- Tổng thống Zelensky muốn nhờ Chủ tịch Tập Cận Bình giúp chấm dứt xung đột
- Tổng thống Zelensky nêu điều kiện nối lại hòa đàm với Nga
Hôm 7/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nếu các cuộc trưng cầu dân ý gia nhập Nga được tổ chức ở Ukraine thì sẽ không có đàm phán hòa bình.
Theo tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Ukraine đang giữ vững lập trường không nhường lãnh thổ cho Nga.
"Vị thế của đất nước chúng tôi vẫn như trước đây. Chúng tôi sẽ không từ bỏ những gì thuộc về mình", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: Reutes)
"Nếu bên chiếm đóng tiến hành trưng cầu dân ý, họ sẽ đóng cơ hội đàm phán với Ukraine và thế giới tự do", ông Zelensky nhấn mạnh.
Các lực lượng Nga hiện kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực Donbas phía đông Ukraine và các khu vực phía nam sau khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2.
Các quan chức phụ trách ở các khu vực này đã đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga có thể được tổ chức trong vòng vài tuần hoặc vài tháng tới.
Đàm phán hòa bình Nga - Ukraine diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự vào ngày 24/2. Quan chức hai bên đã tổ chức một số vòng gặp mặt trực tiếp tại Belarus và sau đó tiếp tục các cuộc đàm phán trực tuyến. Vào cuối tháng 3, các phái đoàn từ Nga và Ukraine gặp lại nhau một lần nữa tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, kể từ đó, các cuộc đàm phán hoàn toàn bị đình trệ.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga đã cung cấp cho Ukraine một dự thảo thỏa thuận nhưng Kiev phớt lờ. Nga đồng thời cáo buộc Mỹ và các đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột hiện tại và không cho phép Ukraine thảo luận về vấn đề hòa bình. Moskva cũng cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.
Hôm 23/7, Nga và Ukraine ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ về việc nối lại các chuyến hàng ngũ cốc trong nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Thỏa thuận trên được ca ngợi là thành công ngoại giao hiếm hoi kể từ khi chiến sự nổ ra cho tới này.