Từ đầu năm học đến giờ, tôi nghe nói rất nhiều về những bất cập về sách giáo khoa cho học sinh bậc tiểu học, đặc biệt là lớp 1. Nghe đến nhức cả đầu, đọc đến mỏi cả mắt những lời phê phán.
Để cho rõ, khỏi phải nói theo kiểu “thầy bói xem voi”, tôi đã nhờ nhân viên cơ quan mua đủ một bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” gồm 9 quyển của NXB ĐH Sư phạm TP. HCM do GS Nguyễn Minh Thuyết tổng chủ biên. Bộ sách này nặng gần 2kg, trong đó, sách Tiếng Việt có 2 quyển, các môn khác như Toán, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc và Hoạt động trải nghiệm mỗi loại 1 quyển.
Tôi chưa có thời gian đọc hết sách của 8 môn học mà mới chỉ đọc được môn Tiếng Việt, Âm nhạc, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội. Và thực sự, tôi thấy hãi hùng về khối lượng chữ nghĩa, kiến thức mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mà hay nói cụ thể là các nhà biên soạn sách “nhồi” vào đầu con trẻ.
Bộ sách giáo khoa "Cánh Diều" |
Trước hết nói về môn Tiếng Việt. 2 quyển Tiếng Việt tập 1 và tập 2, riêng phần nội dung phải học là 327 trang. Một năm các cháu đi học 9 tháng, trừ ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết, các cháu còn học khoảng 170 ngày. Trong 170 ngày, chỉ có 1 nửa học chính khóa, còn 1 nửa là thời gian học phụ đạo, vậy mà các cháu phải học 327 trang thì học kiểu gì, nhồi vào đầu con trẻ như thế nào?
Về nội dung, hầu hết đây là những câu chuyện ngô nghê, không mang ý nghĩa dạy dỗ gì cho các cháu. Đặc biệt, hầu như không có những bài dạy các cháu thế nào là ngoan, là lễ phép, là thương yêu cha mẹ, là giúp đỡ bạn bè. Tất cả chỉ là những câu chuyện chim muông, cá thú, trong đó có nhiều câu chuyện “láu tôm láu cá” vớ vẩn.
Thứ nữa, đó là lỗi chính tả trong sách nhiều khủng khiếp! Ở đây, hình như mỗi tác giả biên soạn đều viết theo 1 kiểu ngữ pháp riêng của mình. Trong đó sai nhiều nhất là lỗi đánh dấu nguyên âm. Ví dụ, chữ “thủy” lẽ ra dấu hỏi đánh vào chữ “u” nhưng trong sách, hầu hết đánh vào chữ “y”; chữ “hòa” thì dấu huyền đánh vào chữ “a”, không đánh vào chữ “o”... Đó là chưa kể những lỗi chấm câu, lỗi viết hoa khác...
Một điều nữa, tất cả những cuốn sách này dày đặc những tranh vẽ in màu mè lòe loẹt, giấy trắng lôm lốp, nhìn tưởng là đẹp nhưng thực ra những người làm sách ai cũng biết rằng, điều tối kỵ là in sách bằng giấy trắng tinh.
Thêm vào đó, không thể không nói đến vấn đề, sách này hình như chỉ dành cho đối tượng là trẻ em người Kinh, tuyệt nhiên từ đầu đến cuối không có bộ tranh nào liên quan đến trẻ em người dân tộc. Chưa kể, ngôn ngữ này là ngôn ngữ của người già chứ không phải của con trẻ.
Về sách âm nhạc, tôi không hiểu người ta dạy nhạc cho trẻ kiểu gì nhưng lẽ ra, trước khi học hát thì phải học ký xướng âm trước. Sau đó, khi biết ký xướng âm một cách đơn giản thì sẽ ghép vào những bài hát. Nhưng ở đây, cũng kẻ khuông nhạc, cũng có nốt nhạc kèm lời bài hát nhưng dạy học sinh học hát ngay.
Đó là chưa kể, trong sách đưa những loại nhạc cụ mà trẻ em khó có thể biết được như xilophone, maracas, triangle... Dạy âm nhạc cho học sinh lớp 1 thì tôi không hiểu các thầy cô giáo dạy học đã biết các loại nhạc cụ này chưa mà đã phải nhồi nhét cho các cháu học sớm thế này.
Về môn Tự nhiên và xã hội, tôi không hiểu các nhà giáo dục “nhồi” các cháu học sinh nói chưa sõi một môn “tự nhiên và xã hội”. Trong đó, có những mục “kỳ lạ” như “cộng đồng địa phương”, dạy cho trẻ em cả Tết nguyên đán một cách quá “khoa học”... Về môn Đạo đức, nội dung có vẻ khá hơn một chút nhưng cũng quá nhiều (74 trang).
Tóm lại, cảm giác của tôi thực sự là “sợ hãi” khi thấy một đứa trẻ mới học lớp 1 mà đi học phải cõng đến 2kg sách, chưa tính vở bài tập và sách tham khảo. Họ nhồi nhét vào đầu một đứa trẻ đủ các loại kiến thức tạp nham. Riêng môn Tiếng Việt, có lẽ tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức dạy cho một số nhà văn để họ cảm nhận thế nào về môn này. Lời hay ý đẹp không có, những mẩu chuyện đạo đức không có thì dạy cái gì?
Đây mới là bộ sách “Cánh Diều”, còn tôi chưa hiểu những bộ sách khác thì đến mức thế nào?
Đúng là Bộ Giáo dục đang có chủ trương “đày đọa” con trẻ ngay từ lớp 1!
Nhà văn Nguyễn Như Phong