Bộ Giáo dục có thực tâm muốn ngăn chặn tình trạng móc túi cha mẹ học sinh?

Giá sách giáo khoa mới cao gần gấp 4 lần sách giáo khoa cũ, kèm theo đó là hàng loạt các loại sách bổ trợ, sách bài tập, sách Tiếng Anh đi kèm...

Năm học 2020-2021 chỉ mới là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1 nhưng đã dấy lên nỗi lo ngại về chuyện giá sách giáo khoa.

Giá sách giáo khoa mới cao gần gấp 4 lần sách giáo khoa cũ, kèm theo đó là hàng loạt các loại sách bổ trợ, sách bài tập, sách Tiếng Anh đi kèm.

Dù biết, đời sống của một bộ phận người dân hiện nay đã được cải thiện nhưng vẫn còn một bộ phận khá lớn người dân đang còn nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo…với biết bao nỗi khó khăn thường trực.

Nhưng, chỉ một bộ sách học lớp 1 cho con đã có trường thông báo giá lên cả gần 1 triệu đồng thì làm sao tránh được nỗi lo lắng khi con em mình bước vào năm học mới.

Ngoài sách giáo khoa thì có rất nhiều loại sách khác đi kèm (Ảnh: Thùy Linh)

Loạn giá sách đầu năm học

Trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mà các Nhà xuất bản đã được Bộ Giáo dục phê duyệt để đưa vào giảng dạy trong năm 2020-2021 thì bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, gồm 9 cuốn có giá thấp nhất cũng lên tới 186.000 đồng.

Bộ sách lớp 1 có giá cao nhất là bộ sách Cánh Diều, sách gồm 9 cuốn có giá 199.000 đồng.

Mặc dù sách giáo khoa mới đã cao hơn rất nhiều giá sách giáo khoa cũ nhưng nếu so với các loại sách bổ trợ, bài tập, tiếng Anh đi kèm thì nó vẫn còn rất thấp.

Bởi nhìn vào bảng giá một số địa phương thông báo, có nơi thì 566.000 đồng, thậm chí như có trường ở Thành phố Hồ Chí Minh lên đến 807.000 đồng thì rõ ràng việc mua một bộ sách lớp 1 đã thực sự là một áp lực rất lớn cho phụ huynh học sinh.

Sau khi báo chí lên tiếng, ngày 4/9/2020 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 3401/BGDĐT-GDTH gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học.

Tại Công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, thực hiện nghiêm túc một số nội dung.

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã dược quy định tại Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT (ngày 30/12/2010) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo .


Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.Trong đó quy định rõ, sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.

Tuy nhiên, có lẽ công văn số 3401/BGDĐT-GDTH đã ban hành quá trễ vì ngày 4/9 thì về cơ bản các trường đã hoàn thiện việc bán sách lớp 1 cho học sinh rồi. Vì khi học sinh vào nhập học thì việc bán các loại đồng phục, sách vở đã được nhà trường triển khai.

Trước đó, ngày 10/6/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cung ứng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 gửi các sở giáo dục và đào tạo; các nhà xuất bản có sách giáo khoa lớp 1 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng.

Nhưng trong công văn này không thấy Bộ nhắc gì đến việc cấm các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có các hành vi lôi kéo, áp đặt, ép buộc cha mẹ học sinh mua các tài liệu và dụng cụ ngoài sách giáo khoa.

Ảnh chụp màn hình.

Hơn nữa, tại công văn số 3401/BGDĐT-GDTH của Bộ có nhắc đến Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT (ngày 30/12/2010) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng suốt 10 năm qua thì sự việc như thế nào chắc Bộ cũng đã biết.

Bộ cấm thì cứ cấm nhưng vì sao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (trước đây) và các Công ty phát hành sách vẫn tiếp cận để đưa sách tham khảo vào nhà trường thì phụ huynh…không biết.

Chỉ biết, rất nhiều các loại sách, thậm chí cả sách giáo khoa Tiếng Anh, Tin học, Mĩ thuật…ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở cũng đưa vào các nhà trường từ lâu với giá cao hơn rất nhiều sách giáo khoa năm 2000.

Thế nên không phải không có lý khi dư luận đặt câu hỏi, Công văn 3401/BGDĐT-GDTH chỉ nhằm xoa dịu truyền thông, chứ không có tác dụng nào trong việc ngăn chặn bán kèm tài liệu, dụng cụ theo sách giáo khoa mà nhiều thứ không dùng đến, gây lãng phí không nhỏ cho dân.

Có điều các loại sách này đa phần đều là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà đơn vị này là đơn vị trực thuộc của…Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sách giáo khoa vẫn là nỗi lo cho các năm tiếp theo
Có nghĩa là từ này đến năm 2024 thì tỉ lệ học sinh học sách của chương trình giáo dục phổ thông mới ngày càng nhiều hơn.Chương trình, sách giáo khoa mới được bắt đầu thực hiện ở lớp 1 từ năm học 2020-2021 và sẽ cuốn chiếu xong ở 3 cấp học vào năm học 2024-2015.

Nếu lấy con số học sinh khai giảng năm nay là gần 23 triệu, trừ đi số học sinh Mầm non cũng còn gần 20 triệu học sinh phổ thông thì khi thực hiện xong chương trình, sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12, mỗi năm xã hội sẽ đầu tư vào việc mua sách học phổ thông sẽ là rất lớn.

Không chỉ học sinh mua sách học với giá quá cao mà giáo viên cũng phải mua với giá cao không kém. Theo thông báo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì sách giáo viên lớp 1 năm nay cũng có giá từ 390.000 đồng đến 448.000 đồng.

Vì thế, học sinh lớp 1 năm nay và các lớp tiếp theo trong những năm tới đây không khỏi không lo lắng. Bởi, cứ đà này thì gánh nặng sẽ tiếp tục đè oằn vai phụ huynh học sinh trong mỗi năm học.

Trong khi, mỗi năm học thì đâu chỉ có chuyện sách giáo khoa, đâu chỉ chuyện sách bổ trợ cho học tập mà có biết bao nhiêu khoản nhà trường yêu cầu thu, còn phụ huynh thì phải đóng góp.

Nhập nhèm sách giáo khoa với sách tham khảo Nhập nhèm sách giáo khoa với sách tham khảo
Phó Chánh văn phòng Bộ Giáo Dục tử vong khi đi kiểm tra tại Bắc Kạn Phó Chánh văn phòng Bộ Giáo Dục tử vong khi đi kiểm tra tại Bắc Kạn
Đề xuất chuyến bay đưa du học sinh Việt ở Mỹ về nước Đề xuất chuyến bay đưa du học sinh Việt ở Mỹ về nước
/ giaoduc.net.vn