Tổng thống Pháp lại đến Lebanon

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết ông sẽ thúc đẩy cải cách nhằm đưa Lebanon ra khỏi vực thẳm khi thăm Beirut lần thứ hai trong vòng một tháng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 31/8 đến gặp Fairouz, 85 tuổi, một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới Arab, được coi là biểu tượng cho sự đoàn kết của Lebanon, khi bắt đầu chuyến thăm Beirut kéo dài hai ngày.

Những người biểu tình tụ tập bên ngoài nhà ca sĩ với các biểu ngữ "Không được có nội các bao gồm những kẻ giết người". Một số người hô "không Adib", ám chỉ đại sứ Lebanon tại Đức Mustapha Adib, người được Tổng thống Lebanon chỉ định làm tân thủ tướng vài giờ trước khi Macron đến.

0049 3

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trả lời truyền thông khi hạ cánh tại Lebanon ngày 31/8. Ảnh: AFP

Khi rời đi, Macron nói chuyện với đám đông. "Tôi đã cam kết với bà Fairouz, tôi cam kết với các bạn ở đây tối nay rằng tôi sẽ làm mọi thứ để cải cách được thực hiện và Lebanon sẽ nhận được nhiều điều tốt đẹp hơn. Tôi hứa với các bạn. Tôi sẽ không bỏ rơi các bạn", ông nói.

Macron cho rằng Lebanon cần nhanh chóng hình thành chính phủ mới "càng sớm càng tốt" để giải cứu đất nước. Sau khi được chỉ định làm thủ tướng, ông Adib cũng cam kết nhanh chóng khởi động một chính phủ với các chính sách cải cách và xin hỗ trợ tài chính quốc tế.

Hồi đầu tháng, Macron đến Lebanon khoảng 48 giờ sau khi thủ đô Beirut của Lebanon hôm 4/8 rung chuyển vì kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat, tương đương 240 tấn TNT, phát nổ, khiến 190 người thiệt mạng, 300.000 người mất nhà cửa, gây thiệt hại trực tiếp lên tới 15 tỷ USD. Người dân cáo buộc chính quyền quản lý yếu kém và lơ là trách nhiệm khi để kho amoni nitrat tồn tại ở cảng Beirut mà không có biện pháp an toàn trong 6 năm qua. Các nhà phê bình cũng đổ lỗi cho nạn tham nhũng và sự lãnh đạo kém cỏi của chính phủ Lebanon.

Ngay sau vụ nổ, nhiều quan chức chính phủ Lebanon đã nộp đơn từ chức, như Thủ tướng Hassan Diab, Bộ trưởng Môi trường Lebanon Damianos Kattar và Bộ trưởng Thông tin Lebanon Manal Abdel Samad. Tuy nhiên, động thái này không thể xoa dịu lòng dân, khi nhiều người lên tiếng đòi Tổng thống Michel Aoun từ chức. Trong khi đó, Aoun tuyên bố việc ông từ chức sau vụ nổ Beirut là "không thể" vì sẽ tạo khoảng trống quyền lực.

Thảm họa đầu tháng 8 được cho là đòn giáng chí mạng vào Lebanon, đất nước đang chìm trong nhiều cuộc khủng hoảng chồng chất, từ kinh tế, xã hội cho tới Covid-19. Quốc gia này đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm và thường bị cuốn vào các cuộc xung đột khu vực. Gần một nửa dân số Lebanon sống dưới mức nghèo đói và 35% thất nghiệp.

Phương Vũ (Theo AFP)

Một tuần sau vụ nổ, Lebanon rơi vào khủng hoảng toàn diện Một tuần sau vụ nổ, Lebanon rơi vào khủng hoảng toàn diện

Một tuần sau vụ nổ “như một quả bom nguyên tử” ở cảng Beirut, Lebanon chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế, chính trị và ...

Chính phủ Lebanon từ chức vì vụ nổ Beirut Chính phủ Lebanon từ chức vì vụ nổ Beirut

Các bộ trưởng trong chính quyền Thủ tướng Lebanon Diab đồng loạt từ chức trước sức ép liên quan đến vụ nổ khiến 220 người ...

/ vnexpress.net