Trung Quốc âm thầm vượt mặt phương Tây trong nghiên cứu AI thế nào?

AI không còn là một xu hướng công nghệ mà đã trở thành tài sản chiến lược quốc gia.

Báo cáo có tên DeepSeek và địa chính trị mới của AI, do CEO Daniel Hook của Digital Science chủ biên, phân tích dữ liệu nghiên cứu toàn cầu từ năm 2000 đến 2024. Theo báo cáo, Trung Quốc hiện đang thống trị trong lĩnh vực nghiên cứu AI và khoảng cách giữa nước này với các quốc gia khác đang ngày càng nới rộng.

Dẫn đầu về nghiên cứu AI toàn cầu

Năm 2024, thế giới ghi nhận khoảng 60.000 công trình nghiên cứu AI, gấp 6 lần so với năm 2000. Trong đó, Trung Quốc hiện công bố số lượng nghiên cứu AI tương đương với số nghiên cứu của cả Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại.

Đáng chú ý, Trung Quốc chiếm tới 40% tổng số trích dẫn AI toàn cầu - cao gấp 4 lần Mỹ và EU, và gấp 20 lần Anh.

Không chỉ vượt trội về số lượng, Trung Quốc còn đang xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu độc lập, ít phụ thuộc vào hợp tác quốc tế.

Trung Quốc đang cho thấy sự vượt trội về các nghiên cứu AI. (Ảnh: Techwire Asia)

Trung Quốc đang cho thấy sự vượt trội về các nghiên cứu AI. (Ảnh: Techwire Asia)

Năm 2024, chỉ 4% bài nghiên cứu AI của Trung Quốc có đồng tác giả từ Mỹ, Anh hoặc EU. Ngược lại, Trung Quốc là đối tác hàng đầu của Anh, với 25% nghiên cứu AI tại đây có sự tham gia của nhà khoa học Trung Quốc. Ngay cả Mỹ, dù căng thẳng chính trị gia tăng và các nỗ lực hạn chế như “Sáng kiến Trung Quốc” hay kiểm soát xuất khẩu chip, vẫn duy trì quan hệ hợp tác nghiên cứu AI chặt chẽ với Bắc Kinh.

Theo ông Hook, AI đang trở thành công cụ địa chính trị mới, tương tự như năng lượng hay quốc phòng.

“AI không còn là một công nghệ trung lập. Các chính phủ đang coi công nghệ như một tài sản chiến lược”, ông viết.

Không dừng ở nghiên cứu, Trung Quốc đang chuyển hóa tri thức thành sáng chế và sản phẩm thực tiễn. Theo báo cáo, Trung Quốc hiện nộp số lượng bằng sáng chế liên quan đến AI gấp gần 10 lần Mỹ. Điều này cho thấy nước này không chỉ công bố khoa học, mà còn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa thành công.

Về mặt phân bố địa lý, Trung Quốc cũng vượt trội các nước khác. Năm 2024, có 156 cơ sở nghiên cứu tại Trung Quốc công bố trên 50 bài nghiên cứu AI, bao gồm các trường đại học, công ty, bệnh viện và trung tâm R&D ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh và Quảng Châu.

 

Trong khi đó, con số này ở Mỹ chỉ là 37, EU-27 là 54 và Anh là 19. Điều này cho thấy Trung Quốc không tập trung phát triển AI ở vài trung tâm lớn mà xây dựng hạ tầng rộng khắp trên toàn quốc, giúp gia tăng sức bền và khả năng chống chịu.

Ở phía bên kia, châu Âu cho thấy dấu hiệu tụt lại. Dù các quốc gia EU có hợp tác nội khối tốt, nhưng lại thiếu kết nối toàn cầu và gặp khó trong việc chuyển đổi nghiên cứu thành sáng chế hoặc startup. Đáng chú ý, dù Pháp đã đầu tư mạnh cho AI từ năm 2018, không một viện nghiên cứu nào của Pháp vượt mốc 50 công bố AI trong năm 2024.

Ngược lại, Anh dù quy mô nhỏ nhưng vẫn tạo được ảnh hưởng lớn nhờ chất lượng nghiên cứu cao và tỷ lệ trích dẫn vượt trội. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong hợp tác học thuật.

Về phía doanh nghiệp, Trung Quốc cũng đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Dù các công ty Mỹ vẫn công bố nhiều nghiên cứu AI hơn, nhưng số lượng doanh nghiệp nghiên cứu tích cực tại Trung Quốc đang gần bắt kịp. Điều này cho thấy khu vực tư nhân của Trung Quốc đang trở thành trụ cột trong hệ sinh thái AI quốc gia.

Ông Hook lưu ý rằng phần lớn nghiên cứu AI tại Mỹ hiện diễn ra trong các công ty tư nhân như OpenAI và không được công bố rộng rãi, gây khó khăn trong việc theo dõi và đánh giá. Dù vậy, dữ liệu cho thấy Mỹ đang dần mất lợi thế trong các startup AI chuyên nghiên cứu chuyên sâu.

DeepSeek - biểu tượng cho sự độc lập công nghệ

Việc Trung Quốc phát triển thành công DeepSeek - một chatbot mã nguồn mở, tiết kiệm chi phí huấn luyện, được tung ra đầu năm 2025 - là minh chứng cho năng lực công nghệ ngày càng trưởng thành. DeepSeek không cần tới các GPU đắt đỏ và được cấp phép mở theo chuẩn MIT, thể hiện sự tự tin và chủ động vượt rào cản công nghệ từ phương Tây.

Tuy nhiên, DeepSeek chỉ là phần nổi của tảng băng. Trung Quốc đang sở hữu một lực lượng nhân lực AI đông đảo và trẻ trung: hơn 30.000 nhà nghiên cứu AI đang hoạt động, gấp đôi tổng số tiến sĩ và sau tiến sĩ trong lĩnh vực này của Mỹ. Trong khi Mỹ có khoảng 10.000 nhà nghiên cứu AI, EU-27 có 20.000 và Anh chỉ khoảng 3.000.

Trung Quốc đang đầu tư dài hạn cho AI. (Ảnh: Live Science)

Trung Quốc đang đầu tư dài hạn cho AI. (Ảnh: Live Science)

Đặc biệt, lực lượng AI của Trung Quốc chủ yếu là các nhà khoa học trẻ, cho thấy quốc gia này đang đầu tư cho dài hạn, không phụ thuộc vào một vài “ngôi sao” học thuật. Bên cạnh đó, dòng chảy nhân tài cũng đang đảo chiều: Trung Quốc hiện là bên thu hút ròng các nhà nghiên cứu AI từ Mỹ và Anh, ngược lại với xu hướng trước đây.

Theo đó, báo cáo của Digital Science nhận định Trung Quốc không chỉ là đối thủ mà đang trở thành trung tâm kết nối toàn cầu trong nghiên cứu AI. Trong khi phương Tây vẫn có các mạng lưới học thuật và chuỗi giá trị thương mại mạnh mẽ, thì quy mô, tốc độ tăng trưởng và tính tự chủ của Trung Quốc đang tạo ra sự khác biệt rõ rệt.

Sự ra đời của DeepSeek không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của nhiều năm đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và hạ tầng. Điều này cho thấy xu hướng trong thập kỷ tới: lợi thế sẽ thuộc về quốc gia nào vừa thu hút được nhân tài, vừa tạo điều kiện để nghiên cứu chuyển hóa thành ứng dụng phục vụ xã hội.

Trung Quốc có vẻ như đang làm được cả ba và làm nhanh hơn bất kỳ ai khác.

https://vtcnews.vn/trung-quoc-am-tham-vuot-mat-phuong-tay-trong-nghien-cuu-ai-the-nao-ar956068.html

Kông Anh / VTC News