TP.HCM huy động gần 840.000 tỷ đồng làm đường sắt đô thị trong 10 năm tới thế nào?

TP.HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành khoảng 183km đường sắt đô thị; đến năm 2045 xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị.

Đến 2035 hoàn thành 183km đường sắt đô thị

UBND TP.HCM vừa gửi HĐND TP tờ trình đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị (đề án metro).

Theo đề án, TP.HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành khoảng 183km đường sắt đô thị; đến năm 2045 xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị (theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351,08km.

Đến năm 2060 hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch được duyệt, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510,02km.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) giai đoạn từ nay đến năm 2035 khoảng 837.249 tỷ đồng (tương đương 34,92 tỷ USD), không bao gồm vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1.

Tuyến metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên

Tuyến metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên

Cơ cấu nguồn vốn được xây dựng trên nguyên tắc: Đối với các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA thì các đoạn tuyến còn lại xem xét, nghiên cứu phương án có thể sẽ tiếp tục đầu tư theo vốn vay ODA.

Đối với các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước.

Ngân sách giữ vai trò chủ đạo

Về phương án huy động vốn, TP.HCM thực hiện trên quan điểm của Kết luận số 49-KL/TW. Trong đó, huy động tối đa các nguồn lực, xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài.

Đồng thời, ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá" và "ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, nguồn lực ngoài ngân sách.

Đầu tiên, TP.HCM dự kiến huy động vốn từ nguồn từ tăng thu ngân sách (nguồn tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách trung ương và ngân sách thành phố).

Theo thống kê trong giai đoạn 2021-2023, số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố khoảng hơn 26.000 tỷ đồng (1,08 tỷ USD), bình quân khoảng gần 9.000 tỷ đồng/năm (0,38 tỷ USD/năm).

Để đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện đề án metro, cần xem xét được giữ lại số tăng thu ngân sách Trung ương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố để thực hiện đề án.

Việc cho phép thành phố giữ lại số tăng thu ngân sách Trung ương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố sẽ không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách Trung ương so với số dự toán ngân sách Trung ương đã được xây dựng từ đầu năm.

Thứ hai là nguồn huy động từ đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố trên cơ sở các khu đất dự kiến phát triển TOD.

Dự kiến, kinh phí thu được từ bán đấu giá các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý xung quanh các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2 cho tổng diện tích 290,89ha dự kiến khoảng 76.076,4 tỷ đồng.

Trong đó, bao gồm kinh phí thu được từ bán đấu giá các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý của tuyến metro số 1, metro số 2, kinh phí thu được từ bán đấu giá khu đất do Công ty TNHH Một thành viên cây trồng thành phố quản lý của tuyến đường sắt đô thị nối dài và kinh phí thu được từ bán đấu giá các khu đất sau khi thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xung quanh các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3, 4, 5...

Thứ ba là nguồn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; Thứ tư là nguồn từ vốn đầu tư công của thành phố; Và, cuối cùng là huy động từ các nguồn vốn vay.

Dự kiến huy động vốn từ trái phiếu địa phương khoảng 10.000 tỷ đồng (0,42 tỷ USD) đến 30.000 tỷ đồng (1,25 tỷ USD) trong 1 năm cho giai đoạn 2025 đến 2034 để dành riêng cho phát triển đường sắt đô thị.

Theo ANTĐ