- Phương Tây chia rẽ về cách thức chấm dứt xung đột tại Ukraine
- Ngoại trưởng Mỹ-Nga sắp có động thái bất ngờ kể từ đầu xung đột Ukraine
- Phương Tây cạn nguồn lực quân sự nếu xung đột Nga- Ukraine kéo dài?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn có cuộc đối thoại trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình để nhờ nhà lãnh đạo Trung Quốc giúp chấm dứt chiến sự với Nga.
"Tôi muốn đối thoại trực tiếp. Tôi từng có cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây một năm. Kể từ khi xung đột nổ ra hôm 24/2, chúng tôi đã đề nghị tổ chức đối thoại nhưng chưa có hoạt động nào diễn ra dù tôi tin rằng điều này sẽ rất có ích", ông Zelensky nói với SCMP.
Trong cuộc phỏng vấn, nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của mình đối với Nga để chấm dứt giao tranh.
"Đó là một quốc gia hùng mạnh, một nền kinh tế hùng mạnh... Vì vậy, họ có ảnh hưởng về mặt chính trị, kinh tế đối với Nga. Và Trung Quốc cũng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tôi chắc chắn rằng nếu không có thị trường Trung Quốc, Nga sẽ cảm thấy bị cô lập hoàn toàn về kinh tế", ông Zelenskiy nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: AP)
Trong khi hy vọng Bắc Kinh có một cách tiếp cận khác đối với cuộc xung đột, nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ mong muốn quan hệ giữa Ukraine và Trung Quốc được củng cố và phát triển.
Hai nước đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm ngoái.
Trong năm 2021, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Ukraine với kim ngạch thương mại đạt gần 19 tỷ USD.
Ông Zelensky cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong số ít các nhà lãnh đạo thế giới tới đến thăm Ukraine “ít nhất một lần”. Ông cũng đề cập tới việc ông Tập từng nhắc tới mối quan hệ giữa Kiev và Bắc Kinh trong cuộc điện đàm giữa cả hai vào năm ngoái.
Tổng thống Ukraine nói ông hiểu Trung Quốc muốn duy trì một thái độ “cân bằng” đối với cuộc chiến, nhưng ông mong muốn Bắc Kinh thay đổi thái độ này.
Trung Quốc từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Không như những nước phương Tây và một số quốc gia châu Á khác, Bắc Kinh không áp đặt lệnh trừng phạt nào đối với Moskva, thậm chí tăng mua dầu Nga.
Kể từ khi xung đột nổ ra, Trung Quốc nhiều lần khẳng định Nga là đối tác chiến lược quan trọng nhất của quốc gia này.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp BRICS (gồm 5 nền kinh tế mới nổi Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc) hồi cuối tháng 6, Chủ tịch Tập Cận Bình lên án lệnh cấm vận kinh tế đối với Nga vì chiến sự tại Ukraine và kêu gọi hợp tác để hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.
“Cuộc khủng hoảng Ukraine gióng hồi chuông báo động cho thế giới. Thực tế một lần nữa chứng minh rằng cấm vận là con dao hai lưỡi”, ông Tập nói.
Giới chức Trung Quốc cho rằng phương Tây đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy tư tưởng đối đầu với Nga ở Ukraine, dẫn tới xung đột bùng phát.