TP HCM ủng hộ rút ngắn đường sắt nối Cần Thơ

TP HCM nhất trí với phương án điều chỉnh chiều dài tuyến đường sắt cao tốc nối Cần Thơ còn 135 km và xây dựng các ga đường sắt thành các ga đô thị.

Nội dung được Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình nêu trong văn bản mới đây gửi Bộ Giao thông Vận tải về điều chỉnh tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ theo đề xuất của đơn vị nghiên cứu - Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam.

Theo đó, tổng chiều dài tuyến đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ được đề xuất còn 135 km, rút ngắn khoảng 5 km so với trước. Đoạn dài nhất đi qua Tiền Giang hơn 61 km; gần 34 km đi qua Vĩnh Long; đoạn qua Long An dài gần 28 km, 6,5 km qua TP HCM và đoạn qua Cần Thơ dài 5,5 km. Điểm đầu của tuyến là ga Tân Kiên thuộc huyện Bình Chánh, TP HCM và điểm cuối là ga Cái Răng thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Theo đơn vị đề xuất, việc điều chỉnh ngoài giảm chi phí đầu tư khoảng 200 triệu USD (khoảng 4.600 tỷ đồng) còn giảm khối lượng giải phóng mặt bằng.

0005 duongsattphcm cantho 6019 1611 2631 9168 1616147491

Hướng tuyến theo đề xuất của đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Đồ họa: Khánh Hoàng.

Đơn vị nghiên cứu cũng đề xuất xây 9 ga đường sắt thành các ga đô thị gồm: Tân Kiên (TP HCM); Thạnh Phú, Tân An (Long An); Tân Phước, Cai Lậy, Cái bè (Tiền Giang); Vĩnh Long, Bình Minh (Vĩnh Long); ga Cần Thơ (TP Cần Thơ) với tổng diện tích dự kiến khoảng 3.840 ha.

Trong đó, ga Tân Kiên thuộc huyện Bình Chánh, TP HCM được đề xuất bổ sung chức năng khu đô thị phát triển theo hướng TOD (mô hìnhđô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) với tổng diện tích 352 ha.

Theo UBND thành phố, tuyến đường sắt được Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch từ năm 2013 nên việc rà soát, điều chỉnh phù hợp tình hình phát triển của thành phố và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết, theo Luật Quy hoạch. Ngoài ra, việc điều chỉnh các ga đường sắt thành ga đô thị để phát triển đô thị dọc các tuyến đường sắt theo mô hình TOD. Việc này nhằm phát huy hiệu quả các tuyến đường sắt, thu hút khách sử dụng, phát triển đô thị theo hướng tích hợp...

Dự án được đề xuất sử dụng đường sắt đôi, khổ 1.435 mm - dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, tàu chở khách chạy 200 km/h, tàu hàng 150 km/h. Ước tính tổng đầu tư dự án khoảng 10 tỷ USD. Khi hoàn thành, nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ Giao thông Vận tải.

Tuyến đường khi đưa vào khai thác ước tính thời gian đi từ TP HCM đến Cần Thơ khoảng 45 phút, thay vì 5-6 giờ như hiện nay. Ngoài ra tuyến giúp tăng năng lực giao thương hàng hoá giữa TP HCM với Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển kinh tế xã hội vùng...

Giá vé đề xuất của tuyến: từ TP HCM đến Long An là 120.000 đồng mỗi lượt khách, Tiền Giang 280.000 đồng, Vĩnh Long 425.000 đồng và Cần Thơ 500.000 đồng. Cùng 4 chặng này, mỗi tấn hàng có giá 20.000 đồng, 45.000 đồng, 70.000 đồng và 80.000 đồng. Mức giá này được đơn vị nghiên cứu theo tiêu chí cạnh tranh với loại hình vận chuyển khác, đảm bảo hoàn vốn đầu tư trong 25 năm.

Hữu Công

Tiến độ đường sắt Cát Linh- Hà Đông vẫn bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Tiến độ đường sắt Cát Linh- Hà Đông vẫn bám sát chỉ đạo của Thủ tướng
Đề xuất xây đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh trong 10 năm Đề xuất xây đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh trong 10 năm
Nguyên phó ban đường sắt bị phân công làm viên chức văn phòng Nguyên phó ban đường sắt bị phân công làm viên chức văn phòng
/ vnexpress.net