"Dỗ" con bằng điện thoại từ sáng đến tối, sau hơn một năm, cậu con 2 tuổi của chị Huyền ngừng nói, hay đập phá, ăn vạ.
Đến một ngày, chị Ngô Thu Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội) giật mình nhận ra con mình, bé Hoàng Nam 25 tháng tuổi, không nói nữa dù lúc 9 tháng tuổi đã biết "dạ". Ở nhà, Nam không trả lời khi người lớn gọi tên, hay đập phá, mất tập trung, khó ngủ, thường xuyên khóc đêm, đẩy mẹ ra mỗi lần được ôm.
Lo con tự kỷ, chị Huyền đưa Nam đi khám. Tuy nhiên, bác sĩ nhận định bé không tự kỷ bởi Nam vẫn nhìn vào mắt người khác, biết bắt chước cầm chổi quét nhà và chơi xếp hình. Bé thích ngồi lòng bác giúp việc, chỉ thờ ơ với mẹ.
Chị Huyền thừa nhận mình quá bận rộn, không dành nhiều thời gian bên con mà ủy thác hết cho bác giúp việc và smartphone. Nhà ở khu đô thị mới, môi trường trong sạch, nhiều cây xanh nhưng Nam không được ra ngoài, chỉ quanh quẩn xem hoạt hình, video clip. Cứ khi cậu bé quấy, người lớn lại đưa điện thoại, và bé nín lập tức.
"Tôi không đếm nổi số giờ con xem thiết bị điện tử mỗi ngày", chị Huyền chia sẻ.
Ảnh: Shutterstock. |
Nguyễn Duy Lâm 26 tháng (Đống Đa, Hà Nội) được bố mẹ đưa đi khám vì cùng lý do như Hoàng Nam. Gia đình nghĩ con bé vì ít nhìn mắt, không nói được từ nào có nghĩa, trong khi anh trai 7 tuổi nhanh nhẹn, hoạt bát.
Bố Duy Lâm cho biết từ 9 tháng tuổi, con đã quen với sự xuất hiện của smartphone. Mỗi sáng, bé sang ở với ông bà, tối bố mẹ mới đón về. Ông bà chăm cụ bị ốm nên không có thì giờ chơi với cháu, cho cháu xem điện thoại cả ngày.
Giống Hoàng Nam, bác sĩ kết luận Duy Lâm không tự kỷ. Cậu bé không đặc biệt thích hoặc sợ gì đó, cũng không có hành vi bất thường như vẩy tay, xoay tròn.
Điểm chung của Hoàng Nam và Duy Lâm là đều có những triệu chứng giống tự kỷ và thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử, nhất là smartphone. Sau ba tháng kiêng thiết bị điện tử và được chơi nhiều với bố mẹ, cả hai tiến bộ về mặt ngôn ngữ, nói rõ hơn và được cả câu, chủ động tìm đến người lớn ôm ấp.
Theo bác sĩ nhi Trần Thị Thu Thủy, phòng khám Cây Thông Xanh (Hà Nội), những trường hợp như Hoàng Nam và Duy Lâm được gọi là "tự kỷ ảo". Thuật ngữ này do một chuyên gia người Romania đưa ra năm 2014, chỉ những trường hợp trẻ có dấu hiệu giống rối loạn phổ tự kỷ do sử dụng quá mức các thiết bị điện tử, đặc biệt là smartphone.
Trẻ "tự kỷ ảo" xuất hiện những triệu chứng như không nhìn mắt, gọi không trả lời, không chơi với bạn khác hoặc chạy lung tung, chậm ngôn ngữ, không chỉ bằng ngón tay. Nếu ngưng hoàn toàn thiết bị điện tử thì vài tháng sau, những biểu hiện này mất đi. "Về bản chất, 'tự kỷ ảo' không phải là tự kỷ", bác sĩ Thủy lưu ý.
"Những nghiên cứu gần đây cho thấy việc cha mẹ cho trẻ tiếp cận với điện thoại di động, tivi và màn hình điện tử quá sớm dẫn đến chậm phát triển nhận thức và ngôn ngữ ở trẻ", phó giáo sư - tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.
Năm 2018, một nghiên cứu thực nghiệm ở Indonesia kết luận tiếp xúc với màn hình điện tử càng sớm và càng nhiều thì hậu quả về hoạt động thần kinh cấp cao khi lớn lên càng nghiêm trọng. Tiến sĩ tâm lý Ngô Thanh Huệ, Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt - Pháp nhận định: "Một đứa trẻ bình thường cũng có thể vì ảnh hưởng của smartphone mà rối loạn phát triển". Đặc biệt, không chỉ trẻ nhỏ mà cả trẻ lớn hơn, đã đi học cũng bị tác động tiêu cực bởi điện thoại đi động, biểu hiện ra bằng điểm số tụt giảm, thờ ơ với mọi người và hoạt động xung quanh.
Để trẻ phát triển khỏe mạnh, phó giáo sư Trần Thành Nam khuyến cáo các phụ huynh đừng ngạc nhiên, tự hào mỗi lần con thao tác thành thạo smartphone mà hãy học cách bảo vệ con khỏi các món đồ công nghệ.
Theo chuyên gia, trẻ từ 2 tuổi trở xuống tuyệt đối không được tiếp xúc với thiết bị điện tử. Trẻ 2-5 tuổi chỉ dùng nhiều nhất một tiếng mỗi ngày với điều kiện bố mẹ ở bên cạnh, cùng tương tác.
Ngoài ra, phụ huynh đừng thấy con nhà khác học ngoại ngữ qua smartphone mà lập tức để con mình làm theo. Mỗi đứa bé lại có khả năng khác nhau, có trẻ hiểu tiếng Anh nhưng cũng có trẻ chỉ đơn thuần nhại lại những gì đã xem.
Muốn con phát huy khả năng học tập, bố mẹ phải là người ở bên hỗ trợ chứ không thể chỉ trông cậy vào smartphone.
"Nhìn một quả táo qua màn hình, trẻ chỉ thấy hình ảnh hai chiều. Còn nếu được bố mẹ cho xem quả ngoài đời thực, trẻ sẽ biết nó to hay nhỏ, nặng hay nhẹ, nhẵn hay sần sùi, mùi thơm hay không, ngọt hay chua. Chưa kể, trẻ còn nhìn bố mẹ để học cảm xúc, đọc ngôn ngữ cơ thể", bác sĩ Thủy phân tích.
"Bố mẹ sẽ truyền năng lượng tích cực cho con, smartphone thì không", bác sĩ Thủy nói.
Minh Trang
Cận cảnh trại hè "cai nghiện" điện thoại di động của thanh thiếu niên Hàn Quốc
Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ dân số sở hữu điện thoại thông minh cao nhất trên thế giới. Theo số liệu của ... |
Muốn cai nghiện điện thoại, chỉ cần bật chế độ đen trắng?
Theo nghiên cứu khoa học, màu sắc trên các ứng dụng hoặc giao diện smartphone có xu hướng thu hút người dùng, giữ họ ở ... |