- Gian nan tìm người thừa kế tài sản 18 tỷ đồng của bà cụ 91 tuổi
- Bi kịch tranh giành thừa kế của gia tộc tỷ phú từng giàu nhất Trung Quốc
Vụ kiện tranh chấp quyền thừa kế tài sản 11 tỷ đồng có bước ngoặt đầy kịch tính, hóa ra cả hai chị em đều không phải con ruột của người đã khuất.
Vụ án tranh chấp khoản thừa kế 3 triệu nhân dân tệ (gần 11 tỷ đồng) tại Thiên Tân (Trung Quốc) gần đây thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ số tiền liên quan rất lớn mà còn vì diễn biến có bước ngoặt đầy kịch tính.
Một trong những nhân vật chính của vụ án, ông Tôn, đã chuyển nhượng bất động sản trị giá 3 triệu nhân dân tệ cho con trai trước khi qua đời và để lại văn bản yêu cầu con trai bù đắp tài chính một cách hợp lý cho con gái nuôi trong tương lai.
Sau khi ông Tôn mất, con gái nuôi cho rằng khoản thừa kế bị phân chia bất công, yêu cầu hợp đồng tặng - cho do em trai cô nắm giữ phải do ông Tôn ký, và phần của mẹ cô phải được tính vào khoản thừa kế theo pháp luật. Hai bên có cuộc đối đầu gay gắt tại Tòa án Nhân dân quận Nam Khai, Thiên Tân, và mối quan hệ giữa hai chị em gần như tan vỡ.
Người con gái được ông bà Tôn nhận nuôi vào năm 1966. Bảy năm sau, em trai chào đời, hai chị em lớn lên cùng nhau. Ông Tôn lo lắng các con sẽ quay lưng với nhau nên đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu sống hòa thuận trong các giấy tờ để lại. Mặc dù vậy, cuộc tranh chấp tài sản vẫn nảy sinh sau khi ông Tôn qua đời.
Người chị gái thắc mắc rằng hợp đồng tặng - cho không có chữ ký của mẹ, cho rằng phần của bà cần được chia thừa kế cho hai chị em; còn người em trai khăng khăng muốn làm theo giấy tờ chuyển nhượng mà bố đã làm; hai bên không thể thống nhất.

Vụ án tranh chấp khoản thừa kế 3 triệu nhân dân tệ thu hút sự chú ý của dư luận vì diễn biến có bước ngoặt đầy kịch tính.
Trong quá trình xét xử, cô chị đưa ra bằng chứng mới rằng thông tin hộ khẩu của em trai ghi là "nhận con nuôi", chứng minh rằng em trai không phải là con ruột của ông Tôn. Tin tức bất ngờ này đã khiến người em suy sụp tại tòa, điều mà anh tin tưởng, an tâm dựa vào bao năm qua bỗng sụp đổ.
Người em nhớ lại rằng hai chị em xa cách nhau từ những năm 1990; anh một mình chăm sóc cha mẹ cho đến khi họ qua đời. Giờ đây, khi chị gái đột nhiên xuất hiện để tranh chấp tài sản, anh thấy rất khó chấp nhận.
Trong phiên tòa, thẩm phán không muốn đẩy cuộc tranh chấp trong gia đình này thành nhiều vụ kiện và cố gắng giải quyết rạn nứt thông qua hòa giải. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc nhận con nuôi không ảnh hưởng đến quyền thừa kế theo luật định. Mặc dù hai bên không có quan hệ huyết thống, họ vẫn có hưởng quyền thừa kế ngang nhau.
Tuy nhiên, căn nhà nói trên đã được chuyển nhượng và công chứng vào năm 2007, vì thế nó không thuộc phạm vi thừa kế theo luật định. Nếu yêu cầu phân chia được đưa ra, việc này sẽ được xử lý riêng, làm tăng gánh nặng kiện tụng và rạn nứt thêm mối quan hệ giữa hai chị em.
Sau ba giờ hòa giải, thẩm phán trích dẫn dòng di chúc của ông Tôn được khoanh tròn bằng bút đỏ - "sống hòa thuận như anh em". Điều này đã khơi gợi tình cảm và lý trí của cả hai bên và cuối cùng họ đạt được sự đồng thuận: Em trai sở hữu nhà và đưa cho chị gái 550 nghìn nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ đồng). Chi phí tang lễ và tiền trợ cấp được chia đều sau khi trừ các chi phí khác.