết HIV trong sản phẩm.
Hôm 6-2, một đại diện của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Giang Tây nói với trang The Beijing News rằng lô sản phẩm "gặp sự cố" đã được thông báo lên NHC và hiện vẫn chưa phát hiện bất cứ trường hợp bệnh nhân nào bị lây nhiễm HIV liên quan tới bê bối này.
Một nguồn tin từ cơ quan kiểm soát dược phẩm và thực phẩm nhà nước nói với trang China Business Journal rằng lô thuốc "lỗi" nói trên bao gồm 12.229 chai huyết tương (50ml/chai) với hạn sử dụng tới tháng 6-2021.
Immunoglobulin là kháng thể được tạo ra bởi các tế bào bạch cầu sử dụng trong điều trị thiếu hụt miễn dịch do cách bệnh như bạch cầu, viêm gan và bệnh dại.
Tuyên bố từ NHC khuyến cáo các bệnh viện báo cáo về sản phẩm và giám sát chặt chẽ tình hình của các bệnh nhân đã được điều trị bằng sản phẩm này.
Ủy ban Y tế của tỉnh Thiểm Tây – phía Tây Bắc Trung Quốc hôm 5-2 cũng phát tuyên bố xác nhận đã nhận được thông báo từ NHC. Một thành viên của cơ quan này nói với The Beijing News rằng 10 bệnh viện trong tỉnh đã báo cáo xác nhận chưa phát hiện bất cứ bệnh nhân nào nhiễm HIV.
Các nhân viên ở các bệnh viện ở tỉnh Hà Nam và TP Thượng Hải của Trung Quốc cũng xác nhận về việc tiếp nhận thông báo từ NHC trong ngày 5-2, theo Daily Economic News.
Tuy nhiên, trưởng khoa huyết học tại một bệnh viện tại Thượng Hải nói với Daily Economic News rằng họ chưa nhận được thông báo.
"Nếu chuyện này là thật, đó sẽ là một lỗi cực kỳ mạt hạng"- một bác sĩ giấu tên chia sẻ. "Ngay lúc này, điểm mấu chốt là phải làm rõ lỗi này do người hiến máu hay vấn đề với sản phẩm".
Vị bác sĩ nói thêm: "Chúng ta cần tìm ra liệu lô thuốc bị lỗi đã được phân phối tới đâu và tiến hành thu hồi, kiểm tra lại".
Cũng theo bác sĩ, những bệnh nhân nhận điều trị với huyết tương lỗi này có thể không nhiễm HIV bởi vì điều trị chống virus đã được tiến hành trong tiến trình chuẩn bị.
Thành lập năm 2000, Shanghai Xinxing là công ty công nghệ sinh học chuyên sản xuất và buôn bán các sản phẩm y tế từ máu. Công ty này thuộc kiểm soát của Tập đoàn Meheco - một trong những công ty dược phẩm lớn nhất của Trung Quốc, thuộc sở hữu của Tập đoàn Công nghệ Tổng hợp Trung Quốc, một doanh nghiệp nhà nước.
Vụ bê bối này xảy ra chưa đầy 1 tháng sau khi vỡ lở trường hợp 145 trẻ ở tỉnh Giang Tô bị tiêm vắc-xin bại liệt hết hạn sử dụng gây bất bình mạnh mẽ và một cuộc điều tra đã được tiến hành với 17 quan chức địa phương.
Trước đó không lâu, vào tháng 7-2018, một bê bối y tế chấn động hơn xảy ra, trong đó 252.600 liều vắc-xin bệnh dại của công ty công nghệ sinh học Changchun Changsheng bị phát hiện làm giả giấy tờ.
Tháng 11-2018, Chính phủ Trung Quốc đã tham khảo dự thảo đầu tiên của luật quản lý vắc-xin cho phép người dân kiện các nhà sản xuất thuốc về các thiệt hại trong trường hợp tử vong hoặc bệnh nghiêm trọng do vắc-xin bị lỗi.
Đỗ Quyên (Theo SCMP)
Sữa nội Trung Quốc trong cuộc chiến giành thị phần sau bê bối melamine
Hơn một thập niên sau bê bối sữa bột nhiễm độc khiến 6 trẻ tử vong, các bậc cha mẹ Trung Quốc vẫn không tin ... |